197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động

13-12-2021
Người làm công tác ATVSLĐ là không thể thiếu trong bộ máy vận hành của doanh nghiệp.
 
An toàn vệ sinh viên cùng thảo luận sửa máy tại Nhà máy Z129 (Tuyên Quang).

An toàn vệ sinh viên cùng thảo luận sửa máy tại Nhà máy Z129 (Tuyên Quang).
 
 
Từ 2015, khi Luật ATVSLĐ ra đời cho đến nay, nhu cầu cho vị trí này ngày càng tăng cao, một mặt xuất phát từ sự quan tâm của người sử dụng lao động (NSDLĐ), mặt khác là cần đáp ứng yêu cầu của pháp luật, yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, người làm công tác ATVSLĐ luôn bị tác động bởi sự mong đợi của cả hai bên, vừa đạt hiệu quả trong việc ngăn ngừa xảy ra các sự cố, các tình huống gây mất ATVSLĐ, vừa không ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Bài viết dưới đây đề cập đến việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người làm công tác ATVSLĐ.
 
1. Vai trò của người làm công tác ATVSLĐ theo qui định của Luật ATVSLĐ
Năm 2020, trên toàn quốc xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó, số người chết là 966, số người bị thương nặng là 1.897. Ở các vụ TNLĐ chết người, nguyên nhân do NSDLĐ luôn chiếm tỷ lệ cao (44,97%), trong đó các lỗi chủ yếu là không xây dựng quy trình và biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc có thực hiện huấn luyện cho NLĐ nhưng chưa đầy đủ; thiết bị và điều kiện lao động không đảm bảo.
Theo Luật ATVSLĐ, NSDLĐ được xem là chủ thể trong công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp, với 4 quyền và 7 nghĩa vụ được quy định chi tiết tại Điều 7. Người làm công tác ATVSLĐ tham gia xuyên suốt ở 27 Điều trong tổng số 32 Điều trong vai trò của NSDLĐ về tổ chức thực hiện công tác tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Với tính chất then chốt trong công tác tham mưu, trợ giúp NSDLĐ trong công tác quản lý, có thể khẳng định người làm công tác ATVSLĐ đóng vai trò là "não bộ" của hệ thống quản lý ATVSLĐ tại các doanh nghiệp.
 

Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi cấp công ty lần thứ 12 của Công ty Cổ phần Than Đèo Nai (Quảng Ninh).
 
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người làm công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc
Yếu tố tâm lý ở đây thường được liên tưởng đến sức khỏe tinh thần. Sức khỏe tinh thần không chỉ đề cập đến các bệnh lý nặng mà còn bao gồm các rối loạn phổ biến như trầm cảm, lo âu, căng thẳng trong công việc hoặc các trường hợp “kiệt sức” có thể được điều trị thích hợp nếu xử lý đúng cách.
 
Với người làm công tác ATVSLĐ, vai trò của họ sẽ không được thể hiện trọn vẹn nếu bản thân gặp các vấn đề về tinh thần, bị các yếu tố tại nơi làm việc tác động tiêu cực, làm mất đi sự tập trung, sự bình tĩnh, sự sáng suốt, sự thấu hiểu trong quá trình giải quyết công việc và đưa ra các quyết định.
Từ thực tế công tác tại các đơn vị, có thể xác định 07 yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý NLĐ nói chung và người làm công tác ATVSLĐ nói riêng, bao gồm: (1). Nhu cầu công việc; (2). Sự kiểm soát công việc; (3). Sự hỗ trợ trong công việc; (4). Các mối quan hệ tại nơi làm việc; (5). Vai trò công việc; (6). Sự thay đổi của công việc; (7). Môi trường làm việc.
 
Bảng 1. Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người làm công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc

STT

YẾU TỐ

SỐ

DIỄN GIẢI

Nhu cầu

Phòng, ban khác yêu cầu những việc mà tôi có thể phối hợp cùng.

Tôi hoàn thành công việc đúng thời hạn.

Tôi không phải bỏ nhiều công sức để làm việc.

Tôi không phải bỏ bớt việc dù có nhiều việc phải làm.

Tôi có đủ thời gian nghỉ ngơi.

Thời gian làm việc không quá dài.

Tốc độ làm việc không phải nhanh.

Thời hạn hoàn thành công việc là không vô lý.

Kiểm soát

Tôi có thể chủ động lựa chọn thời điểm để nghỉ ngơi.

Tôi có quyền chọn làm nhanh hay chậm.

Tôi được chọn làm theo cách nào.

Tôi được chọn những gì phải làm.

Thời gian làm việc linh động.

Hỗ trợ

Tôi nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên.

Cấp trên hướng dẫn tôi cách làm việc.

Tôi có thể kể với cấp trên về chuyện buồn bực, hay khó chịu trong công việc.

Tôi được hỗ trợ khi gặp phải nhiều xúc cảm trong công việc.

Nhận được sự khích lệ từ cấp trên.

Tôi được đồng nghiệp giúp đỡ khi gặp khó khăn trong công việc.

Đồng nghiệp giúp đỡ và hỗ trợ những gì tôi cần.

Tôi nhận được sự tôn trọng thích đáng từ đồng nghiệp.

Đồng nghiệp sẵn sàng lắng nghe chuyện của tôi.

Mối quan hệ

Tôi không bị quấy rối bằng lời nói hoặc hành vi không đẹp.

Không có sự xích mích hoặc giận hờn giữa các đồng nghiệp.

Tôi không bị bắt nạt trong công việc.

Mối quan hệ với mọi người xung quanh không căng thẳng.

Vai trò

Tôi hiểu rõ điều gì mong đợi ở tôi.

Tôi biết cách làm thế nào để hoàn thành công việc.

Tôi hiểu rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình là gì.

Tôi hiểu rõ các mục đích và mục tiêu cho bộ phận mình.

Tôi hiểu công việc mình phù hợp với mục tiêu chung của tổ chức như thế nào.

Sự thay đổi

Tôi có nhiều cơ hội để hỏi người quản lý về sự thay đổi trong công việc.

Nhân viên luôn được tư vấn về sự thay đổi trong công việc.

Khi công việc có sự thay đồi, tôi biết rõ thay đổi đó là như thế nào.

Môi trường

Cơ sở vật chất (nơi vệ sinh, ăn, nghỉ ngơi…) đủ và/hoặc sạch sẽ.

Nơi làm việc không quá nóng, không quá lạnh.

Không khí nơi làm việc không bị ô nhiễm (bụi, mùi hôi…).

Nơi làm việc thoáng khí.

Nơi làm việc không quá ồn, không gây khó chịu.

Nơi làm việc không có nhiều hóa chất độc hại, nguy hiểm.

Nơi làm việc không bị ảnh hưởng nhiều bởi rung, điện từ trường, bức xạ, phòng xạ.

Nơi làm việc đủ ánh sáng.

Tư thế làm việc thoải mái.

Không gian làm việc không chật hẹp, không đông người.

Công cụ làm việc đủ và/hoặc vừa vặn.

 
Thang điểm đánh giá của từng câu hỏi theo 5 mức: Mức 1, “Không bao giờ”, đánh giá “Rất kém”. Mức 2, “Hiếm khi”, đánh giá “Kém”. Mức 3, “Đôi khi”, đánh giá “Trung bình”. Mức 4, “Thường xuyên”, đánh giá “Hài lòng/chấp nhận được”. Mức 5, “Luôn luôn”, đánh giá “Mong muốn”.
 

Bảng 2. Mức độ ảnh hưởng của các yếu tố

Thang điểm

Mức độ

5

Điều kiện mong muốn.

Các vấn đề luôn được giải quyết kịp thời và hiệu quả.

4 ~ <5

Hài lòng/chấp nhận được.

Các vấn đề tại nơi làm việc chưa là điều đáng phải bận tâm.

3 ~ <4

Trung bình.

Đang kiểm soát được tình hình tại nơi làm việc và các vấn đề tại nơi làm việc có xu hướng trở nên tồi tệ hơn.

2 ~ <3

Kém.

Các yếu tố tác động tiêu cực ở mức cao.

<2

Rất kém.

Trạng thái bất ổn ở mức cực cao, tâm trạng căng thẳng, điều kiện tại nơi làm việc cực xấu.

 
Hiểm họa tại nơi làm việc bao gồm rất nhiều vấn đề, trong đó chỉ có TNLĐ và bệnh nghề nghiệp là có thể định lượng được rõ ràng và nhận được sự quan tâm từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Còn nhiều vấn đề khác có liên quan bao gồm khía cạnh sức khỏe tâm thần của NLĐ nói chung cũng như người làm công tác ATVSLĐ nói riêng là chưa được hiểu và nhìn nhận một cách thấu đáo; tuy rằng hậu quả và gánh nặng để lại cho doanh nghiệp và xã hội từ vấn đề này là không hề nhỏ.
 
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trầm cảm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nguy cơ trầm cảm tăng lên đến 4 lần ở những NLĐ trải qua căng thẳng liên quan đến công việc. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực khó đoán trước được của dịch Covid-19 gây cản trở và thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc, làm tăng thêm nguy cơ trầm cảm, lo âu, căng thẳng từ việc dừng hoạt động sản xuất và giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh trong thời gian dài.
 
Việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý tại nơi làm việc của NLĐ nói chung và người làm công tác ATVSLĐ nói riêng sẽ giúp mang lại kết quả tích cực trong việc kiểm soát các vấn đề tiêu cực tại nơi làm việc, chỉ ra cụ thể các yếu tố đang gây tác động xấu, xác định được giai đoạn sớm của quá trình tác động và mức độ ảnh hưởng, từ đó lựa chọn giải pháp phù hợp nhất để ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của các yếu tố này.
 
An toàn vệ sinh viên Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (Bắc Giang) kiểm tra thiết bị phòng chống cháy, nổ của công ty.

An toàn vệ sinh viên Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (Bắc Giang) kiểm tra thiết bị phòng chống cháy, nổ của công ty.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Health and Safety Executive. HSE Management Standards Indicator Tool.
2. Nam, T. T., Hạnh, N. N., Nhung, T. T. P. (2020). Ảnh hưởng của sự hài lòng trong công việc, căng thẳng trong công việc và sự hỗ trợ của tổ chức đến ý định nghỉ việc của nhân viên. Khoa học Thương mại, 164, 61-69.
3. Phong, T. T., Dũng, Đ. P. (2020). Năng lực tâm lý ảnh hưởng đến hiệu quả công việc - Nghiên cứu tại một số trường học tại phía Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 56(3), 138-143.
4. Xuân, T. T. L., Oanh, K. Đ., Hiền, T. N., Hà, T. T. L. (2020). Stress nghề nghiệp của điều dưỡng lâm sàn tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2017. Tạp chí Nghiên cứu Y học, 129 (5), 8-13.
5. Quốc hội, Luật An toàn, Vệ sinh lao động, luật số 84/2015/QH13) ngày 15/06/2015.
6. International Labor Organization. (2016). Workplace stress: A collective challenge. Geneva, Switzerland: ILO Publications.
Nguồn: Tạp chí Cuộc sống an toàn
Tác giả: NGUYỄN QUỐC LONG - NGUYỄN THÚY LAN CHI - TRẦN NHẬT PHƯƠNG

Messenger Zalo