Những quy định mới về sơ cấp cứu tại nơi làm việc
20-05-2022
Công tác sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc là hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt khi người lao động bị tai nạn lao động tại nơi làm việc, nhất là người lao động làm việc trong môi trường nguy hại, độc hại. Sơ cứu, cấp cứu kịp thời sẽ hạn chế được những tác động của tai nạn lao động tới sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài đối với người lao động.
Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế “Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động” có hiệu lực từ ngày 15/8/2016, đã quy định cụ thể về các yêu cầu đối với hoạt động sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc, túi sơ cứu, tổ chức lực lượng, yêu cầu đối với khu vực và huấn luyện sơ cấp cứu tại các Điều 5, 6,7,8 và 9.
Theo đó, việc bố trí lực lượng sơ cứu, cấp cứu, trang bị phương tiện, thiết bị, vật tư, sơ cứu, cấp cứu phải phù hợp với loại hình sản xuất, bản chất của yếu tố nguy hiểm, có hại; số lượng người lao động, số lượng ca làm việc, bố trí ca làm việc; nguy cơ gây tai nạn có thể xảy ra tại nơi làm việc; khoảng cách từ nơi làm việc đến cơ sở y tế gần nhất; tỷ lệ tai nạn lao động (nếu có).
Đối với vị trí làm việc có sử dụng hóa chất độc hoặc chất gây ăn mòn phải trang bị vòi tắm khẩn cấp và phương tiện rửa mắt tại vị trí dễ tiếp cận trong khu vực làm việc và được bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất hoặc quy định của pháp luật (nếu có).
Đối với nơi làm việc có sử dụng hóa chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật về hóa chất, thì phải có phiếu an toàn hóa chất bằng tiếng Việt, ghi rõ hướng dẫn về sơ cứu, cấp cứu đối với loại hóa chất đó, đặt gần vị trí của túi sơ cứu, cấp cứu để dễ tiếp cận. Nếu hóa chất sử dụng có chất giải độc thì phải có sẵn chất giải độc và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt trong túi sơ cứu, cấp cứu. Có lực lượng sơ cứu, cấp cứu đáp ứng điều kiện quy định. Công bố công khai các thông tin về vị trí, số lượng của túi sơ cứu, trang thiết bị, các phương tiện cấp cứu, phòng hoặc khu vực sơ cứu, cấp cứu và danh sách thành viên lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại các khu vực làm việc của cơ sở lao động để cho người lao động biết và sử dụng khi cần thiết. Trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu (bao gồm cả túi sơ cứu) và số lượng người làm công tác sơ cứu, cấp cứu phải được định kỳ kiểm tra, rà soát để bảo đảm luôn trong tình trạng sử dụng tốt và phù hợp với các yêu cầu quy định.
Các túi sơ cứu phải được đặt tại khu vực làm việc của người lao động, tại nơi dễ thấy, dễ lấy, có ký hiệu chữ thập. Số lượng túi sơ cứu trang bị phù hợp với số lượng người lao động, cụ thể với quy mô khu vực làm việc có ≤ 25 người lao động phải có ít nhất 01 túi sơ cứu loại A; từ 26 – 50 người lao động phải có ít nhất 01 túi sơ cứu loại B; từ 51 – 150 người lao động phải có ít nhất 01 túi sơ cứu loại C (01 túi B tương dương với 02 túi A và 01 túi C tương đương với 02 túi B). Các túi sơ cứu tại nơi làm việc phải có đủ số lượng trang bị dụng cụ tối thiểu cần thiết để sơ cứu theo quy định tại mục 3, phụ lục 4 Thông tư 19/2016/TT-BYT.
Lực lượng sơ cứu, cấp cứu gồm: Người lao động được phân công tham gia lực lượng sơ cứu và người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Người được phân công tham gia lực lượng sơ cứu phải đáp ứng các tiêu chí: Có đủ sức khỏe và tình nguyện tham gia các hoạt động sơ cứu, cấp cứu; có thể có mặt sớm nhất tại vị trí xảy ra tai nạn lao động để hỗ trợ sơ cứu, cấp cứu trong thời gian làm việc; được huấn luyện về sơ cứu, cấp cứu.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có công việc thuộc danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động sắp xếp và bố trí số lượng người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu như sau: Dưới 100 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu;Cứ mỗi 100 người lao động tăng thêm phải bố trí thêm ít nhất 1 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh khác, người sử dụng lao động sắp xếp và bố trí số lượng người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu như sau: Dưới 200 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu; cứ mỗi 150 người lao động tăng thêm phải bố trí thêm ít nhất 1 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.
Bảo đảm mỗi ca làm việc hoặc nhóm làm việc lưu động phải có người hoặc lực lượng chịu trách nhiệm sơ cứu, cấp cứu.
Đối với khu vực sơ cứu, cấp cứu quy định trường hợp trên 300 người cùng lao động tập trung trên một mặt bằng phải bố trí khu vực sơ cứu, cấp cứu. Khu vực sơ cứu, cấp cứu phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu: Phải đủ rộng để đặt cáng cứu thương và có chỗ cho người bị tai nạn lao động nằm và được thông khí, chiếu sáng và có biển hiệu (chữ thập); bố trí gần nhà vệ sinh, dễ tiếp cận với khu vực lao động, sản xuất và dễ dàng trong công tác sơ cứu, cấp cứu hoặc vận chuyển người lao động khi bị tai nạn lao động; danh mục trang thiết bị của khu vực sơ cứu, cấp cứu thực hiện theo quy định (Túi sơ cấp cứu tại nơi làm việc, bồn rửa tay có đủ nước sạch, giấy lau tay, tạp dề ni lông, tủ lưu giữ hồ sơ, đèn pin, vải, toan sạch, cặp nhiệt độ, giường, gối, chăn, cáng cứng, xà phòng rửa tay, dụng cụ chứa chất thải nguy hại và không nguy hại, bô hoặc chậu chứa chất thải của bệnh nhân, ghế đợi, tủ đựng vật tư tiêu hao và các dụng cụ, phương tiện sơ cứu, cấp cứu).
Huấn luyện sơ cấp cứu tại khu vực Bảo Lộc và Hàm Thuận – Đa Mi do Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng phối hợp thực hiện trong hai ngày 22 – 23/5.2017(Ảnh: Công ty cổ phần thủy Điện Đa Nhim – Hàm Thuận –Đa Mi)
Cố định gãy xương cẳng chân
Băng cầm máu cánh tay
Băng đầu hồi quy
Công tác huấn luyện sơ cứu, cấp cứu cho người lao động (trừ trường hợp đã có Giấy Chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động) và người được phân công tham gia lực lượng sơ cứu, cấp cứu phải thực hiện đúng những yều về thời gian, nội dung huấn luyện và huấn luyện lại hằng năm. Người được huấn luyện phải ký vào Sổ theo dõi huấn luyện sơ cứu, cấp cứu.Trường hợp người lao động đã có Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động thì không phải ký vào Sổ theo dõi huấn luyện sơ cứu, cấp cứu nhưng phải lưu bản sao Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.
Theo thông tư số 19/2016/TT-BYT
Theo thông tư số 19/2016/TT-BYT
Thông tin khác
- » TP.HCM: Chăm lo, nâng cao đời sống người lao động (19.05.2022)
- » Đảm bảo an toàn vệ sinh, lao động tại công trình giao thông trọng điểm (18.05.2022)
- » Đưa kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào môn học chính khóa cho học sinh, sinh viên (16.05.2022)
- » Khuyến cáo an toàn PCCC tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất (10.05.2022)
- » Giảm thiểu rủi ro về an toàn lao động (09.05.2022)
- » Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (09.05.2022)
- » Phát động Tháng Hành động an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân 2022 (09.05.2022)
- » Nhận diện nguy cơ và các giải pháp phòng ngừa tại làng nghề chế biến gỗ (07.05.2022)