Câu cá dưới dòng điện cao thế - đừng “đùa giỡn” với tử thần!
27-10-2022
Đi câu tại những nơi có dòng điện cao thế, hoặc đi câu trong thời tiết mưa, có sấm sét ... sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người câu.
Không ít tai nạn đã xảy ra
Trong hai ngày 6/10 và 7/10/ 2021, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị tai nạn điện giật nghiêm trọng do đi câu cá tại nơi có nguồn điện cao thế.
Các bệnh nhân L.A.T. (trú tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba) và Đ.Đ.T. (trú tại xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba) vào cấp cứu trong tình trạng đau đớn, vật vã, kích thích, la hét, bỏng độ IV, diện tích 10%, ở giai đoạn sốc bỏng.
Cách đây chưa lâu, ngày 7/9/2022, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhân bệnh nhân nam tên H. (30 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) do bị bỏng điện cao thế khi đi câu cá.
Được biết, bệnh nhân H. có đi câu gần đường dây điện cao thế. Trong lúc vung cần vô tình chạm vào đường dây điện khiến điện phóng ra gây bỏng.
Điều đáng nói, sau tai nạn, người bệnh đau rát bỏng vùng ngực, cánh cẳng tay và 2 chân nên đã tự đắp thảo dược không rõ nguồn gốc tại nhà. Do không đỡ và đau nhiều, kèm theo chảy dịch nên đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để thăm khám và điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Quang Nguyên, Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Bệnh nhân đã bị nhiễm trùng vết bỏng, cánh cẳng tay hoại tử rất nặng nên có chỉ định phải cắt bỏ, nếu không toàn bộ khu vực cánh cẳng tay bị hoại tử sẽ nhiễm trùng, thấm ngược vào máu gây nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Không may mắn như 2 trường hợp trên, có những nạn nhân bỏng do bị phóng điện đã không giữ được mạng sống. Đó là trường hợp của ông Trần Công D. (sinh năm 1971), tại ra Trà Vinh. Vào ngày 28/3/2019 khi đi câu cá, ông Dương đã để cần câu chạm vào đường dây 12,7 kV. Ông đã bị phóng điện và tử vong ngay tại chỗ. Một vụ tai nạn nữa xảy ra tại Đăk Nông, ngày 26/8/2019, anh T.B.P khi đi câu cá ở bờ đập, cần câu vươn tới đường dây 22 kV dẫn đến phóng điện và anh tử vong ngay sau khi được đưa vào bệnh viện.
Các bác sĩ phân tích, phỏng điện có hai loại: một là phóng dòng điện, hai là phóng tia lửa điện. Trong đó, phóng tia lửa điện là khi có sự cố điện sẽ phát lửa, nhiệt độ phát ra rất cao nhưng thông thường tia lửa điện phát ra nhanh tắt nên hầu hết chỉ gây bỏng nặng. Phóng dòng điện là dòng điện chạy qua cơ thể, điện đi đến đâu thì sẽ gây tổn thương tới đó. Nếu tổn thương bên trong cơ thể thì gây tử vong ngay. Tổn thương bên ngoài thì dòng điện qua nơi nào sẽ bỏng sâu đến đó. Bỏng vì dòng điện dễ gây ra mất nước, sốc, sốc hoại tử cơ, gây suy thận, nhiễm trùng máu … dẫn đến tử vong.
Những vụ tai nạn thương tâm trên đã để lại nỗi mất mát quá lớn cho gia đình, và cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với sự thiếu hiểu biết về an toàn điện, sự coi thường các cảnh báo an toàn điện ở các khu vực lưới điện.
Cần tuân thủ cảnh báo an toàn điện
Theo cảnh báo của Ban An toàn EVN, người dân thường nghĩ rằng đường dây điện cao như vậy sẽ không xảy ra nguy hiểm nên vô tư câu cá. Nhưng họ không biết, chỉ cần một động tác giật cần là có thể nối điện cao thế xuống hồ thông qua người câu cá. Đặc biệt đường dây điện qua vùng sông nước có độ ẩm cao nên điện trở giảm, tính dẫn điện cao hơn so với khu vực khác.
Bên cạnh đó, các loại cần câu hiện nay đều được làm từ chất liệu carbon, sợi thủy tinh hoặc được pha thêm kim loại - đều là chất dẫn điện rất tốt. Nếu sơ ý dây câu ướt vướng vào đường dây điện sẽ gây ra phóng tia lửa điện.
Các chuyên gia khuyến cáo, người đi câu cần phải quan sát trước khu vực câu của mình có đường dây điện hay không, nhất là đường điện cao thế, nếu có thì lập tức chuyển sang nơi khác. Bởi vì, khi cần câu vô tình đi vào vùng từ trường của dây điện cao thế (chưa chạm vào dây) cũng gây phóng điện, nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, khi trời mưa giông, có sấm sét, người dân càng không nên đi câu cá, bởi lúc đó chiếc cần câu sẽ trở thành cột thu lôi, cả cần câu và người câu sẽ thành vật dẫn điện, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Khi chẳng may sự cố xảy ra, người phát hiện phải ngắt ngay dòng điện tại đó (các công tắc ở cột điện), nếu không phát hiện ra công tắc, thì tùy vào khu vực, quan sát sự cố, người đến cứu lập tức phải có những xử lý phù hợp.
Tuyệt đối không tạt nước vào nạn nhân, vì nước truyền điện rất tốt, vô tình khiến điện trong người tăng cao, hoặc nước không sạch sẽ dẫn đến nhiễm trùng, suy hô hấp ...
Và quan trọng nhất là phải đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi xảy ra tai nạn đến nơi sạch sẽ để tránh nhiễm trùng và phân tỏa điện trong người.
Cuối cùng, để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh, các “cần thủ” bên cạnh việc quan sát các biển cấm câu cá, biển cảnh báo của ngành điện, còn nên trang bị những kiến thức về an toàn điện để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Tiêu chuẩn khoảng cách an toàn hành lang lưới điện cao áp
Chiều rộng hành lang (được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh.
Chiều rộng hành lang (được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh.
- Điện áp 22 kV: 2 m
- Điện áp 35 kV: 3 m
- Điện áp 220 kV: 6 m
- Điện áp 500 kV: 7 m
Chiều cao tính từ điểm thấp nhất của dây tới mặt đất.
- Điện áp đến 35 kV: 14 m
- Điện áp 110 kV: 15 m
- Điện áp 220 kV trở lên: 18 m
Thông tin khác
- » Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về tại nạn lao động (25.10.2022)
- » Hồ sơ an toàn lao động trong hoạt động thi công xây dựng công trình bao gồm những tài liệu gì? (24.10.2022)
- » Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông với tài xế lái xe đường dài (24.10.2022)
- » Chia sẻ một số quy trình chủ yếu kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy (21.10.2022)
- » Chia sẽ an toàn lao động làm việc trong kho lạnh (17.10.2022)
- » 4 công nhân bị chôn vùi trong vụ sập mỏ titan ở Bình Thuận (17.10.2022)
- » Đạn phát nổ trong nhà máy sản xuất gạch ở Quảng Trị (17.10.2022)
- » Quy tắc an toàn khi làm việc máy mài 2 đá (14.10.2022)