Năm 2021: Số trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện chỉ bằng 0,1% tổng số khám
13-04-2022
Năm 2021, tổng số trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là 205.755 (giảm khoảng 40% so với năm 2020). Trong đó, 255 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp (chiếm khoảng 0,1% tổng số khám) được phát hiện (giảm 0,9% với cùng kỳ năm 2020). Cả nước có 2.846 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện quan trắc môi trường lao động. Tổng số mẫu được quan trắc là 500.674 mẫu (giảm 45% so với năm 2020).
“Tỉ lệ người lao động được khám bệnh nghề nghiệp vốn đã thấp, năm 2021 lại càng thấp hơn. Nguyên do là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp từ cấp Trung ương đến địa phương gặp nhiều khó khăn. Ngành Y tế phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Các cơ quan, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Việc triển khai các nội dung về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động không thực hiện được. Nhiều hoạt động đào tạo, truyền thông, kiểm tra, giám sát không thể tổ chức được theo kế hoạch" - PGS. TS Lương Mai Anh, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết.
Năm 2021, chỉ có 26 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp, chiếm 10,2% tổng số trường hợp chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp. Có 19 trường hợp bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp 1 lần và 1 trường hợp được nhận trợ cấp thường xuyên. Đây là con số vô cùng ít ỏi so với tổng số lao động làm việc, tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, có hại ở nước ta. Đơn cử, năm 2021 có 13.977 người lao động được khám bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Trong đó, 62 người được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp nhưng không có người được giám định, không có người được hưởng trợ cấp 1 lần và không có người được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp của Công đoàn Việt Nam. Ảnh: TTCC (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
Theo ước tính, trong tổng số khoảng 10 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội, có khoảng 1-1,5 triệu người làm việc trong môi trường có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có hơn 200.000 người được khám bệnh nghề nghiệp. Các ngành nghề có tỉ lệ mắc bệnh nghề nghiệp cao là khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí... có số lượng người lao động được khám bệnh nghề nghiệp thấp.
Trong khi đó, nhiều tỉnh chưa thành lập được phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp hoặc đã thành lập nhưng thiếu nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.... Nhiều tỉnh chưa chủ động tổ chức kiểm tra các tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; chưa quản lý, cập nhật thông tin cho mạng lưới người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở lao động.
"Tỉ lệ người lao động được khám bệnh nghề nghiệp thấp còn do người sử dụng lao động chưa hiểu hết các quy định pháp luật hoặc không quan tâm, không giới thiệu đi giám định, không cung cấp đủ các loại hồ sơ theo quy định. Chi phí khám, giám định, điều trị tốn kém nên chủ cơ sở (nhất là đối với các cơ sở sử dụng nhiều lao động làm nghề, công việc độc hại) không chú trọng vấn đề này. Kết quả khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ở nhiều nơi chưa có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ cho việc xác định yếu tố nguy hại và nguy cơ trong môi trường lao động để có biện pháp dự phòng cụ thể, giúp bảo vệ nâng cao sức khỏe cho người lao động, đem lại lợi ích cho cơ sở lao động nên chưa thực sự khuyến khích được người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định. Nhận thức về bệnh nghề nghiệp và các quy định có liên quan của người lao động còn hạn chế, sợ bị cơ quan cho nghỉ việc, không biết và không dám đòi hỏi các chế độ liên quan bệnh nghề nghiệp" - PGS. TS Lương Mai Anh nêu thực tế.
Khám sức khỏe cho người lao động. Ảnh: TTSKNN (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
Trong khi đó, việc làm thủ tục và hoàn tất hồ sơ gửi giám định hiện phụ thuộc vào việc tuân thủ quy định của người sử dụng lao động.
Để đảm bảo quyền lợi người lao động, góp phần vào đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, PGS.TS Lương Mai Anh cho rằng, cần tuyên truyền rộng rãi cho người lao động về yếu tố tác hại và nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, các quyền lợi và thủ tục khi khám bệnh nghề nghiệp, giám định bệnh nghề nghiệp và bồi thường khi bị bệnh nghề nghiệp. Phát huy vai trò của các cấp Công đoàn trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động về việc tuân thủ các quy định về công tác ATVSLĐ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với khám, giám định bệnh nghề nghiệp…
Nguồn: https://laodongcongdoan.vn/nam-2021-so-truong-hop-mac-benh-nghe-nghiep-duoc-phat-hien-chi-bang-01-tong-so-kham-75448.html
Thông tin khác
- » Trung úy cảnh sát Đồng Nai cứu nhiều người đuối nước được thăng cấp đại úy (13.04.2022)
- » Sổ tay dành cho người bốc xếp và vận chuyển hàng hóa. (12.04.2022)
- » Xây dựng môi trường làm việc an toàn (06.04.2022)
- » TP.HCM chú trọng công tác ATVSLĐ cho công nhân vệ sinh môi trường (04.04.2022)
- » TP.HCM đảm bảo an toàn lao động tại các khu công nghiệp (04.04.2022)
- » Phòng chống dịch bệnh covid-19 tại nơi làm việc (01.04.2022)
- » Hà Nội: Tổ chức Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (30.03.2022)
- » Ngành điện cần chủ động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (28.03.2022)