197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Giải pháp về an toàn, vệ sinh lao động với các doanh nghiệp thi công xây dựng

10-11-2022
Về đặc thù công việc thì ngành Xây dựng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ mất an toàn cao, người lao động phải thường xuyên làm việc trong các điều kiện nguy hiểm như: trên cao, trong hầm ngầm, vận hành các máy - thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tiếp xúc với các nguồn điện… Do vậy, vấn đề về quản lý an toàn trong lĩnh vực xây dựng là một vấn đề quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu của ngành Xây dựng nhằm giảm thiểu các tổn thất về con người, tài chính cũng như cơ sở vật chất, tài sản của các doanh nghiệp.
 
Thực trạng hoạt động sản xuất an toàn sau dịch của các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng
Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã thay đổi rất lớn đến cách vận hành của các doanh nghiệp và theo đó tác động đáng kể đến lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu với đóng góp là 13% GDP. Hiện nay, dù kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau một năm gián đoạn nhưng mức tăng trưởng dự báo chỉ đạt khoảng 3,5 - 4% vào năm 2022. Trong khi đó, theo dự báo thì các doanh nghiệp hoạt động xây dựng thường có độ trễ từ 12 tháng - 18 tháng so với tình hình suy thoái chung đối với các doanh nghiệp đặc thù khác.
 
 Tỷ lệ đóng góp của ngành Xây dựng vào GDP (Nguồn: Số liệu GSO).
 
Sau đại dịch, các doanh nghiệp xây dựng sẽ phải nỗ lực bắt tay vào thực hiện ngay các dự án còn đang triển khai do bị dừng vì hoạt động giãn cách xã hội. Cộng thêm với đó cũng sẽ phải nỗ lực để tìm nguồn việc từ các dự án mới, đặc biệt là các dự án có nguồn ngân sách từ nhà nước để kích thích tái đầu tư sản xuất phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Do vậy, để khởi động lại các hoạt động thì việc ưu tiên trước mắt vẫn phải làm tiếp tục thực hiện các dự án còn đang triển khai. Để đảm bảo an toàn trong quá trình tiếp tục sản xuất sau dịch, các doanh nghiệp ngành Xây dựng cần ưu tiên nguồn vốn và nhân lực để thực hiện một số các hoạt động sau:
- Tuyển chọn thêm nhân công thay thế phù hợp nhằm đảm bảo tiến độ công việc sản xuất đúng tiến độ và an toàn.
- Thực hiện khởi động, duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy - thiết bị thi công nhằm đáp ứng tốt để phục vụ ngay cho công việc.
- Thực hiện việc nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất tại công trường để đáp ứng các điều kiện về nơi làm việc an toàn cho người lao động.
- Liên hệ với các đối tác truyền thống có uy tín để đáp ứng đầy đủ vật tư thay thế nhằm phục vụ cho công việc thi công được đảm bảo đúng tiến độ và an toàn.
 
 
 
Các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động khi tái thi công các công trình xây dựng
- Các nguy cơ về điện giật tại nơi làm việc, do các thiết bị điện lâu ngày không được kiểm tra, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thay thế kịp thời. Ví dụ như: Các thiết bị hàn điện, máy bơm nước, dây nối, ổ cắm …
- Các nguy cơ văng bắn gây tai nạn cho người lao động từ các máy - thiết bị có chuyển động quay như máy mài, máy cắt …
- Nguy cơ về ngã cao đối với người lao động do các vật tư, thiết bị như: dàn giáo, sàn thao tác không đảm bảo về các điều kiện an toàn, các lỗ hổng không được che chắn hoặc có che chắn nhưng không đảm bảo an toàn.
- Nguy cơ các loại vật tư, vật liệu rơi từ trên cao xuống do các lưới chắn, rào chắn không có hoặc có nhưng không còn đảm bảo an toàn.
- Nguy cơ đổ sập các loại vật tư, máy - thiết bị do lâu ngày không hoạt động và không được kiểm tra, đánh giá về kỹ thuật an toàn.
- Nguy cơ sạt lở hầm, hố móng, vách ngăn … do điều kiện thời tiết hoặc không được chống đỡ đúng yêu cầu về kỹ thuật an toàn.
- Các nguy cơ trơn trượt gây tai nạn trực tiếp hoặc ngã cao do mặt bằng làm việc không được vệ sinh sạch sẽ theo tiêu chuẩn về vệ sinh lao động (dầu, mỡ, nước, sơn ...).
- Các nguy cơ về bụi vô cơ tại công trường trong quá trình thực hiện sửa chữa và thi công, hoàn thiện dự án.
- Các nguy cơ về ngạt khí trong các điều kiện làm việc như không gian hạn chế hay dưới các công trình ngầm …
 
 
 
Các nguy cơ, rủi ro về cháy nổ
- Các nguy cơ về chập cháy từ các thiết bị điện được sử dụng trên công trường do lâu ngày không hoạt động nên không được đảm bảo an toàn.
- Nguy cơ cháy nổ từ các bình khí nén, bình ga, khí công nghiệp phục vụ cho công tác hàn cắt, bếp ăn … trên công trường.
- Nguy cơ cháy do sử dụng các loại sơn và phụ gia về sơn không đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ.
- Nguy cơ cháy từ bãi tập kết các loại vật tư dễ cháy để phục vụ công việc như: giấy cát-tông, vật liệu phủ tường, vách, các loại vật tư về sơn …
- Nguy cơ cháy từ bãi tập kết rác thải dễ cháy của công trường …
Các nguy cơ, rủi ro về môi trường
- Nguy cơ ngập lụt do tác động của các yếu tố về thời tiết có thể tác động đến máy - thiết bị, chất lượng của công trình đang thi công gây ra các hiện tượng như: sạt lở, lún, nứt, đổ sập ...
- Các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về rác thải, nhiên - vật liệu ... được sử dụng trên công trường thải trực tiếp ra công trường hoặc ra môi sinh.
- Các nguy cơ về bệnh dịch truyền nhiễm … đối với người lao động trong các khu nhà ở tại công trường do không được vệ sinh thường xuyên đảm bảo về an toàn sức khỏe cho người lao động.
 
 
 
Các nội dung, hướng dẫn phòng tránh tai nạn lao động
- Rà soát, bổ sung xây dựng nội quy tại nơi làm việc; nội quy, quy trình làm việc đối với máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- Rà soát, bổ sung xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn đối với tất cả các máy - thiết bị thi công đang làm việc tại công trình.
- Lắp đặt các biển báo, biển cảnh báo, biển cấm tại các vị trí làm việc của người lao động, vị trí ra vào công trường, đường đi - lối lại tại công trường …
- Kiểm tra, lắp đặt hệ thống chống dò điện cho các máy - thiết bị tại nơi làm việc.
- Kiểm tra lắp đặt lan can an toàn tại các vị trí sàn thao tác trên dàn giáo, lỗ hổng đang chờ thi công…
- Lắp đặt hệ thống lưới chống rơi ngã tại các vị trí làm việc bên sát mép ngoài công trình.
- Trang bị đầy đủ và hướng dẫn cách sử dụng các loại phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động thực hiện công việc như: Dây đeo an toàn, dày, mũ, găng tay, khẩu trang an toàn …
- Thực hiện tổ chức các khóa huấn luyện định kỳ về an toàn cho người lao động nhằm nâng cao nhận thức để thực hiện các phương án an toàn được hiệu quả cao nhất.
- Tổ chức họp an toàn đầu ca hằng ngày nhằm phổ biến, quán triệt các phương án an toàn cần thực hiện trong quá trình triển khai công việc đối với người lao động.
Các nội dung, hướng dẫn phòng chống cháy nổ
- Rà soát, bổ sung xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn đối với các máy - thiết bị có nguy cơ gây cháy, nổ.
- Kiểm tra, lắp đặt các hệ thống chống sét cho các máy - thiết bị tại nơi làm việc.
- Kiểm tra, lắp đặt các biển báo về nguy cơ cháy nổ tại nơi làm việc.
- Kiểm tra định kỳ kho chứa hoá chất, sơn, các chất độc hại dễ cháy nổ …
 
 
 
Các nội dung, hướng dẫn và bảo vệ môi trường:
- Kiểm tra, lắp đặt các quạt thông gió, thông khí tại nơi làm việc.
- Thực hiện triệt để việc xử lý nguồn chất thải nguy hại ra môi trường.
- Thực hiện định kỳ việc quan trắc môi trường lao động.
- Kiểm tra, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa khu nhà vệ sinh cho người lao động và nhân viên làm việc tại công trường.
Để triển khai công việc kinh doanh được tốt hơn, các doanh nghiệp ngành Xây dựng phải chuẩn bị một kế hoạch sản xuất phù hợp để đạt được các tiêu chí “An toàn - Chất lượng - Tiến độ”. Muốn đạt được được tiêu chí này, ngoài việc cân đối về nguồn lực tài chính, nhu cầu của các đối tác, khách hàng, nhân viên - người lao động … thì các doanh nghiệp phải đánh giá thực hiện được lĩnh vực then chốt, đó là lĩnh vực quản lý tốt sức khỏe của người lao động và sự an toàn đối với tài sản của doanh nghiệp. Đây là một vấn đề quan trọng hàng đầu cần phải đánh giá thực hiện đầy đủ.
 
Th.S. TRẦN XUÂN HIỂN (Cục An toàn lao động, Bộ LĐ TB&XH)
Nguồn: https://cuocsongantoan.laodongcongdoan.vn/giai-phap-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-voi-cac-doanh-nghiep-thi-cong-xay-dung-87575.html
 

Messenger Zalo