CẦN TUÂN THỦ CÁC QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG
23-11-2020
Để có một môi trường lao động an toàn, điều quan trọng cả chủ sử dụng lao động và người lao động phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Nếu không tuân thủ các quy định về an toàn lao động thì tai nạn sẽ đến bất cứ lúc nào.
Người lao động còn chủ quan, lơi là các biện pháp phòng hộ
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, những năm gần đây, số lượng dự án, công trình xây dựng tại Hà Nội tăng lên nhanh chóng. Cuối tháng 9, đi qua một công trường xây dựng thuộc địa bàn phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), phóng viên bắt gặp cảnh một nhóm công nhân không mặc đồ bảo hộ đang đứng chênh vênh trên tấm gỗ bắc ngang giàn giáo để trát vữa. Bàn tay người công nhân chuyển động liên tục, bàn chân cũng nhích dần dọc những tấm ván mỏng, chiều rộng chỉ non 2 gang tay.
Khi được hỏi về sự nguy hiểm khi làm việc trong điều kiện không mũ, không dây bảo hộ, một công nhân quê ở Nghệ An nói: “Mang thêm mũ với dây bảo hộ làm việc vướng víu lắm. Những công việc như phụ hồ, trát vữa, đổ trần từ tầng 10 trở xuống hầu như không mấy ai dùng tới đồ bảo hộ”.
Khảo sát thêm một số công trình xây dựng tại các con phố lớn nhỏ tại nhiều khu vực thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, dễ dàng nhận thấy, lời người thợ phụ hồ nói là có căn cứ. Dường như, chỉ khi đu người treo trên lưng chừng tòa cao ốc, người ta mới thấy công nhân dùng đồ bảo hộ, còn với các công trình thấp tầng, dù giàn giáo dựng rất chênh vênh, nhiều người lao động vẫn thản nhiên làm việc.
Dễ dàng nhận thấy, các công nhân xây dựng treo mình làm việc trên cao trong điều kiện đồ bảo hộ thô sơ đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở nhiều địa phương, phổ biến ở các công trình dân sinh, và cũng không hiếm gặp ở nhiều công trình xây dựng.Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn Thành phố xảy ra 694 vụ tai nạn lao động, trong đó có 190 vụ làm chết người, tăng 74,3% số vụ việc, tăng 200% số vụ có người chết và tăng 77% số người thương vong so với giai đoạn trước đó.
Năm 2019, số vụ tai nạn lao động vẫn trên đà tăng khi toàn Thành phố xảy ra 452 vụ (bằng 65% số vụ so với cả giai đoạn 2016-2018), làm 464 người bị nạn. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội tiếp tục xảy ra một số vụ tai nạn đau lòng ở lĩnh vực xây dựng. Điển hình là sự cố mất an toàn lao động tại công trình số 16 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) làm 4 người tử vong.
Đáng lo hơn, hơn 40% số vụ tai nạn lao động trên địa bàn Hà Nội xảy ra ở lĩnh vực xây dựng, trong các công trình nhỏ, lẻ, nhà dân do ngã từ trên cao, vật rơi từ trên cao, sập giàn giáo… Đa số nạn nhân của các vụ tai nạn lao động là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nên khi không may gặp tai nạn, họ không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội, gây thiệt thòi về nhiều mặt.
Xử nặng để tăng tính răn đe
Theo ông Tạ Văn Dưỡng (Trưởng ban Chính sách pháp luật – Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động trong ngành xây dựng nói riêng và trong lĩnh vực khác nói chung, phần lớn do chủ sử dụng lao động là các doanh nghiệp, nhà thầu, chưa thật sự nhận thức đúng và quan tâm công tác giám sát, huấn luyện, trang bị kiến thức về an toàn lao động. Thực tế, phần lớn người lao động hiện nay chưa được đào tạo bài bản, chỉ làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều người không biết cách sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, dẫn đến xem thường những quy định bảo đảm an toàn.
Cùng với đó, việc chưa phân chia rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng mất an toàn xây dựng trong lĩnh vực xây dựng chưa được khắc phục. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm đầu tiên đối với việc đảm bảo an toàn trong thi công công trình xây dựng thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Bởi trước khi khởi công, thi công xây dựng công trình, nhà thầu sẽ tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động phù hợp với thực tế thi công trên công trường.
Bên cạnh đó, nhà thầu phải tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình; nhà thầu có bộ phận quản lý an toàn lao động để hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường.
Trong quá trình thi công, nhà thầu có ban quản lý, tổ giám sát yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế việc xác định cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những vụ tai nạn giao thông gây chết người do thi công công trình lại là vấn đề nan giải. Hơn nữa, luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân cụ thể chứ không phải với pháp nhân (công ty, tổ chức) trong khi tại các công trình việc phân chia trách nhiệm thường không được rõ ràng.
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, theo các chuyên gia, hiện nay, chính sách bồi thường về an toàn lao động ở nước ta vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, theo luật sư Bùi Thế Vinh, Đoàn Luật sư Hà Nội, quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng đã được Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư 04/2017/TT-BXD, nhà thầu phải chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai thi công. Nhưng Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định, người sử dụng lao động phải bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
“Mức quy định này chưa đủ răn đe đối với những đơn vị nhà thầu thi công, vì 30 tháng tiền lương chỉ tương ứng với trên 100 triệu đồng. Nếu quy định phải bồi thường từ 2 – 3 tỷ đồng/vụ việc, tôi cho rằng, đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm hơn đối với việc đảm bảo an toàn lao động” – luật sư Bùi Thế Vinh phân tích.
Cùng đó, theo Luật sư Vinh, ngoài tăng mức bồi thường các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, không để doanh nghiệp bưng bít thông tin, đẩy người lao động vào thế bị động, nguy hiểm. Khi xảy ra tai nạn phải tiến hành khởi tố, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Phương Loan, Văn phòng Luật sư Phạm Hải cho rằng, ngoài việc nâng cao chế tài xử phạt đối với đơn vị thi công công trình, cũng cần phải xử lý mạnh tay hơn đối với những cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động xây dựng. “Luật Xây dựng cũng đã phân quyền cho Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân hành chính cấp quận, huyện ở các tỉnh, thành phố. Vì vậy, để xảy ra những sự việc trên, rõ ràng Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện cũng phải chịu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước trên địa bàn hành chính của mình, theo phân cấp” – Luật sư Loan chia sẻ.
Lê Thắm – Lương Hằng
Thông tin khác
- » [THÔNG BÁO] - Tuyển sinh an toàn lao động, vệ sinh lao động tháng 11/2020 (11.11.2020)
- » VẪN CÒN TÌNH TRẠNG COI THƯỜNG AN TOÀN LAO ĐỘNG (23.11.2020)
- » PHÁT HUY GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG KỲ 2 (23.11.2020)
- » 16 Mối nguy hiểm trên công trường xây dựng (17.11.2020)
- » PHÁT HUY GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG KỲ 1 (21.11.2020)
- » Hội đồng Quốc gia tổ chức đối thoại định kỳ năm 2020 về an toàn, vệ sinh lao động (23.11.2020)
- » Mở lớp an toàn, vệ sinh lao động trong tháng 10 được ưu đãi gì? (03.10.2020)
- » [MỞ LỚP] - Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động 2020 (16.09.2020)