197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Cược mạng sống với nghề sơn tường nhà cao tầng

15-12-2022
Thợ sơn tường nhà cao tầng có mức lương lên tới 500 nghìn đồng/ngày và trong dịp lễ, Tết, lương còn tăng gấp đôi. “Nghề này tưởng là dễ kiếm sống đấy, nhưng không phải ai cũng làm được!”, một thợ sơn tường chia sẻ với chúng tôi.

Vượt qua nỗi sợ hãi
Anh Nguyễn Văn Mão (SN 1987, quê Hà Đông, Hà Nội), người đã gắn bó với công việc sơn tường những tòa nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội được hơn chục năm chia sẻ, mức thu nhập của những người thợ sơn hiện nay khoảng 500 nghìn/ngày, so với lương thợ xây thì cao hơn hẳn. Tuy nhiên, để có thể gắn bó được với nghề thì những người thợ sơn hầu hết phải trải qua thử thách rất lớn: vượt qua nỗi sợ độ cao, cần phải có "tinh thần thép".
 
Trong những dịp lễ cận tết, nhóm của anh không nghỉ, bù lại, thu nhập được tăng gấp đôi.
 
 
Nguyễn Lương Anh (26 tuổi, quê Đan Phượng, Hà Nội) cho biết cảm giác lần đầu tiên khi mới làm nghề là đầy lo lắng. Học xong cấp 3, anh theo chân người quen, gia nhập đội "đu dây" từ đó đến nay.
 
Dù đã được các đồng nghiệp có thâm niên chỉ dẫn cặn kẽ những thao tác đảm bảo an toàn như cách buộc đai an toàn; thao tác với chiếc ròng rọc; ... nhưng trong thời gian đầu đứng "gôn", Lương Anh không tránh khỏi cảm giác thót tim, hoảng hốt.
 
“Gôn” là cách gọi của thợ sơn tường ngoài trời, dùng để nói về phương tiện di chuyển cho công nhân trong quá trình làm việc. Có thể điều chỉnh độ cao của "gôn" bằng những sợi dây an toàn có tải trọng cả tấn, được nối từ nóc tòa nhà xuống. "Gôn" được hàn bằng sắt, có độ dài từ 3.5 đến 6.5 mét, đủ rộng cho 3-4 người thợ làm việc. Trong chiếc "gôn", những thợ sơn phải khéo léo, nhịp nhàng thao tác để làm sao không xảy ra sự cố.
 
Cược mạng sống với nghề sơn tường nhà cao tầng ở Hà Nội
Thợ sơn vui vẻ làm việc trong ngày lễ.

Bất cứ người thợ sơn nào cũng đã trải qua những tình huống "thót tim", phổ biến nhất là khi "gôn" mất thăng bằng. Cho nên, nhiều người đã vì thế mà rời nghề. Nhưng nhiều người vì mưu sinh mà gắn bó với nghề.
 
Anh Nguyễn Văn Nghĩa (quê Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Khung cảnh đường phố nhìn từ “gôn” đẹp, thoáng đãng nhưng không khi nào thợ sơn được thoải mái để chiêm ngưỡng, phần là vì luôn phải nghĩ đến an toàn, phần là vì đã lên "gôn" là vào việc cho xong”.
 
Phối hợp nhịp nhàng
Anh Mão chỉ lên chiếc “gôn” ở độ cao khoảng 40 mét so với mặt đất đang chòng chành, nói: “Nếu người thợ không phối hợp nhịp nhàng, thao tác không ăn khớp với nhau là dễ dẫn tới tình huống nguy hiểm, mất cân bằng. Anh em phải huấn luyện để phối hợp với nhau rất kỹ về những tình huống như thế này nhằm tạo độ cân bằng".
 
"Trong thao tác vận hành, mỗi người thợ đều phải chú ý quan sát nhau, cùng hoàn thành việc sơn từng đoạn tường rồi sau đó từ từ di chuyển từ trên cao xuống bằng bảng điện điều khiển. Chúng tôi phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật di chuyển khi đang đứng trên "gôn", anh Mão cho biết thêm.
 

Trong quá trình làm việc, mỗi thợ sơn tường được bảo vệ bằng những chiếc đai an toàn cột chặt vào thành “gôn”. Tuy nhiên, nếu ai đó mất bình tĩnh, sơ suất hoặc bất ngờ gặp gió lớn sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn cho bản thân họ và cho những người phía dưới, như đánh rơi thùng sơn, dụng cụ lao động.
 
 
Vì mưu sinh, những người thợ sơn gắn bó với công việc đầy nguy hiểm này, một công việc không cho phép rút kinh nghiệm lần sau. Và những thao tác của họ tưởng đơn giản nhưng ở một độ cao nhất định, mọi chuyện lại không hề dễ dàng.
 
“Lương cao đấy, nhưng ít người gắn bó lâu dài, tuổi càng lớn thì càng sợ độ cao”, anh Long, một thợ sơn có kinh nghiệm 15 năm "lơ lửng trên không" chia sẻ.
Theo Ngọc Tiến (Tạp chí điện tử lao động và công đoàn)

Messenger Zalo