197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Những quy định được sửa đổi liên quan đào tạo, huấn luyện thuyền viên

28-04-2023
Những quy định được sửa đổi liên quan đào tạo, huấn luyện thuyền viên đang được Bộ Giao thông vận tải đưa vào Nghị định sửa đổi Nghị định 29/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải. 
 
 
Phân cấp nhiều nội dung từ cấp Bộ về cấp Cục và Chi cục
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Dự thảo Nghị định sửa đổi có sự phân cấp mạnh mẽ về cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm trong các thủ tục hành chính, để phù hợp với yêu cầu phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Bộ Giao thông vận tải về Cục Hàng hải Việt Nam theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.
 
 
 
Cụ thể, sự thay đổi này thể hiện ở các quy định như:
Theo quy định hiện hành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải. Nhưng theo Dự thảo, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam sẽ cấp Giấy chứng nhận này.
 
Cấp Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam sẽ cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải cho tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải để xác nhận sự phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải theo quy định của Công ước Lao động Hàng hải 2006 (MLC 2006), thay vì Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy xác nhận như quy định hiện hành.
 
Tương ứng với sự phân cấp này, thủ tục hành chính cũng sẽ thay đổi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thủ tục. Cụ thể:
Thay vì gửi đến Bộ Giao thông vận tải, Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định cơ sở đào tạo, huấn luyện gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam để xin cấp Giấy chứng nhận.
 
Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục có văn bản hướng dẫn cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm tra thực tế và cấp Giấy chứng nhận theo mẫu. Trường hợp không cấp, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
 
Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận của các cơ sở đào tạo, huấn luyện.
 
 
 
 
Đánh giá lại các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên 5 năm một lần
Theo quy định hiện hành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền lợi nhà giáo, người học và người lao động trong cơ sở đào tạo, huấn luyện và phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.
 
Sau thời hạn đình chỉ, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định cho phép cơ sở đào tạo, huấn luyện tiếp tục hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên.
 
Nhưng theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, trách nhiệm này thuộc về Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đồng thời là người ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Cục, cùng với việc gửi đến các cơ quan liên quan biết, để phối hợp quản lý.
 
Hằng năm, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đánh giá các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải về việc đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
 
Định kỳ 5 năm một lần, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đánh giá độc lập các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo tiêu chuẩn quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên đặt ra các tiêu chuẩn trình độ tối thiểu cho thuyền trưởng, sĩ quan và nhân viên trực ca trên tàu buôn và du thuyền lớn (STCW78).
 
Trong việc cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải, tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Chi cục Hàng hải Việt Nam 1 bộ hồ sơ.
 
Đơn vị này sẽ tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chi cục Hàng hải Việt Nam có văn bản thông báo và hướng dẫn tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chi cục Hàng hải Việt Nam phải cấp Giấy xác nhận theo mẫu. Trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Đồng thời, Chi cục Hàng hải Việt Nam thông báo thông tin về tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải được cấp Giấy xác nhận trên Cổng thông tin điện tử của Chi cục.
 
Việc đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải nói trên giúp cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, huấn luyện rút ngắn được thời gian, trình tự thủ tục. Đồng thời, bên cạnh việc đảm bảo tuân thủ quy trình về hồ sơ thủ tục, các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên.
 
Những kỹ năng an toàn thuyền viên được đào tạo ở cơ sở, trung tâm huấn luyện
Tại các cơ sở, trung tâm huấn luyện, thuyền viên hàng hải được học về kỹ thuật cứu sinh: Chương trình nhằm huấn luyện thuyền viên đạt năng lực kỹ thuật cứu sinh được nêu tại bảng A - VI/1-1 của Công ước STCW78, sửa đổi 2010. Để thoả mãn các tiêu chuẩn tối thiểu về kỹ thuật cứu sinh, học viên phải có khả năng sống sót trong trường hợp phải rời bỏ tàu.
 
Về kỹ năng phòng, chống cháy cơ bản: Nội dung chương trình nhằm đào tạo và huấn luyện đáp ứng những Tiêu chuẩn được nêu tại Bảng A-VI/1-2 của Công ước STCW78. Để đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu về năng lực trong việc phòng cháy chữa cháy học viên phải đạt đủ khả năng thực hiện những biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho người, cho tàu và phải biết các biện pháp phòng cháy đồng thời sử dụng đúng kỹ thuật các thiết bị dập cháy.
 
Về kỹ năng sơ cứu y tế cơ bản: Nội dung chương trình thoả mãn các yêu cầu về năng lực được nêu tại Bảng A -VI/1-3 của Công ước STCW78. Sau khóa huấn luyện, mỗi học viên phải đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu về kỹ năng sơ cứu, hành động ngay lập tức khi gặp phải một tai nạn hoặc tình trạng khẩn cấp cho đến khi có sự hỗ trợ về y tế.
 
Về an toàn sinh mạng và trách nhiệm xã hội: Chương trình này được xây dựng để chuẩn bị cuộc sống trên tàu cho những người sắp và sẽ đi tàu. Làm việc trên tàu có thể là công việc nguy hiểm đối với những người chưa quen. Chương trình này sẽ giúp các thuyền viên nhìn nhận các yếu tố khác nhau của tàu và các quy trình làm việc trên tàu để họ có thể hiểu rõ về môi trường làm việc trên tàu và được chuẩn bị tốt nhất để đương đầu với bất kỳ hoàn cảnh bất ngờ nào...
 
HÀ VY

Messenger Zalo