197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Những mối nguy và rủi ro trong ngành điện lạnh

05-08-2022
Những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài trong mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 39 - 41 độ C khiến nhu cầu về điện lạnh, đặc biệt là lắp đặt, sửa chữa điều hòa nhiệt độ của người dân tăng cao. Các thợ kỹ thuật điện lạnh phải hoạt động hết công suất những ngày này. Trong quá trình lắp đặt, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện lạnh, người lao động (NLĐ) luôn phải đối mặt với các mối nguy hiểm và những sự cố tai nạn không mong muốn. Vì vậy, cần có những biện pháp bảo đảm an toàn cho NLĐ trong ngành điện lạnh.
 
Cần cảnh báo các rủi ro cho công nhân kỹ thuật điện lạnh.
 
Các mối nguy đối với lao động ngành điện lạnh
Tại các khu dân cư cũng như các KCN, trong quá trình làm việc, những người thợ kỹ thuật điện lạnh phải đối mặt với tất cả các mối nguy hiểm có thể dẫn đến thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong. Các lao động kỹ thuật điện lạnh có thể bị những thương tích xảy ra do nâng hoặc mang vật liệu hoặc thiết bị nặng, lắp đặt hoặc thay thế thiết bị, trèo lên thang và bậc thang để làm việc trên cao, băng qua các bề mặt làm việc như sàn nhà và mái nhà, không gian làm việc hạn chế, dễ tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm hoặc bị điện giật, …
 
Mối nguy từ nâng vật liệu nặng, ngã trên bề mặt trơn trượt và vận động quá sức
Theo Hiệp hội Kỹ sư Dịch vụ Điện lạnh của Mỹ (Refrigeration Service Engineers Society), mỗi năm, khoảng 25% tổng số ca chấn thương trong ngành điện lạnh liên quan đến vận động quá sức trong quá trình lắp đặt và bảo dưỡng. 25% khác là do trượt và ngã. Đối với lao động kỹ thuật điện lạnh, để có thể thực hiện được công việc của mình, họ phải nâng và mang đồ nặng liên tục. Ví dụ, đối với việc lắp đặt điều hòa, các lao động kỹ thuật điện lạnh phải mang cục nóng, vật tư như dây đồng, dây bảo ôn, … và mang những túi dụng cụ rất nặng. Khi nâng và di chuyển thiết bị nặng, NLĐ phải đối mặt với nguy cơ ngã trên bề mặt trơn trượt và chấn thương do vận động quá sức.
 
Làm việc trên cao
Một nguy cơ rất phổ biến đối với lao động kỹ thuật điện lạnh chính là làm việc trên cao. Các lao động kỹ thuật điện lạnh phải thường xuyên làm việc ở những vị trí lắp đặt nguy hiểm, trên cao, như trên các mái nhà, ngoài ban công, hoặc treo người trên các vị trí không có đỡ như trên tường, … NLĐ phải leo ra ngoài lan can, bờ tường, trần nhà, mái nhà, … là những vị trí rất khó tiếp cận. Họ phải treo mình lơ lửng trên những tầng cao để lắp đặt hay tháo dỡ các thiết bị điều hòa. Trong những tình huống này, nguy cơ rơi từ một vị trí cao là rất lớn và có thể dẫn đến tổn thương cơ thể nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc sử dụng thang và giàn giáo ở những vị trí trên cao cũng gây nên nguy cơ té ngã. Ngã là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tử vong trong ngành xây dựng và điện lạnh.
 
 
Không gian hạn chế và nguy cơ tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm
Làm việc trong những không gian hạn chế là một phần công việc đối với lao động kỹ thuật điện lạnh, nhất là khi họ phải lắp đặt hệ thống dây điện và ống dẫn trong các tầng áp mái, tầng hầm và không gian hẹp. Khi làm việc trong những không gian nhỏ này, NLĐ phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm carbon monoxide (CO) và carbon dioxide (CO2) nếu không gian không có đủ hệ thống thông gió. Ngộ độc khí CO là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 400 ca tử vong và hơn 20.000 ca cấp cứu mỗi năm ở Mỹ.
 
 
Các lao động kỹ thuật điện lạnh cũng phải đối diện với mối nguy rất phổ biến và đa dạng trong ngành, mối nguy hóa chất như chất làm lạnh, chất lỏng tẩy rửa, dung môi, bình điều áp chứa đầy hóa chất, … NLĐ phải đối diện với mối nguy khi làm việc với chất làm lạnh là thiếu ô xy. Cơ điện lạnh và điều hòa không khí yêu cầu sử dụng một số khí hoặc chất lỏng tiềm ẩn nguy hiểm dưới áp suất gây nguy cơ bỏng, ngạt thở, cháy và nổ. NLĐ cũng có thể bị ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn và dài hạn do tiếp xúc ngẫu nhiên hoặc lặp đi lặp lại với một số chất này. Những chất này sẽ thay thế ô xy trong phổi. Chúng khó tống xuất khỏi phổi vì nặng hơn không khí, dẫn đến bất tỉnh thậm chí gây tử vong.
 
Nguy cơ bỏng
NLĐ kỹ thuật điện lạnh phải đối diện với rất nhiều nguy cơ có thể tự gây ra bỏng cho bản thân trong quá trình làm việc kể cả nặng và nhẹ. Việc tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị làm nóng hoặc có khả năng nóng là điều bắt buộc và không thể tránh khỏi đối với người thợ điện lạnh. Họ phải tiếp xúc với lượng nhiệt lớn được sinh ra trong một số thiết bị sưởi hay nhiệt lượng tự nhiên mà điều hòa không khí và lò nung có thể tạo ra. Trong quá trình lắp đặt và sửa chữa các thiết bị điện lạnh, do môi trường làm việc ngoài trời vào mùa hè nên NLĐ cũng phải ngồi dưới nắng nóng, nhiệt độ cao. Việc hàn các đường ống đồng hay các thiết bị trong quá trình lắp đặt, sửa chữa cũng khiến NLĐ có nguy cơ bị bỏng. Người thợ kỹ thuật điện lạnh cũng phải tiếp xúc với các loại khí ga có thể gây bỏng lạnh.
Trong quá trình lắp đặt, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các thiết bị điện lạnh, người lao động luôn phải đối mặt với các mối nguy hiểm.
 

Hình ảnh cháy cục nóng điều hòa tại nhà dân TP. Hà Nội quá tải mở điều hóa 24/24H
 
Mối nguy về điện
Công việc điện lạnh đòi hỏi NLĐ phải thường xuyên tương tác với các thiết bị điện và hệ thống dây điện. Lắp đặt mới các thiết bị điện lạnh hoặc sửa chữa các thiết bị hiện có có nghĩa là làm việc với hệ thống điện. Ngoài ra, họ cũng có những nguy cơ về điện do tiếp xúc điện và bị điện giật trong điều kiện ẩm ướt hoặc trong quá trình lắp đặt và sửa chữa gần thiết bị đang hoạt động. Mối nguy do điện giật không chỉ có hại cho NLĐ mà còn có thể gây hại cho người sử dụng.
 
Khi sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị diện lạnh, NLĐ kỹ thuật điện lạnh còn phải đề phòng các nguồn điện bị rò rỉ ra ngoài do năm tháng sử dụng khiến các thiết bị này không còn được trong tình trạng tốt nữa. Những thiết bị điện lạnh, ví dụ như điều hòa công suất lớn 3 pha hay công nghệ biến tần inverter nếu bị dò rỉ điện có thể gây tử vong tại chỗ nếu thợ kỹ thuật điện lạnh chạm vào thiết bị. Do làm việc trên cao, khi bị điện giật dù nhẹ cũng dễ khiến người thợ bị bất ngờ dẫn đến tuột tay và ngã xuống gây nguy hiểm.
 
Một số giải pháp
Trước hết, để đảm bảo an toàn trong môi trường làm việc nguy hiểm, mỗi NLĐ điện lạnh cần tự ý thức bảo vệ chính mình bằng cách tuân theo đầy đủ các quy trình, quy tắc lao động, học hỏi thêm những giải pháp an toàn để tránh rủi ro. Trong quá trình thi công, cần tuân thủ các bước theo quy trình lắp đặt, vận hành, sửa chữa.
 
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện, tập huấn nâng cao ý thức thức cũng như trình độ của nhóm đối tượng này về ATVSLĐ.
Mặc dù phải đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro nhưng những lao động kỹ thuật điện lạnh thường hạn chế trong việc sử dụng các thiết bị an toàn và các phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đầy đủ. Theo thống kê của Hiệp hội Kỹ sư Dịch vụ Điện lạnh của Mỹ, có tới 10% số ca chấn thương là do không mang đầy đủ đồ bảo hộ lao động, như kính bảo hộ, găng tay, mũ cứng, ủng bảo hộ lao động. Để đảm bảo an toàn, NLĐ kỹ thuật trong điện lạnh cần phải được trang bị và sử dụng đúng cách các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc. Các phương tiện bảo vệ cá nhân phải đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu về chất lượng.
 
Khi làm việc trên cao, luôn kiểm tra kỹ vị trí của thang và giàn giáo để đảm bảo chắc chắn, an toàn khi sử dụng. Người thợ kỹ thuật điện lạnh phải đeo dây an toàn khi làm việc ở độ cao lớn hơn 2m. Việc sử dụng dây an toàn phải được chú trọng và thực hiện đầy đủ. Khi làm việc tại chỗ, người thợ phải đảm bảo có đủ giằng co được gắn kết chắc chắn.
 
Tập huấn an toàn phòng chống cháy nổ cho toàn thể công nhân viên công ty
 
Những NLĐ kỹ thuật trong ngành điện lạnh cần hết sức thận trọng đối với thiết bị nóng hoặc có khả năng nóng. Luôn cố gắng và đảm bảo rằng thiết bị mát mẻ trước khi bắt đầu làm việc và đeo găng tay chống nóng khi cần thiết để bảo vệ khỏi nguy cơ bị bỏng. Việc sử dụng quần áo bảo hộ khi làm việc cũng giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tiếp xúc ngẫu nhiên với các vật nóng. Do làm việc trong môi trường nắng nóng và nhiệt độ cao dễ dẫn đến nguy cơ mất nước, vì thế cần đảm bảo rằng họ được cung cấp đủ nước trong suốt quá trình làm việc. Họ cũng cần được nghỉ ngơi khi cần thiết và có chế dộ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe tốt nhất khi làm việc.
 
Điện giật có thể xảy ra ngay lập tức. Do đó, an toàn chống điện giật phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của những người thợ kỹ thuật điện lạnh. Để tránh những rủi ro về điện, người thợ kỹ thuật điện lạnh cần trang bị các kiến thức cơ bản và chuyên ngành về điện. Luôn mang theo thiết bị thích hợp cần thiết để kiểm tra điện tích của dây dẫn trước khi tiếp xúc với điện và luôn chắc chắn đeo găng tay bảo hộ khi làm việc với điện. Các thiết bị cần bảo đảm được ngắt điện trước khi bắt đầu tiếp xúc, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình lắp ráp công trình, vận hành, sửa chữa.
 
Tài liệu tham khảo
1. Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021, Kỷ niệm Ngày Điện lạnh Thế giới 26/6/2021. http://www.dcc.gov.vn/tin-tuc/3726/Ky-niem-Ngay-Dien-lanh-The-gioi-26/6/2021.html.
2. Jane Marsh, 2021. What HVAC Workers Need to Know About OSHA. https://ohsonline.com/Articles/2021/08/09/What-HVAC-Workers-Need-to-Know-About-OSHA.aspx?Page=1.
3. Refrigeration Service Engineers Society. 2009. REFRIGERATION AND AIR CONDITIONING TRADE SAFETY FOR CONSTRUCTION, SERVICE, AND MAINTENANCE WORKERS. https://www.rses.org/assets/serviceapplicationmanual/630-116.pdf.
 
Tác giả: ThS. TRƯƠNG THỊ LY - ThS. NGUYỄN VĂN PHÁT - Trường Đại học Công đoàn
Nguồn: Lao động và công đoàn

Messenger Zalo