197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Công nhân ngành Xây dựng: Cần quan tâm chương trình hành vi an toàn

24-09-2022
Quá trình công nghiệp hóa ở nước ta đang diễn ra mạnh mẽ, lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp đã mang theo tác phong làm việc chưa có tính kỷ luật cao; hành vi không tuân thủ hệ thống quản lý ATVSLĐ tại nơi làm việc thường xuyên xảy ra. Đây là một vấn đề lớn cần kiên trì quan tâm giải quyết.
 
Thực trạng về hành vi an toàn (HVAT) của công nhân ngành Xây dựng
Hiện nay, trong ngành Xây dựng, HVAT của công nhân chưa được chú trọng dẫn đến các tai nạn lao động (TNLĐ) chết người có chiều hướng gia tăng (Hình 1).
Hình 1. Tỷ lệ % các nguyên nhân chủ yếu gây TNLĐ chết người theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH
 
Theo thông báo tình hình TNLĐ hằng năm của Bộ LĐ-TB&XH, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ nhiều năm qua được xem xét ở hai khía cạnh: người sử dụng lao động và NLĐ. Trong đó, nguyên nhân đến từ phía người sử dụng lao động đã giảm từ 72,7% (2014) xuống còn 44,97% (2020); nhưng nguyên nhân từ phía NLĐ vẫn không giảm mà có dấu hiệu tăng nhẹ.
Hình 1 thể hiện việc đầu tư vào cải thiện HVAT của NLĐ vẫn chưa đúng mức. Cần có biện pháp, chương trình cụ thể để có thể giảm thiểu hành vi không an toàn của công nhân, đặc biệt là công nhân ngành Xây dựng.
 
Chương trình HVAT cho công nhân ngành Xây dựng
Chương trình dựa trên phương pháp BAPP (Hình 2) được rất nhiều công ty lớn trên thế giới áp dụng hiệu quả như Akzo Nobel, Apache Nitrogen Production, Inc., The Kroger Co., ...
Hình 2. Năm yếu tố tương tác của phương pháp BAPP
 
Tại Việt Nam, trong lĩnh vực sản xuất, phương pháp BAPP được Công ty Sơn Bột Tĩnh Điện Akzo Nobel áp dụng để xây dựng chương trình HVAT rất hiệu quả từ năm 2012.
Đối với lĩnh vực xây dựng, Chương trình HVAT hình thành dựa trên phương pháp BAPP được xây dựng như Hình 3, theo trình tự:
Hình 3. Chương trình hành vi an toàn cho ngành Xây dựng
 
Trích xuất nhóm hành vi quan trọng từ các báo cáo sự cố, cận tai nạn, kiểm tra định kỳ; phiếu quan sát hành vi được lập và huấn luyện cho các quan sát viên để thực hiện quan sát theo phiếu (Bảng 1); quan sát viên phản hồi kết quả; kết quả quan sát được tổng hợp và đánh giá, xác định các rào cản việc thực hiện HVAT; thực hiện, lên kế hoạch loại bỏ rào cản; thiết lập các mục tiêu cải tiến và cải tiến chương trình.
Bảng 1. Phiếu quan sát hành vi
 
Ý nghĩa của việc xây dựng chương trình HVAT cho công nhân ngành Xây dựng
Hiện nay, công cụ kỹ thuật an toàn vẫn đóng vai trò chủ đạo để kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Để tiến đến điều kiện lý tưởng về an toàn kỹ thuật cần có thời gian, nguồn lực và kỹ thuật phát triển. Với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của phần lớn doanh nghiệp xây dựng hiện nay, an toàn kỹ thuật chưa thể làm công cụ chủ đạo, vẫn còn là mục tiêu hướng đến. Các vụ tai nạn chết người đã xảy ra đến từ phía NLĐ có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cần có biện pháp kiểm soát cấp bách và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật chưa phát triển kịp như hiện nay. Chương trình HVAT là giải pháp phù hợp, cân bằng giữa lợi ích và chi phí để các doanh nghiệp xây dựng áp dụng, hạn chế tối đa lỗi do NLĐ gây ra.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Choudhry RM, Fang D. Why operatives engage in unsafe work behavior: Investigating factors on construction sites. Saf Sci. 2008; 46 (4): 566–84.
2. Harbans lal Kaila. A Case of Behaviour Based safety (BBs) implementation at a multinational organisation. (2015). PublishingIndia. Ấn Độ.
3. Health and Safety Authority. Behaviour based safety guide. (2013). Health and Safety Authority. Ireland.
4. Nguyễn Thị Xuân; Võ Quang Đức giảng viên hướng dẫn, (2017), Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình thay đổi HVAT BBS (Behavior based safety) tại Công ty TNHH Sơn Bột Tĩnh Điện Akzo Nobel Việt Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
5. BAPP® Technology Implementation Manual. (2003). BST. Belgium.

Messenger Zalo