Làm gì để xóa bỏ “văn hóa đổ lỗi” trong xử lý tai nạn lao động
30-09-2022
Những năm qua, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) giảm ở tất cả các chỉ số. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người lao động bị tai nạn trong quá trình làm việc nhưng họ chưa được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định. Đặc biệt, có trường hợp doanh nghiệp không có trách nhiệm đối với TNLĐ dẫn đến những thiệt hại cho người lao động.
Trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với một cán bộ công đoàn, anh cho biết, điều khiến anh phải bận tâm nhất, bên cạnh vấn đề doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội là vấn đề giải quyết TNLĐ. Qua phân tích, chúng tôi đi đến kết luận, những rắc rối đó là do “văn hóa đổ lỗi”.
“Văn hóa đổ lỗi” làm sụt giảm hiệu quả hợp tác và sự sáng tạo, khiến cho việc giải quyết các vấn đề khúc mắc trở nên khó khăn hơn. Để loại trừ “văn hóa đổ lỗi”, cốt lõi của vấn đề là thay vì hỏi “Ai là người mắc lỗi?”, “Người nào đã mắc lỗi gì?” thì hãy hỏi “Đâu là nguyên nhân nảy sinh ra vấn đề này?”.
Những doanh nghiệp không lưu tâm đến việc ngăn chặn “văn hóa đổ lỗi” sẽ có nhiều hậu quả trước mắt và tiềm ẩn những nguy cơ về mặt lâu dài. Đây là một trong những khía cạnh trọng yếu của quy tắc ứng xử và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. “Văn hóa đổ lỗi” khiến cho chúng ta không quan tâm đến các quy định của pháp luật về trách nhiệm của các bên trong giải quyết TNLĐ.
Tình huống giả định mà một số giảng viên thường đưa ra trong các giờ giảng của mình cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh để thảo luận là: “Công trình xây dựng khu công nghiệp Đông Nam do một đơn vị tại Tp. HCM làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công, ông Hùng bị ngã từ giàn giáo xuống và bị gãy chân. Ông Hùng đổ lỗi tai nạn xảy ra là do Công ty gây nên. Bởi vì, để tăng thêm lợi nhuận Công ty cắt giảm những khoản chi tiêu dành cho vấn đề an toàn lao động. Giám sát công trình là ông Hải đã phủ nhận nhận định này, thay vào đó, ông cho hay, ông Hùng đã từng bị kỉ luật ở các công ty trước đây ông ta đã làm việc và ông còn uống rượu trong giờ cơm trưa cách vài tiếng đồng hồ trước khi xảy ra tai nạn”.
Trong tình huống trên, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và chúng ta xử lý như thế nào? Những sinh viên lúng túng trong việc giải quyết tình huống đều là những bạn không có tư duy điều tra tình huống và không phân tích dựa trên luật pháp.
Các nhóm tranh luận sôi nổi nhất nhưng nộp báo cáo cho giảng viên chậm nhất và có điểm số thấp là các nhóm không nghĩ đến quy định của pháp luật mà cứ chăm chăm phân tích mỗi tình huống để phân định ai đúng, ai sai.
Thực tế cũng vậy, rắc rối chỉ xảy ra khi người sử dụng lao động và người lao động không quan tâm một cách sâu sát, thực chất đến Bộ luật Lao động và Luật Vệ sinh, an toàn lao động hiện hành. Đặc biệt, có nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm bởi hai bên chưa thống nhất được phương thức giải quyết và người lao động vẫn chưa được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ và các khoản bồi thường khác theo quy định.
Nguyên nhân chính là do người sử dụng lao động vừa “phớt lờ” luật pháp, vừa đổ lỗi cho người lao động. Vì luật pháp quy định rõ ràng về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị TNLĐ: từ khai báo TNLĐ với cơ quan chức năng đến việc thành lập Đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở, phối hợp với các Đoàn điều tra cấp trên và công bố thông tin (Điều 35, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015). Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng quy định rõ về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, bất luận lỗi TNLĐ hoàn toàn hay một phần do người lao động gây nên thì người sử dụng lao động đều phải thanh toán chi phí sơ cứu, trả lương, trợ cấp cho người lao động theo các mức quy định cụ thể trong điều luật trên.
Trong giải quyết các vấn đề liên quan TNLĐ, bên cạnh việc dựa vào các quy định của luật pháp hiện hành, chúng ta nên vừa xét về khía cạnh nhân văn. Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ 01/01/2021 cũng đặt tính nhân văn lên trên hết đối với người lao động khi nêu rõ ở Điều 4 về Chính sách của Nhà nước về lao động, rằng: Nhà nước luôn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
Khía cạnh nhân văn trở thành một trong những yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề. Đây là điều mà doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần ý thức một cách thường trực. Vì bản thân người lao động là lực lượng mang lại sự phát triển cho doanh nghiệp. Bị tai nạn trong quá trình lao động tức là người lao động bị rủi ro trong khi họ đang cống hiến cho sự phát triển này.
QUỐC THẮNG (Cuộc sống an toàn chuyên trang tạp chí điện tử Lao Động và Công Đoàn)
https://cuocsongantoan.laodongcongdoan.vn/lam-gi-de-xoa-bo-van-hoa-do-loi-trong-xu-ly-tai-nan-lao-dong-80189.html
Thông tin khác
- » Tai nạn lao động trong hầm lò khiến 3 công nhân thương vong tại Quảng Ninh (30.09.2022)
- » AN TOÀN KHI SỬ DỤNG CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN (30.09.2022)
- » 7 MỐI NGUY HIỂM KHI LÀM VIỆC TRÊN CAO MÀ BẠN CẦN BIẾT (29.09.2022)
- » Điện Biện: Đảm bảo môi trường lao động thân thiện an toàn (28.09.2022)
- » Tai nạn lao động tường biệt thự đè trúng người (27.09.2022)
- » Tai nạn lao động tường đổ đè lên người, thợ xây nguy kịch (27.09.2022)
- » Tai nạn ở mỏ đá khiến một công nhân tử vong (26.09.2022)
- » Dành 1% phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho hoạt động PCCC (26.09.2022)