Kết hợp tốt hơn các thực hành an toàn điện trong cơ sở sản xuất
30-11-2022
Đối với công nhân làm việc trên sàn nhà xưởng, máy móc và hệ thống điện cao áp có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng về an toàn. Theo Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA), điện giật là một trong “bộ tứ chết người” – những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nơi làm việc.
Những biện pháp làm việc an toàn đơn giản và việc thay đổi bố trí có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong bất kỳ nhà máy nào. Với chương trình phù hợp, các nhà quản lý nhà máy có thể giúp bảo vệ người lao động khỏi các nguy cơ thông thường về điện.
Thanh kiểm tra an toàn nơi làm việc
Khi xem xét lại các nguyên tắc về an toàn, thông thường các nhà quản lý nhà máy sẽ bắt đầu bằng việc thanh kiểm tra an toàn tại địa điểm. Đây là hoạt động xem xét đánh giá tất cả các mối đe dọa tiềm ẩn mà một công nhân có thể phải đối mặt khi ở trong nhà máy.
Bất kể nhà máy dựa vào thiết bị hoặc hệ thống cụ thể nào, luôn có một số phương pháp tốt nhất có thể giúp giảm thiểu rủi ro do thiết bị điện gây ra.
Hầu hết các tai nạn về điện đều có liên quan đến lỗi của công nhân hoặc sự cố thiết bị. Sự cố thiết bị có thể xảy ra do lắp đặt không đúng cách, bảo trì kém hoặc sử dụng không đúng cách.
Trong một số trường hợp, tai nạn sẽ hình thành hoặc trở nên tồi tệ hơn do môi trường làm việc không an toàn.
Trong quá trình thanh kiểm tra, các nhà quản lý nhà máy nên chỉ đạo nhóm thực hiện xem xét ba yếu tố sau: các thao tác không an toàn của công nhân, thiết bị không an toàn và môi trường làm việc không an toàn.
Việc đánh giá này sẽ giúp bạn có cơ hội xem xét sự tuân thủ các phương pháp làm việc hiện có, cũng như trình độ của những người lao động có nguy cơ bị điện giật cao nhất.
Ví dụ, những công nhân được ủy quyền khóa máy móc và thiết bị nhà máy cũng có xu hướng là những người thường xuyên tiếp xúc với các bộ phận điện. Bạn và nhóm thanh kiểm tra nên đảm bảo rằng họ được đào tạo để nhận biết các mối nguy hiểm về an toàn điện tại nơi làm việc.
Những công nhân này cũng phải có khả năng xác định loại và cường độ năng lượng được sử dụng tại nơi làm việc, và cách họ có thể kiểm soát và cách ly nó một cách an toàn.
Đợt thanh kiểm tra cũng là thời điểm tốt nhất để đánh giá kiến thức của tất cả các công nhân khác của nhà máy và xác định xem liệu có cần thiết phải đào tạo về an toàn điện hay không.
Điều quan trọng nữa là phải xem xét các vỏ bọc và các thành phần thiết yếu khác của nhà máy điện trong quá trình đánh giá. Tất cả các khu khép kín có được khóa kín đúng cách nếu không được sử dụng không? Tất cả các quy trình khóa/rút ra (LO/TO) thích hợp có được tuân thủ không?
Việc đánh giá các thiết bị nguy hiểm cũng có thể giúp ta nhận thấy các vấn đề về bài trí đang góp phần tạo ra một môi trường làm việc nguy hiểm.
Ví dụ: bạn có thể phát hiện ra rằng một khu khép kín được bố trí theo cách mà nó không thể được mở ra mà không gây cản trở dòng chuyển động trong nhà máy. Khu vực như vậy có thể mang lại rủi ro cho công nhân khi nó được mở ra để bảo trì.
Những phương pháp đúng đắn nhất khi làm việc với điện trong nhà máy
Việc nắm được cách xử lý ba yếu tố này sẽ giúp các chủ sở hữu nhà máy giảm thiểu một số rủi ro nghiêm trọng nhất.
Các phương pháp làm việc không an toàn sẽ cần được giải quyết bằng việc đào tạo và quản lý nhân viên tốt hơn. Nếu nhà máy của bạn không có khóa đào tạo về các nguy cơ về điện, thì có thể cần tổ chức một khóa học - đặc biệt nếu cuộc kiểm tra cho thấy rằng một số công nhân nhà máy đã thao tác không an toàn xung quanh điện và thiết bị điện.
Trước khi người lao động tham gia vào bất kỳ nhiệm vụ nào liên quan đến điện, họ phải có khả năng đánh giá rủi ro tiềm ẩn của nhiệm vụ và xác định xem họ có được trang bị để xử lý những rủi ro đó hay không. Họ nên xem xét lại khóa đào tạo mà họ đã được tham gia, các công cụ và thiết bị bảo vệ mà họ được tiếp cận và các quy trình an toàn mà họ phải tuân theo.
Ví dụ, nhân viên của bạn có thể xác định nguồn cung cấp điện và hiểu được cách thức hoạt động của nó không? Nếu vậy, họ có biết nguồn điện có thể gây ra những rủi ro gì khi sử dụng không?
Việc đào tạo hiệu quả cũng có thể dạy cho người lao động cách xác định xem các thiết bị như nguồn điện, dây dẫn và mạch điện có hoạt động tốt hay không và các bộ phận điện có được bảo vệ thích hợp để tránh tiếp xúc hoặc phóng điện hay không. Những người lao động chịu nhiều rủi ro về điện nhất - thường là những người được phép thực hiện LO/TO - có thể cần được đào tạo bổ sung hoặc chuyên môn hóa.
Văn hóa an toàn điện
Xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo những phương pháp này được tuân thủ trong công việc hàng ngày. Những công nhân mới sẽ tìm đến những công nhân có kinh nghiệm hơn và những người giám sát trực tiếp của họ để được hướng dẫn. Họ cũng có thể sẽ học theo nhiều thói quen làm việc ở người giám sát của họ.
Nếu những công nhân cũ tuân thủ các quy trình an toàn tại công trường, thì các công nhân mới cũng có thể sẽ tuân theo các quy trình đó.
Việc dành thời gian và nguồn lực cần thiết để tuân theo các thực hành an toàn cũng sẽ rất quan trọng. Nếu người lao động chắc chắn rằng họ có thể dành thêm thời gian để tuân theo các biện pháp phòng ngừa cơ bản này, thì có thể họ sẽ giảm bớt việc làm tắt hơn.
Thay đổi bài trí và duy trì các phương pháp an toàn
Trong một số trường hợp, có thể cần thực hiện những thay đổi quan trọng hơn đối với cách bố trí và sắp xếp thiết bị ở nơi làm việc để khuyến khích các phương thức làm việc an toàn. Các hiện tượng như cách điện không đúng cách, nối đất sai, kết nối lỏng lẻo và dây điện bị hở cũng nên được sửa chữa càng nhanh càng tốt.
Duy trì các phương pháp làm việc an toàn cũng sẽ trở thành một nỗ lực không ngừng. Việc kiểm tra thường xuyên có thể giúp bạn phát hiện các vấn đề tiềm ẩn về an toàn và đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc. Việc đào tạo liên tục cũng sẽ rất cần thiết - cả công nhân mới và các thành viên có kinh nghiệm trong nhóm sẽ cần được đào tạo thêm để làm cho công việc của họ trở nên an toàn nhất có thể.
Biên dịch: Bình Nguyên
(Nguồn tin: ishn.com)
Thông tin khác
- » Các cách giữ an toàn cho người lao động (30.11.2022)
- » Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, cơ sở (29.11.2022)
- » Cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ bếp ăn tập thể trong trường học (23.11.2022)
- » Tai nạn lao động tại cầu Mỹ Thuận 2 khiến 1 công nhân không qua khỏi (23.11.2022)
- » Để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp (23.11.2022)
- » Bộ xây dựng đã ban hành quy chuẩn về an toàn trong thi công xây dựng (22.11.2022)
- » Quy chuẩn đảm bảo an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế (21.11.2022)
- » Để các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động đi vào cuộc sống (21.11.2022)