197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Nâng cao vai trò của công đoàn trong công tác phòng, chống cháy nổ

01-02-2023
An toàn cháy nổ là điều tối quan trọng đối với mọi người, là yêu cầu bắt buộc mà bất cứ cơ sở sản xuất kinh doanh nào cũng cần phải đặt ra và thực hiện, nhất là trong dịp lễ, Tết. Khi NLĐ, cán bộ an toàn có tâm lý lơ là, nóng vội cho kỳ nghỉ kéo dài, doanh nghiệp chỉ chú trọng chạy tiến độ đơn hàng thì nguy cơ cháy nổ trong dịp Tết sẽ tăng cao. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao nhận thức về công tác này và tăng cường các giải pháp phòng ngừa.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người với 183 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 21,85%). Ước tính thiệt hại về tài sản sơ bộ thành tiền khoảng 414,73 tỷ đồng và 40,87 ha rừng.
 

Bên cạnh đó, cả nước còn xảy ra 08 vụ nổ, làm 08 người chết và 10 người bị thương. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa cháy nổ. Cán bộ công đoàn cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong đảm bảo an toàn cháy nổ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
 

Một số biện pháp phòng ngừa cháy nổ
Cháy nổ diễn ra như thế nào?
Cháy là một phản ứng hóa học đòi hỏi phải có ba yếu tố là nguồn nhiệt hoặc nguồn đánh lửa, nhiên liệu và oxy để phản ứng diễn ra và tiếp tục. Ba yếu tố này thường được gọi là “tam giác lửa”. Trong đó, các nguồn đánh lửa có thể bao gồm bất kỳ vật liệu, thiết bị hoặc hoạt động nào phát ra tia lửa hoặc ngọn lửa như thiết bị, dụng cụ hoặc các bộ phận tỏa nhiệt (ấm đun nước, bộ chuyển đổi xúc tác và bộ giảm thanh,…), ngọn đuốc, tĩnh điện và hoạt động mài,… Nguồn nhiên liệu bao gồm các vật liệu dễ cháy (gỗ, giấy, rác và quần áo,…); chất lỏng dễ cháy (xăng hoặc dung môi); khí dễ cháy (chẳng hạn như khí propan hoặc khí tự nhiên).
 
Oxy trong “tam giác lửa” đến từ không khí trong bầu khí quyển. Ở trạng thái bình thường, không khí chứa khoảng 79% nitơ và 21% oxy. Tùy thuộc vào loại nhiên liệu có liên quan, đám cháy có thể xảy ra với lượng oxy hiện tại thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để hỗ trợ quá trình hô hấp của con người. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải đối diện với làng loạt mối nguy có thể dẫn đến hỏa hoạn như bụi dễ cháy, các nguyên vật liệu và sản phẩm là chất dễ cháy, máy, thiết bị bị lỗi, các mối nguy hiểm về điện.
 
 
Chính vì thế, các hoạt động phòng cháy, chữa cháy trong các doanh nghiệp đòi hỏi phải tách biệt ba yếu tố của tam giác lửa. Nếu một yếu tố của tam giác lửa không có mặt hoặc bị loại bỏ, lửa sẽ không bắt đầu hoặc nếu đã cháy thì sẽ tắt. Nói cách khác, chìa khóa để ngăn ngừa hỏa hoạn là giữ cho các nguồn nhiệt và tia lửa cách xa các vật liệu, thiết bị và cấu trúc có thể đóng vai trò là nhiên liệu để hoàn thành tam giác lửa.
 
Các biện pháp doanh nghiệp cần áp dụng để phòng ngừa
Phải niêm yết và thực thi nội quy phòng cháy, chữa cháy, biển cấm lửa, biển báo cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy cơ về cháy nổ, nhất là thời điểm trước kỳ nghỉ lễ, Tết, như xung quanh các chất lỏng và khí dễ cháy. Đây là một trong những biện pháp đơn giản, hiệu quả để đạt được mục tiêu phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có các biện pháp, các giải pháp kỹ thuật để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Ví dụ, cần theo dõi và phòng, chống cháy nổ đối với tất cả các công việc liên quan đến vật liệu sử dụng đèn khò trong vòng tối thiểu hai giờ sau khi ngọn lửa cuối cùng được tắt.
 
Đối với các chất lỏng dễ cháy và dễ bắt lửa, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần lưu trữ và xử lý đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa hỏa hoạn xảy ra. Chỉ sử dụng những thùng chứa an toàn theo các quy định đã được phê duyệt để chứa chất lỏng dễ cháy hoặc dễ bắt lửa. Trong đó, thùng đựng an toàn là thùng đựng có nắp tự đóng, giảm áp suất bên trong và có thiết bị chống cháy với dung tích không quá 05 gallon. Không sử dụng các thùng chứa không đảm bảo an toàn như các thùng hay can nhựa rẻ tiền không có các tính năng phòng, chống cháy nổ để đựng các chất lỏng dễ cháy hoặc dễ bắt cháy. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng tủ an toàn để lưu trữ chất lỏng dễ cháy và dễ bắt lửa cháy bên trong các tòa nhà, kho xưởng một cách an toàn. Tuy nhiên, mỗi tủ chỉ cất giữ một lượng vừa đủ và phải dán niêm yết “Dễ cháy”.
 
Cần kiểm tra và bảo trì máy thiết bị định kỳ, thường xuyên, đặc biệt là trước và sau kỳ nghỉ lễ, Tết. Các động cơ của máy, thiết bị hoặc bất kỳ bộ phận chuyển động nào cũng cần được bảo trì, sửa chữa, thay thế và được bôi trơn để đảm bảo không có ma sát có thể dẫn đến phát tia lửa gây hỏa hoạn. Các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo vệ sinh nhà xưởng thật tốt để ngăn ngừa cháy nổ có thể xảy ra.
 
 

Khi xây dựng nhà xưởng, các doanh nghiệp nên áp dụng những quy tắc xây dựng đảm bảo các quy định về an toàn cháy nổ. Các nhà xưởng cần thiết kế để ngăn cách và bao vây các khu vực nhằm hạn chế sự lan rộng khi xuất hiện đám cháy, đồng thời sử dụng các vật liệu xây dựng chống cháy. Cùng với đó, để giảm tác hại và ngăn ngừa đám cháy lan rộng, người sử dụng lao động cần trang bị các thiết bị báo cháy, thiết lập hệ thống báo động để cảnh báo cho người lao động tại nơi làm việc; giúp cơ quan phòng cháy, chữa cháy tại địa phương trong trường hợp khẩn cấp xác định vị trí của đám cháy.
 
Hiện nay, bên cạnh các thiết bị báo cháy được kích hoạt bởi con người, có rất nhiều thiết bị tự động có thể phát hiện đám cháy, như thiết bị nhạy cảm với nhiệt, máy dò nhiệt, máy dò khói,… Các doanh nghiệp cũng cần trang bị hệ thống phun nước tự động để phun nước vào khu vực bị ảnh hưởng nếu phát hiện đám cháy. Tại các văn phòng, nhà xưởng, kho bãi và lối ra vào của người lao động phải có số điện thoại của đơn vị phòng cháy, chữa cháy, biển báo thoát hiểm và các hướng dẫn xử lý khi có cháy.
 
Doanh nghiệp cần huấn luyện cho tất cả nhân viên của mình về an toàn phòng cháy, chữa cháy, như hiểu và biết cách xác định nguyên nhân cháy nổ, cách các đám cháy nổ lây lan, cách xử lý khi phát hiện các mối nguy hiểm, cách xử lý và lưu trữ các vật liệu dễ cháy, cách xác định khi nào đám cháy có thể tự xử lý được hoặc đám cháy quá lớn để tự xử lý, nên sử dụng loại bình chữa cháy nào, cách sử dụng bình chữa cháy,…
 
Vai trò của công đoàn trong phòng ngừa cháy nổ
Hỏa hoạn trong các cơ sở sản xuất kinh doanh là một vấn đề nghiêm trọng và rất phổ biến nhất là trước và sau kỳ nghỉ lễ, Tết nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Các hoạt động phòng ngừa chính là chìa khóa để phòng, chống cháy nổ từ đó tránh được thương tích, tử vong và thiệt hại về tài sản. Trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, để thực hiện được tốt các biện pháp phòng ngừa cháy nổ, không thể thiếu được vai trò quan trọng của cán bộ công đoàn.
Nâng cao vai trò của công đoàn trong công tác phòng, chống cháy nổ

Nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động
Để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động về công tác phòng, chống cháy nổ, công đoàn cần sử dụng phương pháp tuyên truyền, vận động. Hiện nhiều chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà ít quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Chính vì thế, người sử dụng lao động phải được tuyên truyền để hiểu sự cần thiết của việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, trong đó có các biện pháp về phòng, chống cháy nổ; thấy được trách nhiệm của họ trong việc thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; trách nhiệm, hậu quả họ phải đối mặt khi cháy nổ xảy ra. Chỉ khi nào hiểu đúng, nhận thức được hết sự nguy hiểm của cháy nổ và tầm quan trọng của hoạt động phòng ngừa thì chủ các doanh nghiệp mới chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện biện pháp phòng, chống cháy nổ trong doanh nghiệp của mình.
 
Tuyên truyền đến người lao động
Việc tuyên truyền, vận động nếu chỉ dừng lại ở đối tượng chủ sử dụng lao động thì mới hiệu quả một nửa. Do đó, cán bộ công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động nâng cao nhận thức và thúc đẩy họ tuân thủ chấp hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy nổ trong suốt quá trình lao động, sản xuất. Khi người lao động hiểu điều đó bảo vệ chính tính mạng, sức khỏe của mình, họ sẽ chú trọng hơn về công tác này.
 
Thực hiện các giải pháp phòng, chống cháy nổ tại nơi làm việc
Để làm được việc này, cán bộ công đoàn cần vận động, yêu cầu, đề xuất người sử dụng lao động triển khai lắp đặt, kiểm tra và bảo trì các thiết bị liên quan đến an toàn cháy nổ. Cấp có thẩm quyền khích lệ, ghi nhận chủ doanh nghiệp tăng cường đầu tư các trang thiết bị, điều kiện nhân lực, vật lực để đảm bảo an toàn cháy nổ. Điều này vừa thể hiện vai trò của cán bộ công đoàn trong việc bảo vệ quyền được an toàn của người lao động, đồng thời góp phần tạo môi trường làm việc an toàn, tạo động lực làm việc cho người lao động.
 

Xây dựng và kiện toàn đội ngũ an toàn vệ sinh viên
Đó vừa là nhiệm vụ được quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động, vừa thiết thực bảo vệ người lao động và bảo vệ sản xuất. Cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động cần chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các mối nguy có thể gây ra cháy nổ tại doanh nghiệp. Điều này cần được thực hiện hàng ngày, nhất là dịp nghỉ kéo dài như Tết Nguyên đán.
 
 
Phối hợp xây dựng, ban hành các quy định
Cùng với chủ sử dụng lao động xây dựng, ban hành và giám sát việc thực hiện các quy định, nội quy an toàn phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy; định kỳ hàng năm tổ chức các buổi tập huấn, huấn luyện về phòng chống cháy, nổ cho người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
 
Theo TS. VŨ VĂN THÚ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG ĐOÀN (www.laodongcongdoan.vn)

Messenger Zalo