Công đoàn cần tham gia hiệu quả vào điều tra tai nạn lao động và ATVSLĐ
28-12-2022
Theo đồng chí Uông Quang Huy - Phó chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam luôn trăn trở xác định đúng nguyên nhân tai nạn lao động, đúng hành vi, đúng lỗi để tìm ra giải pháp đúng nhất phòng ngừa tai nạn lao động tái diễn.
Các cấp Công đoàn Điện lực Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng việc tham gia, phối hợp với chuyên môn ở trên tất cả các nội dung của công tác ATVSLĐ. Bởi lẽ, ngành Điện lực là ngành có nguy cơ rất cao mất an toàn trong lao động sản xuất.
Năm 2022, tình hình tổn thương, tử vong do tai nạn lao động, tai nạn giao thông ở người lao động vẫn diễn biến phức tạp (15 vụ với 15 người bị nạn, liên quan đến điện; 33 vụ với 33 người bị nạn do yếu tố giao thông). Đây là trăn trở của tổ chức Công đoàn khi mục tiêu của công tác ATVSLĐ chưa đạt được như mong muốn.
Công đoàn Điện lực Việt Nam luôn chú trọng giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng mất an toàn lao động cho người lao động: Tại sao tai nạn lao động vẫn xảy ra ở mức khoảng 10 vụ/năm? Xác định đúng nguyên nhân tai nạn lao động, đúng hành vi, đúng lỗi sẽ là căn cứ rất quan trọng để tìm ra giải pháp đúng nhất phòng tránh tai nạn lao động xảy ra trong tương lai.
Tại sao tai nạn giao thông xảy ra đối với người lao động trong ngành Điện hằng năm lại nhiều? Công đoàn phải làm gì để ngăn ngừa và giảm thiểu, bảo đảm an toàn cho người lao động khi tham gia giao thông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng như trên đường đi/về nhà?
Hoạt động của an toàn, vệ sinh viên vì sao còn hình thức, chất lượng chưa cao?
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã xác định những nội dung, công việc trọng tâm, trọng điểm để thực hiện.
Hằng năm, Công đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo công đoàn trực thuộc thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Trong đó yêu cầu nâng cao vai trò của Công đoàn trong công tác điều tra tai nạn lao động. Công đoàn cần chủ động và có ý kiến để xác định đúng nguyên nhân gây tai nạn lao động để kiến nghị chuyên môn có giải pháp khắc phục, giảm thiểu tai nạn lao động xảy ra trong tương lai.
Về tai nạn giao thông mà người lao động gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như trên đường đi về nhà, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã kiến nghị trong các kỳ đối thoại với chuyên môn đầu tư xe chuyên dụng quản lý vận hành lưới điện thay cho phương tiện cá nhân là xe máy. Đồng thời kiến nghị người sử dụng lao động quan tâm đến vấn đề an toàn giao thông cho người lao động nhiều hơn, cần có sự chỉ đạo thống nhất từ Tập đoàn, tập trung huấn luyện người lao động tham gia giao thông.
Về điều tra tai nạn lao động, hầu hết cả vụ tai nạn lao động đều xác định lỗi thuộc về người lao động. Do vậy, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động chấp hành nghiêm chỉnh quy trình, quy định, kỷ luật lao động.
Để tổ chức, quản lý, hướng dẫn hoạt động của an toàn, vệ sinh viên trong toàn Tập đoàn và có căn cứ pháp lý chỉ đạo thống nhất từ Tập đoàn, phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa chuyên môn và Công đoàn, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã kiến nghị với Tổng Giám đốc Tập đoàn ban hành Chỉ thị liên tịch số 6799/CTLT-EVN-CDĐLVN ngày 29/11/2022. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên, có đầy đủ quy định để quản lý và hướng dẫn hoạt động an toàn, vệ sinh viên.
Chỉ thị gồm nhiều quy định: Hình thành mạng lưới an toàn, vệ sinh viên ở đơn vị cấp có công đoàn cơ sở để đảm bảo hiệu quản lý và hướng dẫn hoạt động. Quy định cụ thể trình tự, thủ tục bầu, miễn nhiệm, công nhận an toàn, vệ sinh viên.
Quy định hoạt động mạng lưới an toàn, vệ sinh viên gồm có chế độ hoạt động, công tác huấn luyện, đào tạo; chế độ, chính sách cho an toàn, vệ sinh viên cũng đã được nâng mức 0,1 lên 0,2 trong thoả ước lao động tập thể; hoạt động đánh giá tổng kết, khen thưởng cần được quan tâm kịp thời, động viên an toàn, vệ sinh viên.
Phân cấp rõ ràng trách nhiệm của chuyên môn với Công đoàn, cấp Tập đoàn với cấp Tổng công ty, cấp đơn vị cơ sở trong chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn đối với an toàn, vệ sinh viên.
"Những hoạt động có trọng tâm, trọng điểm nói trên bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò của Công đoàn trong công tác ATVSLĐ" - đồng chí Uông Quang Huy - Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết.
Theo HÀ VY ( Cuộc Sống An Toàn chuyên trang tạp chí điện tử lao động công đoàn)
Thông tin khác
- » Đánh giá rủi ro toàn diện trong an toàn, vệ sinh lao động. (08.11.2022)
- » Huấn luyện an toàn lao động nhóm 1 - Quản lý, chủ doanh nghiệp (25.08.2020)
- » Huấn luyện an toàn lao động nhóm 2 - Cán bộ chuyên trách an toàn (25.08.2020)
- » Huấn luyện an toàn lao động nhóm 3 - Công việc yêu cầu nghiêm ngặt. (01.09.2020)
- » Huấn luyện an toàn lao động nhóm 4 (01.09.2020)
- » Huấn luyện an toàn lao động nhóm 6 - An Toàn, Vệ Sinh Viên (03.09.2020)
- » An toàn làm việc tại trạm nghiền sàng đá, trạm trộn bê tông - nhóm 3 (20.10.2022)
- » An toàn chế biến mủ cao su, nhựa thông - nhóm 3 (19.10.2022)