Cải thiện an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc ngành Nông nghiệp dưới
27-03-2024
Vào tháng 6/2022, "môi trường an toàn và lành mạnh” đã được công nhận là yếu tố thứ 5 trong Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động (FPRW). Từ đó, các quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tăng cường nỗ lực để đảm bảo rằng tất cả người lao động trong các thành phần kinh tế, bất kể họ làm việc trong nền kinh tế chính thức hay phi chính thức, nguồn gốc dân tộc hay thuộc giới tính nào, đều được làm việc trong điều kiện an toàn và lành mạnh. Nỗ lực này cũng là một phần quan trọng trong tầm nhìn toàn cầu về việc làm thỏa đáng và công bằng xã hội.
Phát triển kỹ năng về ATVSLĐ cho cả nam giới và nữ giới tham gia trồng trọt và chế biến cà phê - một trong những hoạt động của chính của Quỹ Vision Zero. Ảnh: ILO Việt Nam.
Vấn đề cân bằng giới trong ATVSLĐ
Cải thiện an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc dưới "lăng kính giới" vẫn là một chủ đề mới đối với hầu hết các nhà hoạch định chính sách và người thực hành ATVSLĐ trên toàn cầu. Đặc biệt, các nhu cầu cụ thể của nam và nữ giới làm việc trong ngành nông nghiệp, bao gồm lao động nông trang hay chế biến nông sản, cũng chưa được chú ý. Không chỉ có những đặc điểm sinh học khác nhau, vai trò và trách nhiệm xã hội, cũng như công việc cụ thể của nam và nữ giới cũng có nhiều điểm khác biệt. Do đó, các nguy cơ, rủi ro và nhu cầu về ATVSLĐ của mỗi giới tính cũng cần được giải quyết khác nhau.
Các cuộc thảo luận và buổi tọa đàm về các nguy cơ và rủi ro về ATVSLĐ do dự án VZF Việt Nam thực hiện cho thấy, công nhân làm việc tại nông trại đã có những nhận thức nhất định về nguy cơ đối với sức khỏe của phụ nữ mang thai và cho con bú khi tiếp xúc với hóa chất nông nghiệp. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết về tác động có thể có đối với sức khỏe sinh sản của nam giới còn thấp. Ngoài ra, nhận thức về những mối nguy về ATVSLĐ có thể có những tác động khác nhau đối với nam và nữ giới cũng chưa cao.
Bà Kristina Kurths, Quản lý dự án Quỹ VZF của ILO Việt Nam. Ảnh: ILO Việt Nam.
Những đặc thù về giới trong ATVSLĐ ở lĩnh vực nông nghiệp
Tại Việt Nam, công việc của nam giới tại nông trại thường được coi là "nặng nhọc và nguy hiểm hơn" (ví dụ: phun thuốc trừ sâu, vận hành máy móc, mang vác nặng), trong khi đó, công việc của nữ giới được coi là "nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn" (ví dụ: hái quả, phân loại, làm sạch…). Do đó, việc áp dụng các biện pháp để giải quyết các rủi ro ATVSLĐ mà nữ giới phải đối mặt thường có xu hướng bị bỏ qua. Điều này tương ứng với kết quả nghiên cứu của dự án VZF Việt Nam, rằng khi làm công việc đồng áng, nữ giới có xu hướng bị thương thường xuyên hơn nam giới.
Trong quá trình thực hiện Dự án, nữ giới tham gia tập huấn ATVSLĐ không thường xuyên như nam giới hoặc thường không thể hoàn thành khóa đào tạo do phải làm nhiều nhiệm vụ như công việc đồng áng, làm việc nhà, chăm sóc con cái và các thành viên khác trong gia đình. Điều này hạn chế cơ hội tiếp thu kiến thức về ATVSLĐ của nữ giới và làm tăng nguy cơ bị thương tại nơi làm việc.
Ngoài rủi ro vật lý, cũng có những rủi ro tâm lý xã hội cần được xem xét. Mức độ căng thẳng quá mức, chẳng hạn như khối lượng công việc lớn (đặc biệt là trong mùa thu hoạch) hoặc tình trạng thiếu ổn định tài chính có thể gây ra cả vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần, ví dụ, rối loạn tuần hoàn, tiêu hóa và mất ngủ. Mặc dù cả lao động nam và nữ đều có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, nhưng khả năng ứng phó và tác động lên sức khỏe của họ có thể khác nhau, đòi hỏi các phương pháp tiếp cận cụ thể cho từng giới để giảm thiểu các tác hại của căng thẳng.
Nữ giới tham gia tập huấn ATVSLĐ không thường xuyên như nam giới. Ảnh: ILO Việt Nam.
Ví dụ, trong một cuộc khảo sát gần đây của Quỹ Vision Zero của ILO, các nữ nông dân báo cáo thường xuyên hơn nam giới rằng sức khỏe tinh thần của họ đang bị ảnh hưởng bởi mức độ căng thẳng gia tăng do những lo ngại về tình trạng mất an toàn tài chính vì tác động của biến đổi khí hậu đối với sinh kế của họ.
Để có các chính sách về ATVSLĐ và chiến lược phòng ngừa hiệu quả, giải quyết các nguy cơ về thể chất và tâm lý xã hội cho cả lao động nam và nữ, cần phải đánh giá rủi ro của những mối nguy hiểm đó (có tính đến sự khác biệt về giới). Ngoài ra, việc thiết kế và thực hiện các biện pháp cải thiện ATVSLĐ hiệu quả ở nơi làm việc cần có sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ giới, ví dụ, thông qua việc thành lập các hội đồng hoặc ủy ban ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Sự chung tay của tổ chức Công đoàn
Công đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các chính sách và biện pháp ATVSLĐ được thiết kế và thực hiện theo phương pháp đáp ứng giới.
Để làm được điều đó, điều quan trọng là phải lồng ghép quan điểm giới vào tập huấn và giáo dục về ATVSLĐ cho lãnh đạo công đoàn và đoàn viên các cấp để đảm bảo nhu cầu ATVSLĐ của nam và nữ giới được phản ánh bình đẳng trong mọi lĩnh vực của công đoàn tham gia vào ATVSLĐ.
Đơn cử như: đóng góp của Công đoàn vào các cuộc thảo luận và tham vấn ba bên, các chiến dịch ATVSLĐ quốc gia, công việc của Ban ATVSLĐ song phương và bất kỳ hoạt động cải thiện ATVSLĐ nào được thực hiện tại nơi làm việc.
Kristina Kurths - Quản lý dự án VZF Việt Nam
Nguồn:https://cuocsongantoan.laodongcongdoan.vn/cai-thien-an-toan-va-suc-khoe-tai-noi-lam-viec-nganh-nong-nghiep-duoi-lang-kinh-gioi-103861.html
Thông tin khác
- » Quy định về huấn luyện an toàn trong vận hành thiết bị áp lực (23.08.2023)
- » Chế độ TNLĐ, BNN mà người lao động cần biết! (07.08.2023)
- » Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động thế nào? (05.08.2023)
- » Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo nghị định 44/2016/NĐ-CP và 140/2018/NĐ-CP (17.06.2023)
- » Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Chính sách an sinh xã hội (10.06.2023)
- » Tại sao phải tham gia huấn luyện an toàn lao động? (09.06.2023)
- » Các khuyến nghị về tiêu chuẩn an toàn lắp dựng giàn giáo (02.06.2023)
- » BỆNH BỤI PHỔI SILIC NGHỀ NGHIỆP VÀ NHỮNG LƯU Ý (30.05.2023)