197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Một số quy định quan trọng về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

14-11-2022
Theo quy định Luật an toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành thì mọi doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động đều phải thực hiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
 
I. Mục đích của huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. Thực hiện tốt việc an toàn lao động sẽ bảo đảm an toàn thân thể của người lao động, giảm thiểu tối đa các trường hợp tai nạn lao động;
2. Bên cạnh đó, thực hiện an toàn lao động giúp người lao động khỏe mạnh, không bị mắc bệnh do tác động nghề nghiệp;
3. Bồi dưỡng hồi phục kịp thời và duy trì sức khỏe, khả năng lao động;
4. Doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, giảm thiếu chi phí do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra cho người lao động.
 
II. Các lĩnh vực chủ yếu huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
1. An toàn lao động trên cao;
2. An toàn trong xây dựng;
3. An toàn khi phá dỡ kết cấu công trình;
4. An toàn trong hàn cắt kim loại;
5. An toàn trong cơ khí;
6. An toàn trong kinh doanh Xăng Dầu, LPG;
7. An toàn cho nhân viên bán hàng;
8. An toàn trong vận hành máy;
9. An toàn trong bệnh viện, tòa nhà;
10. An toàn trong sản xuất;
11. An toàn điện;
12. An toàn trong vệ sinh công nghiệp;
13. An toàn trong lĩnh vực nhà hàng;
14. An toàn trong lĩnh vực may mặc, giấy da;
15. An toàn trong lĩnh vực viễn thông.
 
III. Đối tượng và nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Phân loại đối tượng công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được phân chia thành 6 nhóm và phải được thực hiện theo chu kỳ thời gian từ một năm đến hai năm một lần (1 đến 2 năm/1 lần).
 
Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, bao gồm hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động chung và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng nhóm để thực hiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
 
1. Nhóm 1
1.1. Đối tượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
 - Người quản lý phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động;
 + Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cấp phó các chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp; người phụ trách công tác hành chính, nhân sự, quản đốc phân xưởng hoặc tương đương;
+ Cấp phó chủ nhiệm, chủ nhiệm hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh cá thể, chủ hộ gia đình có sử dụng lao động theo hợp đồng;
+ Thủ trưởng và cấp phó: Trường hợp trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội  hoặc các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
 
1.2. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
-  Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
-  Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
+  Tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở;
+  Phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;
+ Kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động;
+ Văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh;
+ Thời gian huấn luyện: 16 giờ tương đương 2 ngày;
+ Giấy chứng chỉ an toàn lao động sau khi hoàn thành khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động  có thời hạn 2 năm, và phải huấn luyện định kỳ ít nhất 2 năm 1 lần.   
 
2. Nhóm 2
2.1. Đối tượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
- Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động : Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn vệ sinh lao động, hoặc là người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động, gồm trưởng Ban an toàn lao động, cán bộ an toàn, cán bộ kỹ thuật….
- Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc thành lập bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.
+ Đối với cơ sở sản xuất, sinh doanh sử dụng dưới 50 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế đội bán chuyên trách;
+ Cơ sở sản xuất kinh doanh từ 50 đến 300 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế đội bán chuyên trách;
+ Cơ sở sản xuất kinh doanh từ 300 đến 1000 người lao động phải bố trí ít nhất 02 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế đội bán chuyên trách;
+ Cơ sở sản xuất kinh doanh từ trên 1000 người phải thành lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 03 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.
 
 
2.2. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
+ Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
+ Nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động;
+ Nội dung huấn luyện chuyên ngành: Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư, chất phát sinh yếu tố nguy hiểm, có hại; quy trình làm việc an toàn với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
+ Thời gian huấn luyện: 48 giờ tương đương 6 ngày;
+ Giấy chứng chỉ an toàn lao động sau khi hoàn thành khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động có thời hạn 2 năm, và phải huấn luyện định kỳ ít nhất 2 năm 1 lần.
 
3. Nhóm 3
3.1. Đối tượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
Bao gồm người làm công việc thuộc danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành:
- Sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại;
- Các công việc trực tiếp thi công xây dựng công trình;
- Chế tạo, lắp ráp thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
- Vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về về an toàn, vệ sinh lao động;
- Các công việc làm việc trên công hoặc nơi cheo leo nguy hiểm;
- Bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về về an toàn, vệ sinh lao động;
- Các công việc làm về hàn cắt kim loại;
- Tháo dỡ, kiểm tra thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về về an toàn, vệ sinh lao động;
- Kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị cóa yêu cầu nghiêm ngặt về về an toàn, vệ sinh lao động;
- Các công việc làm vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại;
- Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động máy, thiết bị thi công xây dựng;
- Chế tạo, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra máy, thiết bị trong hang hầm, hầm tàu, phương tiện thủy;
- Lắp ráp, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh các loại máy mài, cưa, máy phay, máy bào, máy tiện,…và máy in công nghiệp;
- Các công việc trên sông, trên biển, lặn dưới nước;
- Các công việc trong không gian hạn chế (hầm, đường hầm, bể, giếng, đường cống, công trình ngầm, công trình xử lý nước thải,…);
- Các công việc làm về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện và hệ thống điện. 
 
3.2. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
- Huấn luyện lần đầu: 24 giờ;
- Huấn luyện định kỳ: 12 giờ;
- Huấn luyện định kỳ: 2 năm 1 lần;
- Nội dung huấn luyện, gồm 3 giai đoạn:
+ Lý thuyết;
+ Thực hành (tại các xưởng sản xuất , hay công trường xây dung );
+ Kiểm tra cuối khóa học;
- Thẻ an toàn lao động có thời hạn 2 năm và phải huấn luyện định kỳ ít nhất 2 năm 1 lần.
 
4. Nhóm 4
4.1. Đối tượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Người lao động không thuộc các nhóm theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động: kế toán, lễ tân, nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh không trong 17 danh mục yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động.          
4.2. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
- Đối tượng là người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp, đơn vị làm các công việc không có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động như: Nhân viên văn phòng, kế toán, văn thư, nhân viên bán hàng, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử  việc để làm việc cho người sử dụng lao động. Tuy những đối tượng này không làm trực tiếp tới các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn lao động vẫn cần phải huấn luyện an toàn lao động, mà việc huấn luyện này còn được lặplại 1 năm một lần, vì các lý do sau:
+ Ngoài việc hạn chế rủi ro tai nạn nghề nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Công tác huấn luyện an toàn lao động nhằm mục đích giúp người lao động hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của chính mình và của người sử dụng lao động, các chính sách chế độ về an toàn lao động trong doanh nghiệp của mình;
+ Tuy không trực tiếp làm việc có nguy hại, nhưng người lao động vẫn cần được hướng dẫn nội quy an toàn, vệ sinh lao động, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động và sử dụng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân cũng như nhận diện được các yếu tố nguy hiểm, có hại, nội quy, biển báo, biển chỉ dẫn tại nơi làm việc;
+ Giúp cho người lao động có kỹ năng xử lý các sự cố phát sinh trong công việc, hoặc thoát hiểm trong các trường hợp khẩn cấp;
+ Bồi dưỡng kiến thức về văn hóa an toàn lao động trong công việc, phương phápcải thiện điều kiện lao động, kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản;
- Huấn luyện lần đầu: Thời gian huấn luyện là 16 giờ theo chương trình khung.
- Huấn luyện đình kỳ hằng năm: Mặc dù là đối tượng lao động không có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Tuy nhiên, vấn phải huấn luyện định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật kiến thức mới, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện định kỳ bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
- Kết quả kiểm tra và chứng nhận: Sau khi huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, nếu kiểm tra đạt yêu cầu thì sẽ được cấp quyết định công nhận kết quả theo quy định.
 
 5. Nhóm 5
5.1. Đối tượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
 Người làm công tác y tế (hoặc bộ phận y tế) có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe và quản lý sức khỏe của người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Điều 73 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
 
5.2. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Các nội dung chính: Xây dựng phương án, phương tiện sơ cấp cứu, thuốc thiết yếu và cấp cứu khi có tai nạn, tổ chức sơ cứu và hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại cơ sở. Xây dựng kế hoạch; cấp cứu người bị nạn khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.
 
6. Nhóm 6
6.1. Đối tượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Người làm công tác an toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động
 
6.2. Nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Các nội dung chính: Xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với người lao động mới đến làm việc; biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những trường hợp mất an toàn, vệ sinh máy, thiết bị, vật tư… và nơi làm việc; các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, nếu thấy có nguy cơ trực tiếp gây sự cố, tai nạn lao động.

Messenger Zalo