197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Để các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động đi vào cuộc sống

21-11-2022
Trong những năm qua, việc ban hành các văn bản pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đã được chú trọng, đặc biệt là trong năm 2015, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được ban hành. Tuy nhiên, quá trình triển khai các chính sách vẫn đang đặt ra một số vướng mắc, cần có giải pháp để khắc phục.
 
Hệ thống pháp luật an toàn, vệ sinh lao động đã có những thay đổi phù hợp
Tại mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật an toàn, vệ sinh lao động ở Việt Nam lại có những thay đổi phù hợp.
Nhìn lại quá trình “luật hóa” công tác an toàn, vệ sinh lao động chúng ta có thể nêu một số mốc quan trọng như sau: Năm 1964, Điều lệ tạm thời về Bảo hộ Lao động ra đời và tồn tại gần 30 năm; đến năm 1992, Pháp lệnh Bảo hộ Lao động được Quốc hội nước Việt Nam thống nhất thông qua và năm 1995, Bộ luật Lao động dành hẳn chương IX gồm 20 điều quy định về an toàn, vệ sinh lao động chính thức có hiệu lực đánh dấu bước tiến mới về pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
 
 
 
20 năm sau, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đã được nâng lên tầm cao mới khi Quốc hội thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động vào ngày 25/06/2015 gồm 7 chương với 93 điều, quy định đầy đủ, chi tiết mọi lĩnh vực, điều khoản liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động trong mọi thành phần kinh tế, không chỉ trong lĩnh vực có quan hệ lao động mà cả trong lĩnh vực phi kết cấu (không có hợp đồng lao động).
 
Để Luật an toàn, vệ sinh lao động chính thức có hiệu lực và đi vào đời sống, hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật đã được ban hành. 03 nghị định của Chính phủ đã được ban hành vào ngày 15/5/2016 nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động…
 
Đồng thời, cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành hàng loạt các thông tư hướng dẫn về các vấn đề, như: Tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; Ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; Quy định giá tối thiệu đối với dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; Hướng dẫn thực hiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; Thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc…
 
Ngoài ra, rất nhiều bộ liên quan, như: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải… cũng ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động mà các bộ này chịu trách nhiệm quản lý.
 
Cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, đồng bộ về an toàn, vệ sinh lao động
Để hỗ trợ cho các hoạt động quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, sau khi Luật An toàn, vệ sinh lao động được thông qua, Hội đồng Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động đã được thành lập theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg, ngày 10/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay (tháng 4/2018), Hội đồng đã tổ chức đối thoại thường niên được 2 lần. Tại buổi đối thoại, ngòai các thành viên thuộc Hội đồng, còn có sự tham gia của các đại biểu là đại diện của người sử dụng lao động, người lao động, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các sở lao động, thương binh và xã hội, liên đoàn lao động địa phương…
 
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến Luật và huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động được đẩy mạnh. Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ 1 (năm 2018) được tổ chức thành công với sự tham gia và hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên cả nước với hàng chục nghìn tin, bài, tài liệu được tuyên truyền phát đến tận tay người lao động, doanh nghiệp; nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đặc biệt là để thúc đẩy các hoạt động huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc của doanh nghiệp; tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến văn bản mới, hướng dẫn triển khai các văn bản hướng dẫn Luật.
 
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động cũng được triển khai tích cực. Điển hình như năm 2017, Cục An toàn lao động đã phối hợp Phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện kiểm tra khoảng hơn 40 tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
 
Qua thanh tra, kiểm tra đã đề xuất nhiều kiến nghị đối các doanh nghiệp khắc phục các sai phạm, làm tốt hơn công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với sở lao động, thương binh và xã hội các địa phương tổ chức 06 đoàn kiểm tra tại 30 doanh nghiệp và hơn 20 tổ chức hoạt động kiểm định; tập trung kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Qua kiểm tra đã thu hồi 78 kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và yêu cầu các tổ chức hoạt động kiểm định nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình kiểm định trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
 
Một số khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách về an toàn, vệ sinh lao động cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, điển hình như:
Một là, còn phức tạp trong công tác quản lý hoạt động kiểm định dẫn đến 1 đối tượng thiết bị, 1 kiểm định viên làm kiểm định có thể phải xin nhiều giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định từ nhiều bộ quản lý, ví dụ: Cẩu tháp (Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội),  bình áp lực (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương) mặc dù khi trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo về vấn đề này).
Hai là, việc triển khai phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật xuống cơ sở để doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động nắm được còn rất hạn chế, nhất là đối với cán bộ cấp xã, phường.
Ba là, công tác thống kê, báo cáo tình hình tai nạn lao động còn thấp. Công tác thanh tra, kiểm tra còn ít do kinh phí thực hiện rất hạn chế và lực lượng thanh tra còn quá mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu thanh tra, kiểm tra so với yêu cầu thực tế số lượng doanh nghiệp đang ngày càng tăng lên.
Bốn là, công tác thông tin, tuyên truyền chưa sâu rộng và thường xuyên, mới chủ yếu tập trung vào Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; nội dung  hình thức tuyên truyền còn nặng về chuyên môn, kỹ thuật mà chưa có sự phân loại cho phù hợp với các đối tượng cụ thể.
Năm là, có một số quy định phạm trù rất chung chung. Ví dụ như về độ ồn, bụi, vô hình chung lại quy vào công việc nặng nhọc độc hại. Hay quy định khi điều trị bệnh thì thế nào là điều trị ổn định... Quy định danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong nhiều văn bản gây khó khăn trong công tác tra cứu, thực thi.
Giải pháp nào trong thời gian tới?
Thứ nhất, hoàn thiện công tác xây dựng và ban hành văn bản pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra, thông qua các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tại Phiên đối thoại lần thứ I Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi những quy định chưa phù hợp trong các nghị định, thông tư về an toàn, vệ sinh lao động...
Thứ hai, do các doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh phí trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, nên cần có những quy định rõ ràng về việc thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Cần có quy định cụ thể việc Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào và loại hình doanh nghiệp nào sẽ được ưu tiên hỗ trợ. Đồng thời phải thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp để họ chủ động tham gia các dự án.
Thứ ba, đối với lĩnh vực khen thưởng và chế tài xử phạt an toàn, vệ sinh lao động: cần xây dựng, sửa đổi và ban hành các quy định cụ thể về khen thưởng và các chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật an toàn, vệ sinh lao động. Nên có các hoạt động khen thưởng theo chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt trong dịp tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động hằng năm. Đồng thời, cần cụ thể hóa các vi phạm và khung hình phạt đối với các vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động dành cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp cần mang tính khuyến khích thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và các mức phạt vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cũng không thể như các doanh nghiệp lớn. 
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động theo Kế hoạch do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để ngăn ngừa tai nạn lao động. Thanh tra các tổ chức huấn luyện, kiểm định có vi phạm trong hoạt động huấn luyện, kiểm định để kịp thời xử lý, nâng cao chất lượng và tạo sự công bằng trong các tổ chức dịch vụ này./.

Messenger Zalo