Phương pháp sơ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản - hô hấp nhân tạo,
20-08-2022
Ngừng tuần hoàn là gì?
Ngừng tuần hoàn là trạng thái tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn vành, phổi... Có 3 trạng thái cơ bản là: vô tâm thu, rung thất và phân ly điện cơ.
Một số thuật ngữ khác gọi tên cấp cứu trạng thái ngừng tuần hoàn như: cấp cứu ngừng tim phổi, hồi sinh chết lâm sàng, hồi sinh tim-phổi, hồi sinh tim-phổinão...
Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khoẻ mạnh trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương... có thể là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như ung thư, xơ gan, suy tim, suy thận...
Tách đường điện khỏi nạn nhân đúng cách bằng thiết bị, vật dụng cách điện
Mục đích của cấp cứu: Trong điều kiện nhanh nhất có thể cần cung cấp được máu cùng với oxy đến cho tế bào não, nhất là trong vòng 5 phút đầu kể từ lúc ngừng tim. Vì vậy, cấp cứu ngừng tim - phổi cần tiến hành tại chỗ, khẩn trương kiên trì và đúng kỹ thuật.
Hậu quả sinh lý bệnh của thiếu máu não
Tế bào não là tế bào đặc biệt nhất trong cơ thể, khi đã tổn thương thì không có tái tạo và bù đắp như các tế bào khác. Trong điều kiện bình thường khả năng chịu đựng thiếu oxy của não tối đa là 5 phút. Khoảng thời gian này còn gọi là giai đoạn chết lâm sàng và việc cấp cứu nhằm cung cấp lại máu và oxy cho não phải được tiến hành trong giai đoạn này mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Quá thời gian này, các tế bào não bị tổn thương không còn khả năng hồi phục và bệnh nhân chuyển sang giai đoạn chết sinh vật hay chết não. Trong một số trường hợp đặc biệt, khả năng chịu đựng thiếu oxy não có thể kéo dài hơn như: ngừng tim trong điều kiện hạ thân nhiệt (mổ với tuần hoàn ngoài cơ thể - hạ thân nhiệt, ngừng tim ngoài trời băng tuyết, chết đuối trong nước lạnh...), ngừng tim mà trước đó có sử dụng các thuốc làm giảm tiêu thụ oxy não như barbituric, trẻ sơ sinh...
TRIỆU DỨNG DẤU HIỆU NHẬN DIỆN
Dựa vào 3 triệu chứng cơ bản sau:
- Mất ý thức đột ngột: được xác định khi bệnh nhân gọi hỏi không có đáp ứng trả lời, không có phản xạ thức tỉnh.
- Ngừng thở hoặc thở ngáp: xác định khi lồng ngực và bụng bệnh nhân hoàn toàn không có cử động thở.
- Mất mạch cảnh: Động mạch cảnh không có (cần bắt mạch cảnh cả 2 bên)
- Ngoài ra bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như: da nhợt nhạt hoặc tím tái, giãn đồng tử và mất phản xạ đồng tử với ánh sáng, nếu bệnh nhân đang được phẫu thuật sẽ thấy máu ở vết mổ tím đen và ngừng chảy.
- Nếu bệnh nhân đang thở máy, hôn mê thì thấy monitoring tim báo động ngừng tim, SpO2 giảm đột ngột.
NGUYÊN TẮC CHUNG KHI XỬ TRÍ CẤP CỨU NẠN NHÂN BỊ NGỪNG TIM, NGỪNG THỞ
Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn.
Đặt nạn nhân nằm trên nền cứng, bằng phẳng, thoáng khí.
Nới rộng quần áo và các dây nai nịt như: thắt lưng, caravat, áo lót (đối với nữ).
Làm thông đường hô hấp bằng cách:
- Đặt cổ nạn nhân ngửa tối đa.
- Lau sạch đất, cát quanh mũi, miệng.
- Mở miệng: móc, hút sạch đất, cát, đờm dãi...
- Tiến hành hồi sinh tim phổi được tiến hành càng sớm càng tốt xong phải kiên trì và làm liên tục.
- Trong quá trình tiến hành hồi sinh tim phổi phải theo dõi và đánh giá được tiến triển của nạn nhân:
- Tiến triển tốt: Hô hấp phục hồi, da đầu chi, môi nạn nhân hồng dần, tim đập trở lại. Tiếp tục sơ cứu đến khi nạn nhân thở đều và sâu.
- Tiến triển xấu: Hô hấp và tuần hoàn không phục hồi, da xanh nhợt, đồng tử giãn sau 30 ~ 60 phút không cấp cứu nữa.
QUY TRÌNH THỰC HÀNH CẤP CỨU BAN ĐẦU NGỪNG TUẦN HOÀN
1. Ngay lập tức hô to gọi người tới cấp cứu khi gặp nạn nhân ngừng tuần hoàn: gọi mọi người tới cấp cứu hoặc/và gọi 115 (nếu ở ngoài cơ sở y tế). Thông báo để mọi người tới phối hợp
2. Bắt đầu cấp cứu: cấp cứu ngay lập tức khi không bắt được mạch cảnh, nạn nhân không thở hay thở ngáp cá..Cấp cứu sớm là đặc biệt quan trọng, tốt nhất trong vòng 3-5 phút đầu
3. Nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi vùng nguy hiểm.
4. Tư thế: đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng (mặt đất, ván cứng, cáng cứng). Đảm bảo hiệu quả khi ép tim ngoài lồng ngực.
5. Ép tim ngoài lồng ngực: (C - Chest compressions) Vị trí ép tim là 1/3 - 1/2 dưới của xương ức. Hai tay người cứu hộ đặt lồng lên nhau, đặt gốc bàn tay dưới vào vị trí ép tim, khuỷu tay để thẳng, ấn vuông góc làm lồng ngực nạn nhân lún xuống 4 - 5 cm (5-6 cm ở người lớn theo khuyến cáo 2015), sau đó nâng tay để cho ngực nạn nhân trở lại vị trí ban đầu. Tần số: 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt; tần số ép tim 100-120 lần/phút (người lớn), tùy theo tuổi, tần số tăng dần) - khuyến cáo 2015. Ép tim phải được tiến hành liên tục tới khi có nhân viên y tế hoặc có máy sốc điện tự động. Đảm bảo hiệu quả khi ép tim (đưa máu từ thất phải lên trao đổi khí ở phổi, đưa máu từ thất trái lên tuần hoàn vành và tuần hoàn não, máu sẽ thụ động trở về nhĩ khi ngừng ép), không có biến chứng gãy xương sườn.
6. Khai thông đường hô hấp (A -Airway). Nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng, đầu và cổ ở tư thế ưỡn tối đa, mặt quay về một bên. Người cấp cứu dùng tay mở miệng nạn nhân, móc sạch đờm dãi và dị vật nếu có thể lấy được. Làm cho đường hô hấp của nạn nhân được thẳng hướng, thông thoáng, thuận lợi cho thổi ngạt/hô hấp nhân tạo.
7. Thổi ngạt/Hô hấp nhân tạo (B - Breathing) Thổi ngạt miệng - miệng, hay miệng - mũi; thổi miệng - miệng hiệu quả hơn. Người cấp cứu dùng 1 bàn tay - đặt gốc bàn tay lên trán nạn nhân ấn ngửa đầu ra sau, đồng thời ngón trỏ và ngón cái bóp 2 lỗ mũi; Bàn tay thứ 2 - các ngón tay vừa nâng hàm dưới của nạn nhân lên trên ra trước vừa mở miệng nạn nhân. Người cứu hít sâu áp sát miệng mình vào miệng nạn nhân rồi thổi hết không khí dự trữ qua miệng vào phổi nạn nhân, Sau đó thả ngón tay bóp mũi để không khí từ phổi nạn nhân thở ra ngoài. Tần số 10 - 12 lần/phút người lớn (TE tuỳ theo tuổi, tần số tăng dần). Nếu có dụng cụ HH nhân tạo có thể úp mask bóp bóng sau đó khẩn trương đặt ống NKQ. Bóp theo tần số và chu kỳ như thổi ngạt; tốt nhất nối với nguồn oxy lưu lượng 6 - 8 lít/phút. Làm cho đường hô hấp trên của nạn nhân được thẳng hướng Khí vào phổi được dễ dàng. Khí thoát ra được sau khi thổi (thở ra).
8. Phối hợp ép tim và thổi ngạt: Hai động tác ép tim và thổi ngạt phải được thực hiện xen kẽ nhau một cách nhịp nhàng theo các chu kỳ hồi sinh tim phổi. Một chu kỳ hồi sinh tim phổi gồm 30 lần ép tim sau đó 2 lần thổi ngạt - dù có một hay hai người cấp cứu - nếu 2 người cấp cứu thì một người ép tim và một người thổi ngạt; 2 người quỳ 2 bên nạn nhân. Đảm bảo hô hấp và tuần hoàn của nạn nhân đạt mức phù hợp.
9. Nhận định tình trạng nạn nhân trong và sau khi cấp cứu: Trong khi cấp cứu: sau mỗi nhịp ép tim đúng kỹ thuật sẽ phải bắt được động mạch bẹn hoặc động mạch cảnh; sau mỗi lần thổi ngạt sẽ thấy lồng ngực nạn nhân nở vồng lên. Sau 60 giây đầu, kiểm tra lại hô hấp và tuần hoàn của nạn nhân (bắt mạch, quan sát da/niêm mạc) Nếu không có mạch đập - tiếp tục cấp cứu. Nếu có mạch đập rõ, nạn nhân vẫn ngừng hô hấp - ngừng ép tim, tiếp tục thổi ngạt. Nếu mạch đập rõ và nạn nhân tự thở hiệu quả, ý thức tỉnh trở lại thì ngừng ép tim-thổi ngạt, thực hiện các y lệnh khác (dùng thuốc) & theo dõi nạn nhân. Nếu thời gian cấp cứu tới 60 phút, đồng tử không co lại, tim không đập lại thì cho phép ngừng cấp cứu - nạn nhân tử vong.
Nguồn Video: Bệnh viện hoàn mỹ đà nẵng!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Y tế. Hướng dẫn thực hành 55 kỹ thuật điều dưỡng cơ bản tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 2010
Vũ Văn Đính (2008), “Ngừng tuần hoàn’’, Hồi sức cấp cứu, NXB Y học, Hà Nội, trang 169 - 189.
http://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/hoi-suc-capcuu/cap-cuungung-tuan-hoan-co-ban/1086.
http://benhvien108.vn/TinBai/1867/Nhung-thay-doi-trong-phac-do-cap-cuungung-tuanhoan-cua-Hiep-hoi-tim-mach-Hoa-Ki
http://bachmai.edu.vn, cập nhật cấp cứu Ngừng tuần hoàn (4.2017).
Nguyễn Thị Minh Chính và Vũ Thị Là (2019). Điều dưỡng cơ sở tập 2, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Thông tin khác
- » Tầm quan trọng của an toàn lao động đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (17.08.2022)
- » Quy trình vận hành cầu nâng ô tô 2 trụ một cách an toàn nhất (17.08.2022)
- » Cảnh báo nguy cơ cháy nổ do hàn xì (11.08.2022)
- » Dây an toàn bảo vệ người đi ôtô như thế nào? (10.08.2022)
- » Thúc đẩy cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động (10.08.2022)
- » An toàn lao động trong xây dựng bạn có chắc đã biết hết tất cả? (09.08.2022)
- » Công việc của kỹ sư an toàn lao động là gì? (08.08.2022)
- » Chế độ tai nạn lao động mới nhất 2022 người lao động cần biết (08.08.2022)