Công nhân ngành khai thác mỏ đối mặt với hàng loạt bệnh nghề nghiệp
11-11-2022
Thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, điều kiện làm việc khắc nghiệt khiến cho công nhân ngành khai thác mỏ có nguy cơ mắc hàng loạt bệnh nghề nghiệp.
Khai thác mỏ là ngành đặc thù
Ngành khai thác mỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân ở Việt Nam, đóng góp 10-12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, đây cũng là công việc rất nặng nhọc, độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người lao động.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, ngành khai thác mỏ hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về điều kiện làm việc: dụng cụ lao động thô sơ, công nghệ khai thác lạc hậu, công nhân phải làm việc dưới hầm sâu, tối và chật hẹp, nguy cơ cao gặp tai nạn lao động bất cứ lúc nào do sập hầm, sạt lở đất đá, bục nước, nhiễm độc khí …
Việc thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh trong quá trình làm việc như bụi than, đá, kim loại, phóng xạ; bùn nước ứ đọng, tiếng ồn, rung chuyển, các loại hơi khí độc (CH4, Co, CO2, TNT)… khiến công nhân khai thác mỏ có nguy cơ cao mắc phải các bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp.
Những bệnh nghề nghiệp điển hình ở công nhân khai thác mỏ
1. Bệnh về phổi, bệnh hen phế quản
Công nhân khai thác mỏ dễ mắc các bệnh về phổi và hen phế quản nhất, bởi vì trong quy trình khai thác mỏ có nhiều công đoạn phát sinh bụi như đào, xúc, múc, khoan đá, nổ mìn, vận chuyển, nghiền sàng, bốc dỡ đất đá than, quặng. Vì vậy có nhiều vị trí lao động bị ô nhiễm bụi nghiêm trọng, nồng độ bụi toàn phần cao từ 30 - 100mg/m3, vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 15 – 30 lần, nồng độ bụi hô hấp có nơi vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 9 – 11 lần, hàm lượng silic tự do trung bình từ 15 – 21%.
Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic - một bệnh xơ hóa phổi không hồi phục là cao nhất, riêng với ngành khai thác than chiếm từ 3 -14%, khai thác hầm lò chiếm tới 70.
Điều đáng ngại là bệnh bụi phổi silic hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ có các loại thuốc chữa triệu chứng và nâng cao thể trạng, giúp làm giảm, ngừng tiến triển bệnh.
2. Bệnh điếc nghề nghiệp
Qua các số liệu nghiên cứu cho thấy, công nhân khai thác mỏ phải tiếp xúc với tiếng ồn hầu hết vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép và cao nhất ở khu vực khoan, nghiền đá có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10-18 dBA. Tỷ lệ mắc bệnh điếc nghề nghiệp của công nhân nghiền sàng than, khoan than, khoan đá từ 8 - 23,6 %, ở mức độ nhẹ thì bị ảnh hưởng đến thính lực về sau.
3. Bệnh rung chuyển nghề nghiệp
Đây là bệnh công nhân khai thác mỏ hay mắc, bao gồm bệnh rung cục bộ tần số cao do sử dụng máy khoan cầm tay và bệnh do rung toàn thân do lái các xe chuyên dụng trên 20 tấn.
Bệnh rung chuyển cục bộ ở công nhân khoan có biểu hiện rối loạn vận mạch bàn tay khoảng 4,3%, tổn thương xương khớp cổ tay và khuỷu tay là 15%; tỷ lệ giảm độ giãn cột sống thắt lưng ở lái xe là 42,3%; hội chứng đau thắt lưng có tỷ lệ là 12,7%.
4. Bệnh da nghề nghiệp
Do điều kiện lao động ẩm ướt, tỷ lệ bệnh da nghề nghiệp của công nhân khai thác than là khoảng 40,8%, trong đó bệnh nấm da có tỷ lệ mắc cao nhất là 27,5%.
Công nhân khai thác mỏ phải cùng một lúc tiếp xúc với nhiều yếu tố tác hại nên họ có thể bị mắc từng loại bệnh nghề nghiệp riêng lẻ hoặc kết hợp hai hay thậm chí vài bệnh nghề nghiệp.
Ví dụ, công nhân khoan có thể cùng một lúc bị mắc bệnh điếc nghề nghiệp và bệnh bụi phổi nghề nghiệp, hoặc vừa mắc bệnh điếc nghề nghiệp lại vừa mắc bệnh rung cục bộ tần số cao.
Công nhân khai thác và chế biến mỏ kim loại có thể vừa mắc các bệnh bụi phổi nghề nghiệp lại vừa bị nhiễm độc nghề nghiệp do thành phần kim loại của quặng mỏ hoặc kết hợp thêm cả viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.
Trường hợp xấu nhất, họ thậm chí có thể bị thương tích nặng, thương tật vĩnh viễn, mất khả năng lao động đến mất mạng nếu gặp phải tai nạn nghề nghiệp thương tâm hoặc bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng.
Nguyên nhân gia tăng nguy cơ bệnh nghề nghiệp ở công nhân khai thác mỏ
Trước hết là do chủ cơ sở lao động, người sử dụng lao động chưa chú trọng và nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn vệ sinh lao động; chưa tạo môi trường làm việc an toàn và phù hợp cho người lao động.
Tiếp đến là do nhận thức, ý thức của công nhân, người lao động về an toàn vệ sinh lao động cho bản thân và tập thể chưa cao; nhiều cá nhân còn tùy tiện, mạo hiểm, rút bớt hay cắt xén quy trình kỹ thuật, không tuân thủ các biện pháp an toàn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác huấn luyện, đào tạo, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động ở nhiều đơn vị chưa được quan tâm, còn tồn tại nhiều bất cập.
Các biện pháp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp
Để giảm thiểu tác hại của các yếu tố nguy cơ và bảo vệ sức khỏe cho công nhân khai thác mỏ, yêu cầu người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động theo các quy định hiện hành. Cụ thể như sau:
- Giám sát định kỳ môi trường lao động, kịp thời phát hiện và xử lý nếu có bất cập.
- Tăng cường công tác truyền thông, tập huấn về cải thiện điều kiện lao động trong ngành khai thác mỏ, nâng cao nhận thức an toàn vệ sinh lao động.
- Tiến hành khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân – người lao động để phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp (nếu có) và đưa ra phương hướng điều trị hay giám định đền bù kịp thời và thích hợp.
- Tuân thủ các quy định, quy trình về khảo sát, thăm dò, thiết kế khai thác … đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy định và phải được cơ quan tổ chức có thẩm quyền phê duyệt
- Cơ sở lao động, người sử dụng lao động cần đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ cho công việc, đồ bảo hộ lao động; chuẩn bị sẵn các phương tiện sơ cấp cứu cần thiết để sử dụng khi cần.
- Với người lao động, luôn phải ý thức trang bị bảo hộ cần thiết khi làm việc như: mang khẩu trang hoặc mặt nạ đúng quy cách.
Theo Hồng Minh (Cuộc sống an toàn chuyên trang tạp chí điện tử lao động và công đoàn)
Thông tin khác
- » Giải pháp về an toàn, vệ sinh lao động với các doanh nghiệp thi công xây dựng (10.11.2022)
- » Nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực làm công tác an toàn, vệ sinh lao động (10.11.2022)
- » Quy định về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (09.11.2022)
- » Sập giàn giáo ngôi nhà đang xây, 2 người thương vong (09.11.2022)
- » Công nhân ngành Xây dựng: Cần quan tâm chương trình hành vi an toàn (08.11.2022)
- » Vai trò của nhân viên phụ trách giám sát an toàn tại nơi làm việc (07.11.2022)
- » Người dân có thể phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua tổng đài 156 (01.11.2022)
- » Từ thảm họa giẫm đạp ở Iteawon Seoul Hàn Quốc: Chia sẻ cách để an toàn trong đám đông hoảng loạn? (01.11.2022)