2 công nhân thiệt mạng tại mỏ quặng ở Cao Bằng
06-12-2021
Tại bãi khai thác quặng Nhật Phát thuộc xóm Bản Khuông - Cốc Chia, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng vừa xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 2 công nhân tử vong.
Ông Nông Văn Khôn, Chủ tịch UBND xã Đoài Dương cho biết, khoảng 13h ngày 29/11/2021, UBND xã nhận được tin báo của người dân về vụ tai nạn lao động ở bãi quặng Nhật Phát, xóm Bản Khuông - Cốc Chia.
“Sau khi nhận được tin báo, công an xã đã cử lực lượng đến hiện trường tiến hành điều tra xác minh. Khi đến khu vực bãi khai thác quặng có thấy một số công nhân đang ở trong khu vực bãi quặng. Qua nắm bắt, một số công nhân cho biết vụ tai nạn lao động xảy ra khoảng 9h ngày 29/11/2021”, ông Khôn thông tin.
Vụ tai nạn lao động khiến anh L.V.T (SN 2004, trú tại xóm Nà Đon, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) tử vong tại chỗ.
Anh T.A.T (SN 2003, trú tại xóm Tổng Ngoảng, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng nhưng do chấn thương nặng đã không qua khỏi.
Cả hai nạn nhân đều được công ty khai thác quặng đưa về nhà cho gia đình mai táng.
Ông Trần Hải Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh Cao Bằng cho biết, ngày 1/12/2021, LĐLĐ tỉnh Cao Bằng tham gia đoàn điều tra tai nạn lao động do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB & XH) tỉnh Cao Bằng chủ trì, đã đến hiện trường thu thập thông tin phục vụ cho quá trình điều tra.
Về nguyên nhân vụ tai nạn lao động, ông Sơn cho hay: “Các công nhân đang trong quá trình thu quặng trong hầm lò thì bị đá rơi đè vào người dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh làm rõ. Sau khi cơ quan điều tra có kết luận, LĐLĐ tỉnh Cao Bằng sẽ tham gia góp ý kiến đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.
Được biết, Doanh nghiệp này hiện chưa có tổ chức Công đoàn, hai người thiệt mạng là lao động tự do, người dân tộc thiểu số, mới xin vào làm việc một hôm thì xảy ra tai nạn. Sau khi xảy ra vụ việc, công ty đã đưa xác nạn nhân về quê, cách hiện trường khoảng 280km, thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho gia đình.
Liên quan đến vụ việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo vừa ký công văn hỏa tốc yêu cầu Doanh nghiệp này dừng ngay mọi hoạt động khoáng sản tại mỏ mangan Bản Khuông, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh để khắc phục sự cố tai nạn và làm rõ nguyên nhân.
Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương khắc phục hậu quả về người và tài sản do sự cố tai nạn lao động gây ra; chủ động phối hợp với UBND huyện Trùng Khánh bảo vệ hiện trường, cung cấp thông tin tài liệu cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở LĐ - TB & XH, Công an tỉnh Cao Bằng, các cơ quan liên quan để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, làm rõ, xử lý, khắc phục sự cố tai nạn lao động xảy ra tại khu vực mỏ.
Ông Nguyễn Trung Thảo cũng giao UBND huyện Trùng Khánh chủ trì, phối hợp với Sở LĐ – TB & XH và các cơ quan liên quan kịp thời hỗ trợ, động viên thân nhân gia đình người bị tai nạn theo quy định.
Tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ khu vực xảy ra tai nạn lao động để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định cho đến khi có báo cáo, chỉ đạo xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Giao Sở LĐ – TB & XH, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND huyện Trùng Khánh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương rà soát, kiểm tra, xác minh, làm rõ, đánh giá nguyên nhân vụ tai nạn lao động tại mỏ mangan Bản Khuông; việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của Doanh nghiệp này, xử lý nghiêm hành vi vi phạm để xảy ra sự cố tai nạn lao động nêu trên, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/12/2021.
Thiết nghĩ, xung quanh vụ việc trên, có một số vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất, theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH, quy định công việc khai thác quặng kim loại màu bằng phương pháp hầm lò thuộc danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Căn cứ theo Khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019, người chưa đủ 18 tuổi sẽ không được người sử dụng lao động tuyển dụng để học nghề, tập nghề đối với những công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐ - TB & XH ban hành.
Cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp khi tiếp nhận người chưa đủ 18 tuổi (SN 2004) vào làm việc tại hầm mỏ, vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ hai, theo Điều 18, Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016, quy định rõ, khi xảy ra tai nạn lao động chết người, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động là phải giữ nguyên hiện trường, khai báo tai nạn lao động, phối hợp với cơ quan điều tra... Tuy nhiên, trong vụ việc này, doanh nghiệp đã tự ý đưa xác nạn nhân về quê mai táng, thỏa thuận bồi thường. Sau đó cơ quan chức năng mới tiếp nhận được thông tin.
Ý YÊN
Nguồn: An Toàn Cuộc Sống
Thông tin khác
- » Cháy lớn tại TP. HCM thiêu rụi một xưởng gỗ tại quận 12 (26.11.2021)
- » Ba người bị điện giật khi lắp trụ đèn chiếu sáng, một người tử vong (24.11.2021)
- » Nữ công nhân tử vong sau khi bị cuốn vào trục chuyền giấy (19.11.2021)
- » Coi nhẹ ý thức, người dân đang tự gây tai nạn cho mình (17.11.2021)
- » KỶ NIỆM 39 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/1982 - 20/11/2021 (15.11.2021)
- » Đảm bảo an toàn lao động cho các công trình xây dựng mùa mưa bão (15.11.2021)
- » Tác động của dịch Covid-19 và giải pháp sau khi hết giãn cách xã hội (06.10.2021)
- » Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động online dành cho đơn vị, doanh nghiệp thời covid-19 (09.07.2021)