197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Coi nhẹ ý thức, người dân đang tự gây tai nạn cho mình

17-11-2021
(LĐTĐ) An toàn lao động tại các làng nghề, vùng nông thôn hiện nay cần được quan tâm từ nhiều phía. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở thực hiện đúng những quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành.
 
Nguy cơ luôn rình rập
Được biết đến là làng nghề có truyền thống lịch sử lâu đời, nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) đã và đang đưa lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện, làng nghề này có hơn 1.000 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Mỗi tháng cung ứng ra thị trường từ 450 đến 500 tấn hàng, doanh thu mỗi năm đạt trên 200 tỷ đồng.
 
Hoạt động nghề rèn còn tạo thêm nhiều dịch vụ đi liền và việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương, thu nhập bình quân của một lao động từ 7.000.000 đồng – 10.000.000 đồng/tháng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, phương thức sản xuất của làng nghề Đa Sỹ có sự thay đổi rõ nét nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo đó, thay vì sử dụng phương tiện thô sơ, người dân đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để tiết kiệm thời gian, công sức. Thế nhưng, việc phát triển và đổi mới phương thức sản xuất cũng đưa đến nhiều nguy cơ mất an toàn cho chính người lao động. Những tai nạn có thể nhìn thấy là tai nạn do lửa rèn bắn làm bỏng tay chân, các mảnh dụng cụ bị văng, vỡ có thể gây chấn thương…
 
 
Bà Hà (chủ cơ sở sản xuất Cung Hà, làng nghề Đa Sỹ) cho biết, làm nghề cơ khí thì tai nạn lao động là điều không thể tránh khỏi. Những tai nạn có thể nhìn thấy là tai nạn do lửa rèn bắn làm bỏng tay chân, các mảnh dụng cụ bị văng, vỡ có thể gây đứt chân, đứt tay, thậm chí còn có trường hợp mù mắt. Theo bà Hà, so với trước đây, tình trạng mất an toàn trong quá trình làm việc cũng đã được cải thiện hơn, tuy nhiên, chỉ cần một phút mất cảnh giác thì tình trạng mất an toàn lao động hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn lao động, những người làm nghề rèn tại Đa Sỹ cũng phải sống chung với khói bụi của làng nghề. Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, mặt bằng sản xuất của người dân nơi đây ngày càng bị thu hẹp, phần lớn xưởng sản xuất đều gắn liền với nhà ở.
 
Nhiều người dân tỏ ra lo lắng vì không chỉ những người lao động chính trực tiếp làm nghề bị ảnh hưởng mà cả gia đình và những người xung quanh cũng phải hứng chịu khói bụi và tiếng ồn…Anh Lê Ngọc Lâm (chủ cơ sở sản xuất Lâm Ánh) cho biết, qua quá trình làm nghề, anh nhận thấy khói bụi nhiều nên đã quyết định lắp đặt hệ thống hút bụi. “Bụi sau khi được hút sẽ được cho vào phòng có chứa nước để lắng dần, sau đó chỉ còn khí bay ra ngoài, phòng chứa càng cao càng rộng thì bụi khí luẩn quẩn trong đó càng lâu chứ nếu xả trực tiếp ra ngoài thì sẽ rất ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe.”- anh Lâm cho biết.
 
Nâng cao ý thức người dân
Những vấn đề về an toàn lao động tại làng nghề Đa Sỹ cũng là những vấn đề chung của hầu hết làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo quy hoạch phát triển làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn. Trong đó, số làng nghề đã đăng ký và được Thành phố công nhận và cấp bằng là 297 làng nghề.
 
Với quy mô như vậy Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng các ngành nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất với khoảng 700.000 lao động thường xuyên chiếm 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên toàn Thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động, các làng nghề hiện cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thử thách như bụi, tiếng ồn, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.
Theo kết quả kiểm tra, khảo sát của cơ quan chức năng, hầu hết điều kiện lao động ở các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn như độ ồn, ánh sáng, độ rung, độ ẩm, nhiệt độ cao. Các nguy cơ mà người lao động tiếp xúc ở tỷ lệ cao: 95% tiếp xúc với bụi, 85,9% tiếp xúc với nhiệt, 59,6% tiếp xúc với hóa chất. Nhiệt độ tại khu vực sản xuất của các làng nghề làm bún bánh, tái chế nhựa, giấy đều lớn hơn nhiệt độ môi trường từ 4 độ đến 10 độ C ...
 
Trên thực tế, nhiều hộ sản xuất sử dụng máy móc không đảm bảo an toàn, không có tài liệu kỹ thuật phục vụ việc hướng dẫn vận hành thiết bị, không được bảo dưỡng, bảo trì đầy đủ. Trong quá trình làm việc, nhiều lao động không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ và bản thân họ cũng chưa thật sự quan tâm đến việc tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro lao động…
 
Trước thực tế này, việc đảm bảo an toàn lao động tại các làng nghề cũng đã được các cơ quan chức năng, các làng nghề đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn như tại làng nghề Đa Sỹ, Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ đã có sự vào cuộc kịp thời bằng cách tăng cường tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các hộ gia đình về an toàn lao động.
 
Theo ông Hoàng Quốc Chính – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ, hàng năm, chính quyền phường, quận đã phối hợp với Hiệp hội mở các lớp tập huấn trao đổi kiến thức về an toàn lao động cho người dân như tư vấn tư thế ngồi làm việc, sắp xếp dụng cụ lao động đảm bảo an toàn… để hạn chế tối đa nhất nguy cơ mất an toàn lao động.
 
Tuy nhiên, ông Chính cũng cho biết, để đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối, phần lớn vẫn là xuất phát từ ý thức của người lao động. Trong quá trình làm việc, người lao động phải tự trang bị đồ bảo hộ; thấy bụi phải đeo khẩu trang; khi rèn thì phải đeo kính để tránh những tia lửa bắn vào mắt. Hay khi làm việc, người lao động phải tập trung, không được lơ là vì chỉ cần một phút mất cảnh giác thì sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn…/.
Tú Anh
(Nguồn: laodongthudo.vn)
 

Messenger Zalo