197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG TRONG 2021

22-02-2021
1. Điểm mới về thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm
  • Theo quy định tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, có 10 khoảng thời gian được tính là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm, cụ thể:
  • Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động (NLĐ) làm việc cho người sử dụng lao động.
  • Thời gian thử việc nếu NLĐ tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
  • Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao Động.
  • Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
  • Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
  • Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
  • Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
  • Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.
(Hiện hành, tại Khoản 8 Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP là thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn).
  • Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ.
  • Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.
(Bỏ nội dung "thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội" tại Khoản 11 Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP).
 
2. NLĐ làm chưa đủ 01 tháng vẫn có thể có ngày nghỉ phép năm
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định 145/2020/2020/NĐ-CP thì trường hợp NLĐ làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của NLĐ (nghỉ lễ, Tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 của Bộ luật Lao động) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.
 
Như vậy: Căn cứ quy định trên, có thể thấy trường hợp NLĐ làm việc chưa đủ 01 tháng thì vẫn có thể có ngày nghỉ phép năm nếu đáp ứng điều kiện có tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận với người sử dụng lao động (Trước đây không quy định).
 
NLĐ nên tìm hiểu rõ chính sách lao động - tiền lương mới để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
 
3. Thay đổi về tiền lương làm căn cứ trả cho NLĐ những ngày chưa nghỉ hằng năm
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 113 Bộ luật lao động 2019, trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
 
Theo đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì tiền lương làm căn cứ trả cho NLĐ những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo quy định trên là tiền lương theo HĐLĐ của tháng trước liền kề tháng NLĐ thôi việc, bị mất việc làm.
 
(Trước đây, theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì tiền lương làm căn cứ trả cho NLĐ trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là mức bình quân tiền lương theo HĐLĐ của 06 tháng trước liền kề trước khi thôi việc, bị mất việc làm (với NLĐ đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên) hoặc bình quân theo HĐLĐ của toàn bộ thời gian làm việc (nếu có thời gian làm việc dưới 06 tháng).
 
NLĐ nghỉ việc khi chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
 
4. Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì khi NLĐ làm ngành, nghề, công việc đặc thù đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với những NLĐ này thì thời hạn báo trước như sau:
  • Ít nhất 120 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;
  • Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của HĐLĐ đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.
Trong đó, ngành, nghề, công việc đặc thù ở đây gồm:
  • Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành Hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;
  • Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
  • Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài;
  • Trường hợp khác do pháp luật quy định.
5. Hướng dẫn rõ các hành vi vị coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Theo quy định tại Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
 
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
  • Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
  • Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
  • Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Nơi làm việc ở đây là bất cứ địa điểm nào mà NLĐ thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
 
6. Trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1 ngàn NLĐ nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
 
Theo đó, phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng tư, không phải buồng tắm hay buồng vệ sinh; có nguồn điện, nước, bàn, ghế, tủ lạnh bảo đảm vệ sinh, quạt hoặc điều hòa; bố trí ở vị trí thuận tiện sử dụng, được che chắn khỏi sự xâm phạm, tầm nhìn của đồng nghiệp và công cộng để lao động nữ có thể cho con bú hoặc vắt, trữ sữa.
 
(Hiện hành, Khoản 4 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP chỉ quy định người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động).
 
7. Lao động nữ làm trọn ngày đèn đỏ: Có thể được nhận thêm tiền
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để NLĐ làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo HĐLĐ, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của NLĐ (Trước đây Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP không quy định nội dung này).
 
Lao động nữ được đặc biệt quan tâm trong chính sách lao động - tiền lương mới.
 
8. Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nhận thêm tiền
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi.
 
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo HĐLĐ, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ (trước đây tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP không quy định nội dung này).
 
Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nhận hỗ trợ.
 
Nguồn: https://cuocsongantoan.vn/nhung-diem-moi-trong-chinh-sach-lao-dong-tien-luong-tu-ngay-01022021-67200.html

Messenger Zalo