Những tai nạn trẻ em thường gặp trong ngày Tết
30-01-2023
Theo Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, dịp tết Nguyên đán, trẻ em dễ gặp phải các tai nạn thương tích.
Do nấu nướng nhiều, nhất là nấu bánh chưng nồi to ở các khoảng sân rộng, trẻ em hiếu động chạy nhảy dễ dẫn đến bỏng lửa hay té ngã vào nồi nước. Bên cạnh đó, việc ăn uống ngày Tết cũng bị xáo trộn, trẻ em dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hoá. Chưa kể thực phẩm để dài ngày, nhiều chất đạm, mỡ dễ khiến trẻ rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn.
Trong dịp năm mới, nhiều gia đình thường trang trí các loại đèn nháy, sử dụng nhiều ổ điện mà không có dụng cụ bảo vệ an toàn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ điện giật trong trẻ em, nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng.
Trong kỳ nghỉ dài ngày, trẻ em thường có xu hướng tổ chức các trò chơi, chạy nhảy. Nhiều trẻ em ở thành phố được bố mẹ cho về quê ăn Tết cũng tham gia các hoạt động vui chơi, khám phá, leo trèo, thậm chí tắm sông… dễ gặp phải tai nạn, đuối nước hoặc bị gia súc cắn…
Có trường hợp gia đình mua sơn, axit hay dung dịch cọ rửa để làm sạch nhà cửa ngày Tết nhưng đựng trong các chai nước suối, nước ngọt dễ khiến trẻ lầm tưởng là nước, uống vào gây nguy hiểm tính mạng.
Ngày Tết các gia đình thường chuẩn bị các loại hạt, kẹo để tiếp khách. Trẻ nhỏ thường thích thú với các món ăn này, song đó cũng tiềm ẩn nguy cơ hóc dị vật. Do đó, bố mẹ cần lưu ý giám sát chặt chẽ khi con ăn.
Một số trường hợp trẻ nhỏ tò mò lên mạng tìm hiểu cách làm pháo rồi mua nguyên liệu tự chế dẫn đến phát nổ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cách phòng tránh
Chuyên gia khuyến cáo không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện hoặc các hiết bị này phải được che chắn kỹ lưỡng.
Các gia đình nên sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chế biến an toàn vệ sinh. Đối với trẻ nhỏ, cần lưu ý quan sát khi con ăn các loại kẹo, hạt to, dễ hóc. Tuyệt đối không cho ăn khi trẻ đang khóc hoặc cười đùa khi đang ăn.
Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, không được đựng hóa chất, xăng, dầu, thuốc trong vỏ chai đựng nước uống dẫn khiến trẻ nhầm lẫn.
Tránh để các đồ vật sắc nhọn gần tầm tay của trẻ. Cần giáo dục cho trẻ biết các mối nguy hiểm từ các trò chơi khám phá để trẻ biết cách phòng tránh. Bên cạnh đó, dù bận rộn công việc, hãy chú ý giám sát và quan tâm đến hoạt động của trẻ em để đón một cái Tết vui tươi, an toàn.
Thông tin khác
- » Nam công nhân ngã giàn giáo bị thanh sắt xuyên cổ nguy kịch (11.01.2023)
- » Năm 2022 TP.HCM tăng 33 vụ tai nạn lao động so với năm 2021 (09.01.2023)
- » Công đoàn cần tham gia hiệu quả vào điều tra tai nạn lao động và ATVSLĐ (28.12.2022)
- » Các quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh lao động hiện nay (16.12.2022)
- » Cược mạng sống với nghề sơn tường nhà cao tầng (15.12.2022)
- » Thêm phần việc đóng tàu được đề xuất bổ sung là nghề nặng nhọc, nguy hiểm (15.12.2022)
- » Bài 1: Định hướng phát triển bảo hiểm bắt buộc TNLĐ và BNN ở nước ta (14.12.2022)
- » TIẾN NHANH, TIẾN MẠNH, TIẾN LÊN...THÊM BƯỚC NỮA !!! (13.12.2022)