197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Ngã từ giàn giáo nữ công nhân đau đớn nhìn con chạy tiền lo cho mẹ

16-01-2021
Từ một “trụ cột” lo kiếm tiền trang trải cuộc sống cả gia đình, bà Trần Thị Hà (51 tuổi, công nhân phụ hồ ở Hà Tĩnh) bị ngã giàn giáo và rất đau đớn với những vết thương ngày càng trở nặng.
 
Bà Trần Thị Hà (trú tại Thống Nhất, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) hiện nằm điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu thần kinh 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
 
Theo chị Ngọc Huyền - cán bộ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng do ngã từ trên cao xuống. Bệnh nhân đang phải dùng nhiều loại thuốc kháng sinh ngoài danh mục bảo hiểm, chi phí rất tốn kém. Trong khi đó, gia đình bệnh nhân lại thuộc diện hộ nghèo”.
 
Nằm trong bệnh viện, bà Trần Thị Hà được con trai đầu lòng là Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1996) ngày đêm túc trực, chăm sóc. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Lý còn phải ở nhà lo cho con trai út 6 tuổi và người mẹ già đã 99 tuổi.
 
Bà Trần Thị Hà bị chấn thương nặng sau khi bị ngã giàn giáo - Ảnh: BVVĐ
 
“Gia đình em chủ yếu làm nghề nông và phụ hồ. Mẹ em tuổi đã lớn nhưng vẫn phải làm thuê tại các công trình xây dựng để lấy tiền lo cho gia đình. Bởi vì làm nông nghiệp quanh năm không đủ trang trải cuộc sống. Mẹ muốn làm phụ hồ vì được nhận công tới 300.000 đồng/ngày. Còn em cũng bươn chải vào làm ăn xa. Mẹ con em mỗi người một nơi, cả năm chỉ gặp nhau vào dịp Tết” - Nguyễn Xuân Cường nghẹn ngào nói.
 
Cường kể, tốt nghiệp lớp 12, em đi học nghề điện tử, điện lạnh, rồi cả nghề lái xe để tìm việc làm. Cường xin bố mẹ vào làm công nhân tại một doanh nghiệp thuộc Khu chế xuất Linh Trung II (TP Hồ Chí Minh).
 
Tuy không cử động và nói được, nhưng bà Hà vẫn rất tỉnh táo và nhận thức được sự khó khăn của gia đình mình. Ảnh: BVVĐ
 
Rồi bất ngờ, đầu tháng 11/2020, Cường nghe tin mẹ bị ngã giàn giáo, chấn thương nặng có thể bị liệt suốt đời.
Cường kể: “Em vội vã bắt xe chuyến xe đêm về ngay với mẹ. Trên chuyến xe hàng nghìn cây số, em không ghìm nổi nước mắt. Em thương mẹ chưa phút nào được thảnh thơi vì lo cho gia đình. Em nhiều lần khuyên mẹ lớn tuổi nên ở nhà, không làm công việc vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm như vậy nữa nhưng mẹ cứ nói cố nốt công trình này...".
 
Từ ngày bị ngã giàn giáo đến nay, bà Trần Thị Hà đã trải qua 48 ngày điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
 
Giây phút hai mẹ con trò chuyện với nhau - Ảnh; BVVĐ
 
 
Thông tin về tình hình sức khỏe bà Trần Thị Hà, BS. Phạm Đức Hiếu - khoa Nội hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Bệnh nhân bị vỡ đốt sống T5, thân đốt sống T6 và tổn thương tủy sống, hậu quả bị liệt hoàn toàn 2 chân. Mới đây chúng tôi còn phát hiện ra tổn thương dập vùng vai dẫn đến hình thành ổ ép xe lớn.
 
Hiện bệnh nhân đã làm phẫu thuật cố định cột sống T5, T6. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị viêm phổi rất nặng nên phải cần đến thuốc kháng sinh nằm ngoài danh mục bảo hiểm và bổ sung dinh dưỡng phục hồi. Dự tính thời gian điều trị lâu dài và chi phí tốn kém”.
 
Được biết, chi phí điều trị mỗi ngày cho bà Hà lên đến cả triệu đồng. Đến nay, tổng chi phí điều trị đã lên đến hơn 200 triệu đồng. Thương hoàn cảnh của bà Hà, anh em, họ hàng, làng xóm cũng giúp đỡ, cho vay tiền để bà Hà có tiền điều trị, qua cơn nguy hiểm.
 
Những ngày này, Cường ăn uống dè xẻn cho qua bữa, dành tiền chữa chạy cho mẹ. Gia đình Cường thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Lý - bố Cường mất sức lao động nhiều năm nay, chỉ có thể gắng phụ đồng áng và việc nhà. Một mình mẹ Cường là “trụ cột” gia đình.
 
Hình ảnh người lao động thi công trên giàn giáo bằng gỗ - Ảnh: L.Giang
 
Quanh năm tần tảo, hết làm ruộng lại phụ hồ, làm mướn, việc nặng nhọc gì bà Trần Thị Hà cũng nhận, miễn sao kiếm ra tiền. Không may, tiền công chưa nhận, bà đã bị tai nạn. Nằm trên giường bệnh, bà không nói, không cử động được. Nhưng nước mắt bà cứ lăn dài trên má mỗi khi thấy con trai bước vào phòng.
 
Thấy mẹ khóc, Cường không khỏi ngậm ngùi: “Bản thân em nghỉ việc để chăm sóc mẹ, không làm gì ra tiền. Tiền điều trị cho mẹ đã phải vay mượn rất nhiều. Nhưng để mẹ khỏe lại, thì gia đình em dù phải bán cả đất ở, cả nhà cũng cam lòng”.
Mùa xuân mới sắp đến. Nhưng với gia đình em Nguyễn Xuân Cường, lại thêm nỗi lo toan.
 
Theo Cuộc sống an toàn
Bài viết: Duy Minh
Ảnh: Duy Minh
 

Messenger Zalo