197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Kỹ thuật lắp đặt giàn giáo an toàn

08-06-2022
Lắp đặt giàn giáo là công đoạn vô cùng quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của người thợ thi công công trình. Vậy chắc hẳn quy trình lắp dựng giàn giáo đúng quy cách, tiêu chuẩn là điều mà nhiều người trong chúng ta quan tâm phải không?
 
Muốn giàn giáo phát huy được hết công năng của mình, người thợ thi công phải đảm bảo lắp dựng giàn giáo theo đúng quy trình. Trên thực tế, nhiều đơn vị lắp dựng giàn giáo muốn hoàn thành nhanh mà lắp ẩu, dẫn đến những hệ lụy khó lường về sau.

 TIÊU CHUẨN KHI LẮP DỰNG GIÀN GIÁO?
Để đảm bảo an toàn trước khi lắp đặt giàn giáo xây dựng, giàn giáo thi công, bạn cần kiểm tra chất lượng giàn giáo và các chứng nhận xét duyệt chính thức bao gồm bản vẽ thiết kế và chú thích - điều quyết định rất nhiều tới sự an toàn sau khi đưa vào vận hành.
 
Trong quá trình lắp đặt giàn giáo, yêu cầu phải có sự chỉ đạo và giám sát của bộ phận kỹ thuật có chuyên môn, mặt bằng khu vực lắp đặt giàn giáo cần đảm bảo ổn định, tránh tình trạng sụt lở nơi thi công. Cột đỡ giàn giáo và giá đỡ phải được đặt thẳng đứng và giằng neo theo đúng thiết kế. Chân cột đỡ phải được kê đệm chống lún, chống trượt, nghiêm cấm dùng gạch, đá hay ván gẫy để kê đệm.
Người lắp đặt giàn giáo phải có kinh nghiệm, kỹ thuật và không sợ độ cao; đồng thời phải được đào tạo bài bản và hướng dẫn chuyên biệt cho mục đích liên quan đến giàn giáo. Hơn nữa, người lắp đặt giàn giáo cần có chứng chỉ tham gia tập huấn về an toàn lao động và trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động cần thiết.
 
QUY TRÌNH LẮP DỰNG GIÀN GIÁO AN TOÀN ?
 
Để đảm bảo an toàn cho công nhân trực tiếp thi công, giàn giáo phải được lắp đặt chính xác từng chi tiết, theo đúng quy trình và tiêu chuẩn:
 
Bước 1: Dựng chân cột đỡ giàn giáo, kê đệm chống lún, chống trượt cho cột đỡ.
 
Bước 2: Lắp cột đỡ vào chân cột theo chiều thẳng đứng và giằng neo đúng bản thiết kế. Không cho phép neo vào các bộ phận kết cấu có tính ổn định kém như lan can, ban công, mái đua...
 
Bước 3: Dựng khung, giằng chéo của giàn giáo đảm bảo độ vững chắc.
 
Bước 4: Lắp đặt sàn thao tác để công nhân có thể di chuyển. Sàn thao tác phải được cố định chặt vào khung giàn giáo để đảm bảo an toàn khi thi công.
 
Một số điều cần lưu ý để lắp dựng giàn giáo an toàn:
 
1. Chiều rộng sàn thao tác và giá đỡ không được nhỏ hơn 1,0m. Sàn thao tác phải được lát bằng ván sao cho bằng phẳng, đầu ván phải khít và ghìm chắc vào sàn. Ván sàn phải bảo đảm độ bền, không mục mọt, nứt gẫy. Khoảng cách giữa sàn và công trình phải chừa một khe hở 10cm. Tốt nhất nên sử dụng sàn coppha hoặc sàn sắt để đảm bảo an toàn khi thi công.
 
2. Đối với giàn giáo lắp dựng cao từ 6m trở lên cần chia thành 2 sàn thao tác, trong đó 1 sàn phía trên dùng để làm việc và 1 sàn phía dưới dùng để bảo vệ. Tránh việc sử dụng cả 2 sàn cùng một lúc mà không có biện pháp bảo vệ an toàn (sàn hoặc lưới bảo vệ).
 
Đối với giàn giáo cao từ 12m trở lên nên lắp dựng 1 khoang riêng dành cho cầu thang lên xuống giữa các sàn. Lưu ý cầu thang phải có độ dốc không vượt quá 60 độ và có thiết kế tay vịn. Nếu giàn giáo không cao quá 12m, bạn có thể thay cầu thang bằng thang tựa hay thang dây với chất lượng tốt.
 
3. Các lối qua lại phía dưới giàn giáo và giá đỡ phải được che chắn bảo vệ phía trên để đề phòng vật liệu, dụng cụ rơi xuống trúng người.
 
4. Tải trọng đặt trên giàn giáo và giá đỡ phải phù hợp với thiết kế. Nghiêm cấm người, vật liệu, thiết bị tập trung vào một chỗ để tránh dẫn tới vượt quá tải trọng cho phép.
 
Tuyệt đối không cho phép các vật nặng đang cẩu chuyển va chạm vào giàn giáo hay giá đỡ đặt mạnh lên mặt sàn thao tác để tránh bị sập giàn giáo. Thường xuyên tổ chức kiểm tra tình trạng an toàn của hệ giàn giáo. 

5. Bộ phận kỹ thuật phải kiểm tra giàn giáo, giá đỡ để đảm bảo đủ bền trước khi cho công nhân lên làm việc hàng ngày. Khi phát hiện thấy hiện tượng hư hỏng của giàn giáo, giá đỡ phải tạm ngừng công việc và thực hiện ngay biện pháp sửa chữa thích hợp mới được tiếp tục cho làm việc trở lại.
 
6. Hết ca làm việc không cho phép vật liệu hay bất cứ dụng cụ nào lưu lại trên giàn giáo.
 
7. Việc tháo dỡ giàn giáo phải làm theo trình tự ngược lại với lắp dựng, tháo từng thanh, tháo gọn từng phần và xếp chúng vào đúng nơi quy định. Nghiêm cấm tháo dỡ giàn giáo bằng cách giật hay xô đổ.
 
Dựng – gỡ giàn giáo bằng thép cách đường dây điện 5m, phải báo xin cắt điện cho đến khi hoàn tất công việc mới đóng điện trở lại. Phải có biện pháp bảo đảm an toàn chống sét ngay khi dựng giàn giáo kể từ độ cao 4m trở lên, ngoại trừ trường hợp giàn giáo ở trong phạm vi bảo vệ chống sét đã có sẵn. 
Quy trình lắp dựng giàn giáo cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn lắp đặt nghiêm ngặt về an toàn. Bởi vậy các nhà thầu nên lựa chọn những đơn vị chuyên nghiệp trong việc lắp dựng giàn giáo để thi công. Có như vậy chất lượng và độ ổn định của giàn giáo mới đảm bảo. Tránh tình trạng nguy hiểm khi có rủi ro xảy ra.

Messenger Zalo