197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

ĐÁNH GIÁ RỦI RO HÓA CHẤT TẠI NƠI LÀM VIỆC

26-05-2021
Các rủi ro gây ra bởi hóa chất có thể được xác định dựa trên mức độ độc hại mà NLĐ tiếp xúc với lượng bao nhiêu và thông qua con đường nào. Trên cơ sở những thông tin đó, quản lý rủi ro quyết định làm thế nào để bảo vệ NLĐ khỏi các hóa chất này. Ở miền Trung, cho đến nay đã có mặt các nhà máy thuộc 12 nhóm ngành Hóa chất. Vì thế, đánh giá rủi ro là phương pháp hệ thống và hiệu quả nhằm xác định rủi ro và quyết định các giải pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu hoặc loại bỏ chúng.
 
 
Hình 1: Sơ đồ quản lý nguy cơ (theo Tiêu chuẩn ISO 31000: 2009)
 
ĐÁNH GIÁ RỦI RO HÓA CHẤT TẠI NƠI LÀM VIỆC MỘT VÀI CƠ SỞ KHU VỰC MIỀN TRUNG
Đa số các cơ sở trong ngành Hóa chất hiện nay chưa triển khai công tác quản lý rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe NLĐ và ô nhiễm môi trường. Gần đây, dưới sức ép của công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ NLĐ; sự cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo các tiêu chuẩn ISO 14001:2010; được cấp các Chứng chỉ ISO 14001, ISO 9001, OHSAS 18001, HCCAP tại Việt Nam. Đây là một trong những yêu cầu bức thiết nhằm phát triển sản xuất trong quá trình hội nhập.
 
Dưới đây là đôi nét về kết quả thực hiện đánh giá rủi ro hóa chất tại nơi làm việc của 12 cơ sở thuộc 2 ngành sản xuất ở khu vực miền Trung. Đối tượng thực hiện được trình bày trên Bảng 1:
 
Bảng 1: Các cơ sở đánh giá rủi ro hóa chất

TT

Ngành

Số cơ sở

Địa điểm

Các loại hóa chất

1

Giày da

4

Quảng Nam, Bình Định

Acetone, Benzene, M.E.K, Xylene, Cyclohexane, Toluene

2

Giết mổ

8

Huế, Đà Nẵng

Amonnia (NH3); Hydrogen sulfide (H2S)

Carbon dioxide (CO2); Methane (CH4)

Methyl Mercaptan

 
 
PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
Trên thế giới có rất nhiều phương pháp đánh giá rủi ro của hóa chất đến sức khỏe. Đặc điểm giống nhau cơ bản của các phương pháp này là việc đánh giá rủi ro đều tuân thủ theo 3 giai đoạn chính: Nhận diện (xác định) mối nguy; phân tích mối nguy (xác định mức độ mối nguy) và ước lượng rủi ro. Điểm khác nhau cơ bản là phương pháp và công cụ thực hiện các giai đoạn này. Hiện thế giới có trên 80 bộ công cụ đánh giá1 sử dụng cho các giai đoạn khác nhau của quá trình đánh giá rủi ro ở nơi làm việc.
 
Phương pháp đã được sử dụng trong đánh giá rủi ro hóa chất tại nơi làm việc ở các cơ sở trên đây là phương pháp bán định lượng. Phương pháp này phân tích nguy cơ dựa trên sự kết hợp giữa ước tính định tính và định lượng để mô tả xác suất và hậu quả của các mối nguy. Các điểm số tương ứng sau đó được sử dụng để tính toán các chỉ số nguy cơ, từ đó hình thành cơ sở để so sánh, xếp loại rủi ro. Thường rủi ro được phân thành 5 loại: Chấp nhận; Thấp, Trung bình, Cao và Rất cao. Từ đó, doanh nghiệp có cơ sở huy động nguồn lực để quản lý rủi ro. Thực hiện đánh giá rủi ro hóa chất, yêu cầu đội ngũ đánh giá bao gồm các chuyên gia và đánh giá viên có năng lực. Khái quát phương pháp thực hiện theo lưu đồ Hình 2.
 
 
KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ RỦI RO
Ở các cơ sở sản xuất giày da: Với mức độ khác nhau, tất cả các cơ sở đã khảo sát đều có nguy cơ rủi ro đối với sức khỏe từ hơi dung môi (chiếm tỷ trọng chủ yếu hơn 50% so với các nguy cơ khác). Tùy thuộc nhiều vào dây chuyền sản xuất, các giải pháp khống chế hiện có, lượng dung môi sử dụng, kết quả đánh giá có khác nhau đối với từng cơ sở về mức độ và số lượng vị trí chịu tác động của nguy cơ.
 
Cụ thể như sau: Tại Công ty CP Phước Kỳ Nam, mức rủi ro gây tác hại nghề nghiệp của hơi dung môi được xếp mức cao ở 07/16 vị trí sản xuất, chiếm 43,75%. Các vị trí còn lại nguy cơ ở mức trung bình. Tại Công ty Giày da Bình Định, 8/19 vị trí sản xuất có nguy cơ gây tác hại nghề nghiệp của hơi dung môi được xếp mức cao, chiếm 42,1%. Các vị trí còn lại nguy cơ ở mức trung bình. Tại Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng, dây chuyền sản xuất tương đối đầy đủ các mặt hàng, nguy cơ gây tác hại nghề nghiệp của hơi dung môi được xếp mức trung bình ở tất cả các vị trí. Trong đó 04 vị trí cận mức cao. Không có vị trí nào có nguy cơ thấp. Tại Công ty Hữu Nghị Hội An, Quảng Nam, dây chuyền sản xuất chủ yếu là các phân xưởng may và hoàn thành. Nguy cơ gây tác hại nghề nghiệp của hơi dung môi được xếp mức trung bình ở 100% vị trí sản xuất.
 
Công nhân kiểm tra, phân loại giày trước khi đóng gói sản phẩm tại Công ty Giày da Bình Định

Công nhân kiểm tra, phân loại giày trước khi đóng gói sản phẩm tại Công ty Giày da Bình Định. Nguồn: bdfc.com.vn
 
Ở các lò mổ, rủi ro do hóa chất độc hại sinh ra tại nơi làm việc được đánh giá khá cao, chỉ sau mối nguy do chiếu sáng. Trong đó, các mối nguy đến từ NH3, H2S và CH3SH cao hơn cả. Kết quả đánh giá bán định lượng cho thấy hầu hết các vị trí trong dây chuyền, mức nguy cơ đối với các loại hóa chất này đều ở mức cao. Nguy cơ cao nhất là do mối nguy H2S (hầu hết đều xếp ở mức 4-mức cao). Cũng giống như NH3 và CH3SH, H2S sinh ra trong quá trình phân hủy các chất protit có trong thịt động vật. Do quá trình vệ sinh, sát trùng nhà xưởng không tốt, việc phân hủy thịt còn sót tích lũy lại từ các ca làm việc trước đó nên hàm lượng đo được của các chất có trong không khí là rất đáng quan tâm.
 
 
Ở các lò mổ, rủi ro do hóa chất độc hại sinh ra tại nơi làm việc được đánh giá khá cao, chỉ sau mối nguy do chiếu sáng. Trong ảnh: Nhân viên tiến hành mổ, tách gia súc trước khi giao hàng tại Nhà máy giết mổ gia súc tập trung, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung
 
Các quyết định sau đánh giá nguy cơ được đề xuất với các cơ sở nhằm quản lý nguy cơ. Sau quá trình thực hiện, việc đánh giá lại nguy cơ đã được thực hiện và cho kết quả khả quan.
 
Một số nghiên cứu ban đầu về đánh giá rủi ro hóa chất đã được thực hiện tại một số cơ sở sản xuất khu vực miền Trung bởi Phân viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung (thuộc VNIOSH). Kết quả nghiên cứu đã cung cấp thông tin quan trọng cho chiến lược quản lý rủi ro của cơ sở.
 
Tuy nhiên, ảnh hưởng kết hợp của hỗn hợp hóa chất cũng như kết hợp của các yếu tố môi trường đối với sức khỏe của NLĐ đòi hỏi nhiều quan tâm của các nhà nghiên cứu do điều này phản ánh sát hơn với điều kiện làm việc.
 
Mặt khác, điều đó giúp biết được các chất độc hại như thế nào khi tiếp xúc với NLĐ theo cơ chế hỗn hợp tương tác để gia tăng hoặc thay đổi các khả năng xấu có thể ảnh hưởng sức khỏe của họ. Hầu hết các môi trường làm việc bao gồm vô số các yếu tố vật lý và hóa học, sinh học… có khả năng nguy hại đến sức khỏe.
 
Kết quả nghiên cứu về môi trường làm việc độc lập với mối nguy thường được sử dụng để phát triển các tiêu chuẩn an toàn. Điều đó có thể không đủ để bảo vệ NLĐ trong môi trường mà họ đồng thời hoặc tuần tự tiếp xúc với một loạt các yếu tố mối nguy xảy ra.
 
Tài liệu tham khảo:
Đỗ Thanh Bái, Hồ Quý Đào, Phạm Việt Hùng (2003), Đánh giá rủi ro hóa chất và vấn đề quản lý chất thải nguy hại, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Nguyễn Thanh Hải (2012), Đánh giá mức độ ô nhiễm fomaldehyt trong môi trường không khí làm việc và nguy cơ rủi ro sức khỏe, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Luận văn thạc sĩ ngành Khoa học môi trường.

Nhan Hồng Quang (2014), Nghiên cứu đánh giá, giám sát rủi ro gây tác hại nghề nghiệp do dung môi hữu cơ ở NLĐ trong ngành sản xuất giày da, NIOSH Đà Nẵng, Đề tài cấp Tổng Liên đoàn.

Ministry of Mainpower (2011), A semi-quantitative Method to Assess Occupational Exposure to Halmful Chemicals, Malaysia.

Trần Quốc Việt, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Trường Sơn (2016), Đánh giá sơ bộ rủi ro môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2016, tập 4, số 12: 1956-1963.
 
Chú thích:
1 Nhan Hồng Quang (2014), Nghiên cứu đánh giá, giám sát rủi ro gây tác hại nghề nghiệp do dung môi hữu cơ ở NLĐ trong ngành sản xuất giày da, NIOSH Đà Nẵng, Đề tài cấp Tổng Liên đoàn.

Bài viết: TS. Nhan Hồng Quang

Phân Viện trưởng Phân Viện Khoa học ATVSLĐ và BVMT miền Trung

Nguồn: https://cuocsongantoan.vn/danh-gia-rui-ro-hoa-chat-tai-noi-lam-viec-69251.html

Messenger Zalo