197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Nắng nóng ảnh hưởng sức khỏe của công nhân: Cần làm tốt công tác dự phòng

04-08-2022
Người lao động tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc làm việc trong môi trường nóng có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe (nguy cơ bị stress nhiệt, say nóng, kiệt sức vì nóng, chuột rút do nóng, phát ban do nhiệt…). Nắng nóng cũng có thể làm tăng nguy cơ bị tai nạn trong quá trình lao động do có thể lòng bàn tay đổ mồ hôi nhiều hơn, kính bảo hộ bị mờ, chóng mặt… Bởi vậy, dự phòng ảnh hưởng của nắng nóng tới sức khỏe của công nhân trong khu công nghiệp là việc làm rất cần thiết, đặc biệt trong mùa hè.
 
Các công việc dễ bị ảnh hưởng
Công nhân làm các công việc ngoài trời: Người tỉa cây, cắt cỏ, người vệ sinh mặt đường bên ngoài, xung quanh các phân xưởng; người quản lý, kiểm tra hệ thống nước thải, rác thải…
Công nhân làm các công việc trong nhà xưởng: Như công nhân lò hơi, công nhân làm việc ở xưởng đúc; công nhân làm việc sản xuất thủy tinh, công nhân làm việc sản xuất gốm, sứ, gạch, ngói…
 
Một số dấu hiệu, biểu hiện thường gặp
Các triệu chứng và dấu hiệu
Mệt mỏi do nóng: là một tập hợp các phản ứng, hành vi do ảnh hưởng của nhiệt độ cao cấp tính hoặc mạn tính: Giảm năng suất, hiệu suất trong công việc, mệt mỏi, giảm sự tỉnh táo.
Phát ban nhiệt: Sẩn đỏ, ngứa, có thể có cảm giác kim châm đến phồng rộp ở da.
Chuột rút nhiệt: Đau quặn cơ (thường ở chân); suy nhược, buồn nôn, nôn; chuột rút do nóng có thể xảy ra sau khi làm việc nặng nhọc và mất nước, điện giải do đổ mồ hôi nhiều.
Ngất do nhiệt: Xanh xao, thị lực nhìn mờ, chóng mặt, buồn nôn, mất ý thức thoáng qua.
Kiệt sức vì nhiệt: Có thể kết hợp với các biểu hiện của hệ thần kinh trung ương nhẹ hoặc không đặc hiệu khác (đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, co thắt ruột, suy nhược…); nhiệt độ lõi (nhiệt độ trực tràng) thường trong khoảng 37,7ºC đến 40ºC. Nhiệt kiệt sức, nếu không được điều trị, có khả năng nguy hiểm đến tính mạng.
Đột quỵ nhiệt, shock nhiệt: Nhiệt độ lõi thường trên 40ºC; da khô và nóng; những thay đổi của hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt, buồn ngủ, nhầm lẫn, cáu kỉnh, hung hăng, thờ ơ, mất phương hướng, mất chức năng bàng quang và ruột, co giật và thậm chí hôn mê; suy giảm tim mạch; suy đa cơ quan.
(Lưu ý: Đột quỵ nhiệt phải được nghi ngờ nếu một công nhân gục ngã tại nơi làm việc mà không có dấu hiệu chấn thương).
 
Yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp: Có tiền sử hoặc đang làm việc tại vị trí trong môi trường lao động nóng; đặc biệt là ở công nhân mới vào nghề hoặc công nhân mới thay đổi vị trí công việc, công nhân lớn tuổi, công nhân mắc các bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, tăng huyết áp…).
Phân biệt: Loại trừ các nguyên nhân không phải nghề nghiệp có các triệu chứng tương tự như các nguyên nhân khác của bất tỉnh hoặc ngất: Đột quỵ; hạ đường huyết; các nguyên nhân khác làm tăng nhiệt độ cơ thể, như sốt do nhiễm trùng…
 
Các phân xưởng cần sử dụng thêm những biện pháp giảm nhiệt cho người lao động như tăng cường quạt, cung cấp hệ thống khí mát đến từng vị trí làm việc… Trong ảnh: Công nhân may Công ty TNHH LT Garments (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: VÂN ANH.
 
Dự phòng ảnh hưởng của nắng nóng tới sức khỏe
Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do nhiệt gây ra là đột quỵ do nhiệt, shock nhiệt, có thể đe dọa nghiêm trọng tính mạng con người. Khoảng 20% những người bị đột quỵ do nhiệt, shock nhiệt phải chịu những thương tổn lâu dài trên các cơ quan quan trọng như tim, gan, thận và hệ thần kinh giao cảm…Do vậy, việc dự phòng ảnh hưởng của nắng nóng tới sức khỏe của công nhân; phát hiện sớm, sơ cấp cứu, điều trị đột quỵ do nhiệt, shock nhiệt ngay từ khi phát hiện là rất quan trọng.
 
Thiết kế vị trí lao động giảm nóng tối đa
Đảm bảo người lao động không bị nóng quá mức trong mùa nóng: Các phân xưởng cần được đảm bảo nhiệt độ môi trường lao động theo quy định; sử dụng thêm các biện pháp giảm nhiệt cho người lao động như tăng cường quạt, cung cấp hệ thống khí mát đến từng vị trí người lao động, sử dụng hệ thống điều hòa (nếu có thể)…
Giảm gánh nặng lao động thể lực: Hỗ trợ các máy móc, thiết bị hỗ trợ (dòng dọc, xe vận chuyển các vật nặng…) làm giảm bớt các công việc nặng nhọc cho người lao động.
 
Chế độ lao động phù hợp
Thời gian lao động: Hợp lý, theo quy định; có thể thay đổi thời gian cho phù hợp hơn với các công việc người lao động phải làm việc ngoài trời (cắt cỏ, tỉa cây, vệ sinh đường…vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn). Tăng cường thời gian nghỉ ngắn giữa ca…
Luân phiên công việc: Xen kẽ các công việc giữa những người lao động làm ở vị trí nóng và vị trí không nóng (nếu có thể) để giảm thời gian người lao động phải tiếp xúc với nhiệt độ cao khi làm việc.
 
Đào tạo cho người lao động
Tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, đào tạo, phổ biến rộng rãi về dấu hiệu, triệu chứng, nguy cơ của stress nhiệt nghề nghiệp; cách sơ cấp cứu khi gặp đồng nghiệp bị ngất, shock nhiệt cho người lao động. Một số nguyên tắc chính: Đưa người lao động ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm; làm mát ngay tức thì; gọi người hỗ trợ; hỗ trợ sơ cấp cứu đường thở, hô hấp khi cần; ngay lập tức hạ thân nhiệt bệnh nhân bằng mọi cách có thể nhưng không gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế, có thể vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt.
Mỗi cá nhân tự rèn luyện để thích nghi với nắng nóng. Uống đủ nước có chất điện giải trong mùa nắng nóng. Sử dụng trang thiết bị cá nhân phù hợp: Ví dụ, vị trí lò nấu nhôm cần có yếm chống nhiệt, găng tay chống nhiệt…
 
Quản lý môi trường lao động
Quan trắc môi trường lao động hằng năm, theo quy định. Cải thiện điều kiện lao động, giảm nóng tại các vị trí làm việc cho người lao động.
 
Quản lý sức khỏe người lao động
Khám sức khỏe đầu vào; khám sức khỏe bố trí việc làm; khám sức khỏe định kỳ; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; khám bệnh nghề nghiệp.
 
Tài liệu tham khảo:
1. ASEAN Diagnostic Criteria for Occupational Diseases 2019.
2. Bộ Y tế, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường. Thường quy Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường. Nxb Y học, Hà Nội, 2015.
3. QCVN 26:2016/BYT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi khí hậu - giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc.
4. TCVN 8497:2010 - Ecgônômi môi trường nhiệt. Thuật ngữ và ký hiệu.
5. TCVN 7321:2009 - Ecgônômi môi trường nhiệt. Xác định bằng phương pháp phân tích và giải thích stress nhiệt thông qua tính toán căng thẳng nhiệt dự đoán.
6. TCVN 7489:2005 - Ecgônômi. Ecgônômi môi trường nhiệt. Đánh giá ảnh hưởng của môi trường nhiệt bằng thang đánh giá chủ quan.
7. Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Tài liệu tập huấn lớp “Ứng dụng một số kỹ thuật tâm sinh lý lao động và ecgônômi trong đánh giá điều kiện lao động”, Hà Nội, 2007.
Tác giả: TS. BS. NGUYỄN THU HÀ - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế
Nguồn: Tạp chí điện tử lao động và công đoàn 

Messenger Zalo