Khuyến cáo an toàn PCCC tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất
10-05-2022
Ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam được xây dựng trên quy mô lớn bắt đầu từ năm 1954. Trải qua thời gian dài cùng với sự phát triển nhanh chóng, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế về kỹ thuật độc lập.
Hóa chất có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các ngành kinh tế và mọi hoạt động của đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại, y tế, khoa học công nghệ và giáo dục. Khi các hoạt động sản xuất kinh tế và đời sống xã hội càng phát triển, thì nhu cầu sử dụng hóa chất cũng ngày càng tăng lên trên địa bàn cả nước nói chung hay ở mỗi tỉnh, thành phố nói riêng.
Ảnh minh họa khuyến cáo an toàn PCCC tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất (nguồn: internet)
Hoạt động hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, sự cố hóa chất có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và khi xảy ra, sự cố hóa chất luôn tiềm ẩn khả năng phát triển thành sự cố ở quy mô lớn, có tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, kinh tế, tài sản và môi trường xung quanh. Nhìn chung, hầu hết các loại hóa chất đều có khả năng phát tán nhanh trên diện rộng, dễ xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống, thở,…, từ đó gây ngộ độc, đồng thời có khả năng để lại những hậu quả lâu dài trong môi trường tự nhiên bởi khả năng tồn lưu, khó phân hủy. Thực trạng đó đã có nhiều tác động đến môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy nổ nguy hiểm đối với các cơ sở sản xuất, bảo quản, kinh doanh hóa chất. Những sự cố cháy, nổ hóa chất hầu hết đều gây ô nhiễm môi trường do các chất độc hại khuếch tán vào không khí hoặc nguồn nước, sau đó thẩm thấu vào đất, gây nguy hại tới sinh vật và con người trực tiếp hoặc lâu dài. Đặc tính hóa chất chủ yếu mang tính cháy nổ, kích ứng, độc và ăn mòn. Các vụ cháy, nổ hoặc sự cố rò rỉ hóa chất đều gây ô nhiễm môi trường cấp, cục bộ hoặc lâu dài; ở mức độ nghiêm trọng có thể trở thành sự cố môi trường hoặc thảm họa môi trường.
Khi xảy ra các sự cố, rủi ro, cháy, nổ hóa chất sẽ bay hơi hoặc tràn, chảy các chất này ra môi trường, gây ô nhiễm và tác động đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người. Sự lan truyền các hóa chất gây nguy hại nhanh nhất qua môi trường không khí, do bản chất ở dạng khí hoặc dễ bay hơi ngay nhiệt độ thường như Clo, brom, thủy ngân, digoxin, axit nitric, phosgen, amoniac ... đặc biệt là các các chất dùng trong ngành bảo vệ thực vật. Chúng sẽ gây tác hại nhanh và rộng đến cả người và sinh vật, có tính sát thương cao.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ cháy nổ hóa chất là do vi phạm các quy định về an toàn trong quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến, pha chế, sử dụng các loại hóa chất dẫn đến sự cố rò rỉ hóa chất ra ngoài, phản ứng với nước, khí oxy gây cháy nổ. Người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, pha chế hóa chất chưa thực sự ý thức vai trò quan trọng của công tác đảm bảo an toàn PCCC, không chấp hành đúng các quy định an toàn toàn cháy nổ khi cơ sở hoạt động. Ở một số cơ sở, nhân viên, công nhân làm việc, thậm chí chủ cơ sở thiếu kiến thức hóa học, không hiểu về thành phần, đặc tính của hóa chất nên trong quá trình làm việc, sắp xếp hóa chất với nhau đã gây ra sự cố đáng tiếc…Ngoài ra, việc buôn bán, sử dụng “lậu” hóa chất, chủ yếu xảy ra ở các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng gần đây. Hiện nay, những quy định về quản lý nhà nước trong kinh doanh hóa chất đã có nhưng còn trồng chéo, nhiều bất cập, nhiều sơ hở...
Việc sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển các hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ đã được quy định theo TCVN 5507: 2002 - Hóa chất nguy hiểm - quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển. Tuy nhiên, thực tế công tác kiểm tra cho thấy nhiều cơ sở không cung cấp đầy đủ danh mục các loại hóa chất mà cơ sở đó kinh doanh, sản xuất cho các cơ quan quản lý hoặc có những cơ sở lén lút kinh doanh, sản xuất những loại hóa chất không có trong đăng ký kinh doanh. Điều đó dẫn đến công tác quản lý việc kinh doanh, sản xuất các loại hóa chất nguy hiểm của các cơ quan chức năng chưa thực sự chặt chẽ.
Mặt khác, do nhu cầu kinh doanh, sản xuất tăng cao nhiều cơ sở đã vi phạm về việc bố trí các kho chứa hóa chất, nhiều loại hóa chất không được bảo quản về khối lượng, khoảng cách, tính chất theo đúng quy định đối với từng loại hóa chất khác nhau, đặc biệt đối với một số hóa chất có khả năng oxy hóa mạnh, dễ bay hơi, dễ bắt cháy như Acetone, Methanol, Cồn, Sodium Hydrosulfite, Cyclohexanol... Cùng với đó là trình độ hiểu biết về đặc tính, thành phần hóa học đối với từng loại hóa chất của một số công nhân còn hạn chế dẫn đến việc bố trí, sắp xếp không đúng theo chủng loại, tính chất tạo ra hiện tượng các loại hóa chất phản ứng với nhau gây cháy, nổ.
Có thể thấy, trong quá trình bảo quản, sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất tại các cơ sở trên địa bàn hiện nay còn nhiều vấn đề hạn chế về công tác đảm bảo an toàn sản xuất nói chung và an toàn về cháy, nổ nói riêng. Từ những vụ cháy xảy ra đối với các cơ sở bảo quản, sản xuất, kinh doanh hóa chất đã nêu trên để đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, bảo quản, sử dụng hóa chất phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo một số biện pháp PCCC sau:.
1. Cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong các cơ sở trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCCC
Thực hiện nghiêm chỉnh những điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy: Mỗi cơ sở kinh doanh hóa chất phải có hồ sơ quản lý về PCCC; xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phương án ứng phó sự cố hóa chất và tổ chức thực tập định kỳ theo quy định.
2. Yêu cầu sắp xếp hóa chất trong kho
- Thiết bị chứa hóa chất: Chứa đúng mức quy định, bảo đảm duy trì đóng kín, chắc chắn. Có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ các nội dung theo quy định của Quy chế ghi nhãn hàng hóa.
- Sắp xếp thiết bị, chai chứa: Để thẳng đứng, có nắp bảo vệ van. Bảo đảm chắc chắn không để đổ, va chạm với nhau. Các chai phải có mũ kín. Trong phạm vi 10 m xung quanh kho chứa chai đã nạp không để các vật liệu dễ cháy.
- Sắp xếp thùng chứa hóa chất: Không nên xếp chồng lên nhau cao hơn 3 m. Phuy đựng hóa chất chỉ nên được xếp chồng lên nhau ít hơn 4 lớp theo chiều đứng của thùng, có tấm đỡ hàng (pa-lét) phân cách giữa các lớp. Phuy hóa chất đặt ngang có giá đỡ cố định bên hông hoặc được chèn để tránh chúng bị lăn. Thùng đựng dạng trống có giá đỡ cố định hoặc chèn để tránh bị lăn.
- Sắp xếp lô hàng chứa hóa chất (bao bì, kiện hàng): Không được xếp sát trần kho và không cao quá 2 m. Không được để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy ở trong kho. Để cách xa với nguồn nhiệt tối thiểu 0,5 m hoặc phải được cách ly bằng vật liệu không cháy.
- Không được xếp các lô hàng nặng quá tải trọng của nền kho.
- Lối đi chính trong kho rộng tối thiểu 1,5 m.
- Lưu ý: Thường xuyên kiểm tra các lô hàng, thông gió, thoát ẩm, lớp hóa chất cuối cùng không bị đè hỏng.
- Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín và chắc chắn. Bao bì khi dùng hết phải bảo quản riêng. Trường hợp sử dụng lại bao bì phải làm sạch, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hóa chất mới hoặc gây nguy hiểm.
3. Yêu cầu bảo quản hóa chất
- Tồn chứa lượng thấp nhất vừa đủ cho hoạt động của cơ sở.
- Không được bảo quản chung đối với các hóa chất:
+ Các chất có khả năng tạo thành các hỗn hợp nổ. Các loại khí duy trì sự cháy: Oxy, không khí hoá lỏng và nén. Các chất có khả năng tự đốt cháy và tự bắt cháy khi tác dụng với nước và không khí. Các chất cháy và dễ bắt cháy (lỏng, rắn).
+ Các chất có khả năng gây ra cháy: Các chất dễ cháy (Bông, rơm, sợi gai, than bùn, gỗ, dầu mỡ thực vật…). Hóa chất kỵ nước với hóa chất không kỵ nước. Hóa chất hòa tan trong nước với hóa chất không hòa tan trong nước. Hóa chất có thể phản ứng với nhau.
- Hóa chất kỵ nước nên được xếp ở gian kho riêng biệt, đảm bảo kín và cách ly với khu vực xung quanh.
- Trữ lượng bảo quản hóa chất không vượt quá ngưỡng khối lượng tồn chứa tại một thời điểm.
4. Đối với các hệ thống công nghệ, hệ thống điện
- Dụng cụ điện, thiết bị điện là loại an toàn cháy, nổ và có cấp phòng nổ tương ứng với môi trường hơi, khí dễ cháy nổ.
- Không được đặt dây cáp điện trong cùng một đường rãnh ngầm hoặc nổi có ống dẫn hơi khí, chất lỏng dễ cháy, nổ.
- Cầu dao, cầu chì, ổ cắm điện phải đặt ở ngoài khu vực chứa các hóa chất dễ cháy, nổ. Bất kỳ nhánh dây điện nào cũng đều phải có cầu chì hay thiết bị bảo vệ tương đương.
- Hệ thống điện chiếu sáng phải là loại phòng nổ, phải ngăn ngừa sự xâm nhập của hơi khí, bụi dễ cháy, nổ vào thiết bị chiếu sáng.
5. Đối với công tác quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt
- Không sử dụng các thiết bị điện, thiết bị viễn thông, thiết bị đo nồng độ hơi, khí xách tay không phải loại phòng nổ trong khu vực sản xuất, tồn chứa.
- Thiết bị dụng cụ làm việc đều phải làm bằng vật liệu không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập.
- Không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt không an toàn trong khu vực sản xuất, tồn chứa. Trường hợp sử dụng ngọn lửa trần trong dây chuyền công nghệ phải thường xuyên kiểm tra độ kín của ống dẫn xem có rò rỉ ra ngoài không.
- Không dùng ngọn lửa trực tiếp soi sáng để tìm chỗ hở các đường ống dẫn, thiết bị chứa các hóa chất dễ cháy, nổ mà phải dùng nước xà phòng hay các chất khác không có khả năng gây cháy, nổ với các hóa chất trong ống dẫn thiết bị.
6. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các lô hàng, hệ thống thông gió, độ ẩm, nhiệt độ của kho hóa chất.
7. Người đứng đầu cơ sở, cán bộ, công nhân viên làm việc tại các cơ sở hóa chất phải được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và huấn luyện kỹ thuật an toàn về hàng nguy hiểm. Biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.
8. Trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp về chủng loại, số lượng các cơ sở hóa chất, ngoài ra cần phải trang bị phương tiện phòng chống độc phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng lại các trang bị thiết phương tiện PCCC và có kế hoạch cụ thể phân công đủ lực lượng thường trực bảo vệ 24/24.
9. Biện pháp chữa cháy
- Chất chữa cháy: Sử dụng các bình và thiết bị chữa cháy chuyên dụng, CO2, cát, chăn thấm nước, phun nước làm mát thiết bị chứa đựng và các thiết bị liền kề.
- Biện pháp chữa cháy: Thực hiện khẩn cấp các biện pháp ban đầu để dập tắt đám cháy.
- Cắt nguồn điện liên quan tới đám cháy.
- Ưu tiên cứu người bị nạn, tìm cách ngăn chặn, cách ly nguồn rò rỉ, di chuyển các thùng chứa hoặc các trang thiết bị khác liền kề nếu có thể.
- Sử dụng bình chữa cháy, cát, chăn thấm nước để chữa cháy đối với đám cháy nhỏ.
- Không sử dụng nước để chữa cháy, chỉ sử dụng nước để làm mát thiết bị chứa và các thiết bị liền kề.
- Trước khi đưa ra biện pháp chữa cháy phải xác định rõ loại, vị trí, cách sắp xếp, tình trạng, khối lượng hóa chất có tại cơ sở. Tuyệt đối không phun nước khi chưa rõ loại hóa chất trong cơ sở hoặc đối với các loại hóa chất kỵ nước.
10. Khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi 114 cho lực lượng Cảnh sát PCCC hoặc chính quyền, Công an địa phương.
Minh Luân
Thông tin khác
- » Giảm thiểu rủi ro về an toàn lao động (09.05.2022)
- » Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (09.05.2022)
- » Phát động Tháng Hành động an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân 2022 (09.05.2022)
- » Nhận diện nguy cơ và các giải pháp phòng ngừa tại làng nghề chế biến gỗ (07.05.2022)
- » An toàn, vệ sinh lao động ở các mỏ đá: Doanh nghiệp phải chủ động cải thiện (05.05.2022)
- » Xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp tại Việt Nam (04.05.2022)
- » Tăng cường đối thoại nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (03.05.2022)
- » Các nguyên nhân tai nạn khi điều khiển xe cơ giới (29.04.2022)