Cách phòng tránh bị ngạt khí khi gặp hỏa hoạn
22-09-2022
Trong thời gian qua, hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra để lại hậu quả thương tâm. Trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để thoát khỏi đám cháy cùng cách xử trí khi bị ngạt khí là một trong những yếu tố trọng tâm của công tác phòng cháy chữa cháy.
Vì sao khí độc từ đám cháy có thể gây chết người?
Một người khi mắc kẹt trong đám cháy sẽ gặp phải những triệu chứng ngạt khói gần như ngay lập tức như ho, khó thở, khàn tiếng, đau đầu, đau bụng, nôn, buồn ngủ, lú lẫn, …
Các nghiên cứu cho rằng, ngạt khói gây ra khoảng 50-80% ca tử vong liên quan đến thảm họa cháy nổ. Theo các nhà khoa học, có rất nhiều khí độc được sinh ra trong khói của các đám cháy như: khí Cacbonôxit (CO) là khí không màu, không mùi, nhẹ bằng không khí, rất độc với hệ hô hấp và hệ tuần hoàn. Khi con người hít phải khí CO, máu không còn tiếp nhận được oxy, hệ thần kinh bị tê liệt.
Đám cháy còn sinh ra một loại khí độc khác là Cacbonic (CO2). Đây là khí không màu, không mùi, nặng hơn không khí, con người hít phải sẽ bị ngạt. Khi nồng độ CO2 từ 3% thì bắt đầu gây khó thở, từ 8% đến 10% có thể gây mất cảm giác và ngưng thở.
Đây là 2 loại khí dễ gây ngạt nhất, là nguyên nhân chính gây tử vong cho hầu hết các nạn nhân ở các đám cháy. Ngoài 2 loại khí trên, các đám cháy còn có thể sinh ra clo và hợp chất của clo (như HCl) rất độc với phổi; những vật liệu cháy có chứa lưu huỳnh và hợp chất của lưu huỳnh (H2S, SO2, …) gây độc đối với niêm mạc, miệng và đường tiêu hóa; amoniac; axit hữu cơ, và nhiều loại khí độc khác, …
Làm gì để chống hít phải khí độc trong đám cháy?
Theo Bác sĩ Cao Hồng Phúc (Học viện Quân y), không có cách nào có thể thoát khỏi khí độc 100% trong một đám cháy. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là phòng tránh hoặc hạn chế hít phải khí này. Ngoại trừ bạn có mặt nạ phòng độc cá nhân sử dụng ngay tại chỗ.
Trong điều kiện bạn không có thiết bị gì trong tay, hãy thực hiện: cúi người sát xuống sàn, đi thật thấp, gần như rạp người xuống đất, để hít lấy phần khí trong lành còn lại. Di chuyển chậm và nhẹ, tránh làm xáo trộn khí cho người sau.
Bằng mọi cách, hãy cố gắng lấy khăn thấm nước, che kín miệng và mũi. Việc này giúp lọc không khí khi hít thở. Hãy lưu ý, khẩu trang y tế không có tác dụng tránh ngạt khí độc.
Muốn thoát ra khỏi hỏa hoạn, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng mũi, nạn nhân phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo, gây bỏng da.
Các biện pháp sơ cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí
Đối với việc sơ cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí, chúng ta cần nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt và lưu ý đảm bảo an toàn cho người cấp cứu.
Cũng theo Bác sĩ Cao Hồng Phúc, nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở thì phải ngay lập tức thực hiện phương pháp thổi ngạt bằng cách hô hấp nhân tạo miệng – miệng hay miệng – mũi, đồng thời ép tim ngoài lồng ngực.
Tốt nhất là nên cho bệnh nhân thở oxy ẩm tốc độ cao ngay lập tức, tuyệt đối không cho ăn hay uống, chuyển thẳng bệnh nhân đến bệnh viện, vừa chuyển vừa cho thở oxy. Bệnh nhân thở oxy bằng mặt nạ hoặc xông mũi đều được.
1. Học các bài học kĩ năng thoát thân khi xảy ra đám cháy, các lớp cứu nạn người bị nạn trong hỏa hoạn.
2. Có thể lắp thiết bị phát hiện khói trong nhà để giảm thiểu mức độ nguy hiểm, nó sẽ cảnh báo trước cho bạn về hỏa hoạn sắp xảy ra.
3. Có thể chuẩn bị sẵn mặt nạ thoát hiểm chống khí, chống khói độc nhằm đề phòng bất trắc xảy ra. Trên thị trường có những loại mặt nạ chống khói độc cho thời gian thở lên đến 30 phút.
4. Nếu chẳng may gặp hỏa hoạn, hãy thật bình tĩnh để xử lý tình huống, tập trung suy nghĩ lại các kĩ năng thoát nạn đã được biết để vận dụng linh hoạt đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác.
5. Nhanh chóng gọi điện thoại báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114 để được giúp đỡ kịp thời.
Thông tin khác
- » 4 nguyên tắc nhằm tạo ra một nơi làm việc tốt hơn (20.09.2022)
- » LOTO (LOCKOUT - TAGOUT) TRONG CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG LÀ GÌ ? (20.09.2022)
- » Mức bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2022 (19.09.2022)
- » Tử vong do tai nạn lao động, thân nhân được bồi thường thế nào? (19.09.2022)
- » Nguyên nhân vụ sập tường khiến 5 người tử vong (17.09.2022)
- » Những nguyên nhân gây sập sàn bê tông tại The Metropole Thủ Thiêm (16.09.2022)
- » Những bài học kinh nghiệm dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp (15.09.2022)
- » Giám sát thi công có cần ký vào nhật ký an toàn lao động? (15.09.2022)