197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong ngành Điện tử

07-10-2022
Điện tử đang là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất hiện nay ở nước ta, thu hút một lực lượng lao động rất lớn (trong đó lao động nữ chiếm khoảng 80 đến 85%). Nhưng một thực tế đang diễn ra là điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của công nhân ngành Điện tử (NĐT) như sản xuất pin, con chíp, test chức năng… luôn phải tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm, có nguy cơ, rủi ro, tác động xấu tới sức khỏe của công nhân.
Tổng quan NĐT ở Việt Nam
Công nghiệp điện tử (CNĐT) là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân; chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp. Sản phẩm chính của CNĐT là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, ti vi lắp ráp, máy tính bảng, ipad và máy vi tính.
Ngành CNĐT ở Việt Nam đã có hơn 30 năm phát triển. Trong giai đoạn 2016-2020, CNĐT có sự phát triển mạnh mẽ, số doanh nghiệp tăng nhanh lên 1.021 (so với giai đoạn 2005 - 2014 chỉ có 256 doanh nghiệp). Số việc làm trong ngành CNĐT cũng tăng 7 lần trong vòng 8 năm, từ 46.000 lao động năm 2005 lên 327.000 lao động và khoảng 500.000 lao động năm 2016. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã ghi nhận giá trị xuất khẩu hàng điện tử tăng liên tục hằng năm, hiện chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới, giá trị xuất khẩu của ngành lên tới hơn 108 tỉ USD trong năm 2021 với lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) khoảng 1,3 triệu người.
Sản phẩm của NĐT đã đa dạng hóa theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, sản phẩm điện thoại di động đạt 253,2 triệu chiếc, gấp 1,3 lần năm 2016; ti vi lắp ráp đạt 18.190 nghìn chiếc, gấp 1,7 lần. Xuất khẩu các sản phẩm điện tử phần lớn là thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 99,1%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%.
Nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ của CNLĐ
Môi trường lao động (MTLĐ) và nguy cơ ung thư
MTLĐ trong NĐT chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ, rủi ro. Dung môi hữu cơ chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các hóa chất được sử dụng trong CNĐT. Chất tẩy nhờn, chất pha loãng, chất tẩy rửa và chất phản ứng hóa học có mặt trong hầu hết các quy trình, công đoạn sản xuất, lắp ráp…; điển hình là isopropanol, n-butyl axetat, Freons, xylen, axeton, metanol, metoxy etanol, trichloroethane, metylen clorua, tetra-cloetylen, etylen glycol và metyl etyl xeton…
 
Một cuộc điều tra năm 1998 tại một nhà máy bán dẫn ở Scotland cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) của công nhân điện tử cao hơn so với cư dân nói chung.
Hồ sơ của IBM giai đoạn 1969 - 2001 cho thấy, IBM ghi nhận nguyên nhân dẫn đến cái chết của 30.000 công nhân thì tỷ lệ tử vong do ung thư vú ở phụ nữ tại IBM cao hơn gấp 2,42 lần bình thường. Ngoài ra còn phát hiện những nguyên nhân gây ung thư não, ung thư thận và ung thư gan.
 
Còn tại Hàn Quốc, nghiên cứu từ tập đoàn Samsung cho thấy, năm 2007 phát hiện nạn nhân đầu tiên, năm 2009 phát hiện 21 nạn nhân và năm 2010 có 45 nạn nhân. Năm 2011, con số nạn nhân tăng lên 120 (trong đó 46 nạn nhân đã chết). Gần 30 người Hàn Quốc đã nộp đơn khiếu nại lên cơ quan Phúc lợi và Bồi thường NLĐ tại Hàn Quốc (KWCW).
 
Họ cho rằng làm việc tại các nhà máy của Samsung khiến họ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, đa xơ cứng hay u não. Năm 2011, tòa án Seoul kết luận nhà máy bán dẫn của hãng này gây ra bệnh ung thư cho 2 nhân viên cũ. Phát ngôn viên James Chung của Samsung cho biết hãng sẽ không kháng cáo.
 
Nghiên cứu của Mahmoud Mohammadyan và cộng sự (năm 2019) đánh giá rủi ro sức khỏe khi tiếp xúc với styrene trong ngành CNĐT ở Neyshabur, Iran chỉ ra mức độ phơi nhiễm nghề nghiệp với styrene ở nam giới làm việc trong các phòng sản xuất linh kiện nhựa nhỏ xác định bị ung thư là 100% (59 người).
 
MTLĐ và các vấn đề sức khỏe khác
Hiện nay, tại châu Á, 50% các sản phẩm điện tử được sản xuất vẫn sử dụng các hóa chất độc hại đã bị cấm ở châu Âu. Có khoảng 68.000 loại hóa chất bao gồm nhiều loại axit, kiềm, khí đông lạnh, xyanua, chất phụ gia, chất độn, kim loại, chất oxy hóa, chất bán dẫn, dung môi… đang được sử dụng trong NĐT nhưng chưa hề được kiểm chứng tác động đến con người.
Tại Trung Quốc, công nhân Foxcon đã biểu tình tại Wuhan vào tháng 1 và tháng 4/2012 do các vấn đề về sức khỏe.
 
Các loại hóa chất độc hại sử dụng trong NĐT về lâu dài có thể gây nên các bệnh ung thư; ngoài ra còn gây ra các bệnh liên quan đến sinh sản và trước mắt là gây nên các bệnh căng thẳng thần kinh, đau mỏi cơ xương khớp, giảm khả năng thị giác, thính giác; tăng nguy cơ đái tháo đường do thay đổi chức năng gan ở công nhân điện tử.
 
Các hóa chất cũng có thể ảnh hưởng đến da (viêm da tiếp xúc kích ứng và dị ứng), hệ hô hấp (hen suyễn, kích ứng) và hệ thần kinh trung ương (suy giảm chức năng thần kinh)…
 
Các yếu tố vật lý có thể xuất hiện trong CNĐT cũng là yếu tố nguy cơ, trong đó điển hình là tiếng ồn và bức xạ. Bức xạ ion hóa và không ion hóa được sử dụng cho các hoạt động thử nghiệm, kiểm tra chất lượng nhưng chúng thường được thực hiện theo quy trình khép kín.
 
Tiếng ồn có thể được phát ra từ máy móc như động cơ, thiết bị cắt và máy đóng gói. Độ ẩm thấp là một vấn đề tiềm ẩn trong công việc, làm phát sinh các triệu chứng da liễu (ngứa và viêm da).
Rối loạn cơ xương cũng là vấn đề nổi cộm ở công nhân NĐT do công nhân làm việc theo dây chuyền, thao tác lặp đi lặp lại hoặc thao tác thủ công, làm việc ở tư thế tĩnh (đứng) trong thời gian dài…
 
Luôn phải làm việc với các chi tiết nhỏ, công việc kiểm tra bằng mắt thường xuyên, kéo dài, đặc biệt là những công việc yêu cầu kính hiển vi, thường dẫn đến các căng thẳng thị giác cũng là đặc thù ở công nhân NĐT.
 
Các yếu tố sinh học không thường xuyên gặp phải trong NĐT; tuy nhiên, các bệnh truyền nhiễm có thể dễ dàng lây lan cho những NLĐ khác do số lượng công nhân đông, tiếp xúc gần trong dây chuyền lắp ráp, sử dụng nhà ăn và nhà vệ sinh chung, điều kiện sống đông đúc trong ký túc xá…
Các yếu tố Ecgônômi tổ chức lao động như tốc độ làm việc nhanh trong dây chuyền, tính chất đơn điệu của công việc, thời gian làm việc kéo dài… làm tăng thêm căng thẳng nghề nghiệp ở công nhân NĐT.
 
Dự báo xu hướng phát triển của NĐT ở Việt Nam
Tại Việt Nam hiện đã có mặt hầu hết các tên tuổi lớn hàng đầu thế giới về điện tử và công nghệ như: Samsung, Intel, LG, Foxconn, Canon, Panasonic, Electronics, Nokia, Meiko, Apple, Microsoft, Qualcomm… Việt Nam đang nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định Việt Nam còn là một trung tâm của khu vực về nghiên cứu và phát triển gia công phần mềm cho Cisco, Alcatel-Lucent, Toshiba Hitachi và Jupiter Networks cùng nhiều công ty khác.
 
Mục tiêu chiến lược của Việt Nam là xây dựng NĐT trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.
Giai đoạn 2016 - 2020, ngành CNĐT Việt Nam tập trung phát triển linh kiện điện - điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị văn phòng, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ô tô (thiết bị điện, chiếu sáng, điều khiển...).
 
Giai đoạn 2020 - 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế…
 
Ngành CNĐT tại Việt Nam được nhìn nhận là có nhiều thuận lợi để phát triển và Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Đối với lĩnh vực CNĐT, khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu (hầu hết ở mức 0%) khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường của nước tham gia ký kết FTA với Việt Nam, đặc biệt là thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN...
 
Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công lao động tương đối thấp tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp so với các doanh nghiệp trong khu vực. Việt Nam lại là một quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit...; vì vậy cơ hội cho lao động ngành này là rất cao.
 
Quản lý ATVSLĐ trong NĐT
Bức tranh tổng thể sự phát triển CNĐT ở Việt Nam mấy chục năm qua, dự báo xu hướng phát triển ngành CNĐT ở Việt Nam thời gian tới và những nguy cơ, rủi ro trong lao động đối với NLĐ ngành CNĐT cho thấy, việc quản lý ATVSLĐ trong NĐT là cực kỳ quan trọng.
Những biện pháp chính để quản lý, cải thiện ATVSLĐ trong ngành CNĐT cần được thực hiện đồng bộ như sau:
 
Can thiệp tại nguồn phát sinh bằng kỹ thuật công nghệ
Cơ khí hóa: sử dụng dụng cụ điều khiển, máy móc để giải phóng cho con người khỏi những công việc thủ công, nặng nhọc dễ xảy ra tai nạn lao động.
Tự động hóa và điều khiển từ xa: bằng cách thay đổi dây chuyền công nghệ sản xuất tự động hiện đại hơn, để ngăn công nhân khỏi khu vực độc hại, nguy hiểm.
Thay đổi quy trình công nghệ để hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại: chuyển đổi hệ thống sản xuất từ hở sang hệ thống kín để hạn chế sự phát tán của bụi, hơi khí độc.
Thay thế các nguyên liệu, nhiên liệu: quá trình sản xuất hoặc trang thiết bị có các chất gây ảnh hưởng không tốt tới NLĐ có thể thay thế bằng các nguyên liệu, nhiên liệu thích hợp hơn, ít độc hại hơn.
Cải tiến máy móc để giảm bớt độc hại: như thay máy kỹ thuật mới hoặc cải tiến máy hợp lý hơn.
Bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ.
 
Các biện pháp hạn chế sự ảnh hưởng tác hại nghề nghiệp
Biện pháp đảm bảo thông gió: Cải thiện độ thông thoáng tại những nơi làm việc có điều kiện thông gió, thông khí kém, gây tích tụ khí nóng, hơi khí độc, bụi, hơi nước trong MTLĐ.
Biện pháp đảm bảo chiếu sáng: Tạo ra môi trường ánh sáng hợp lý, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh cho phép và các tiêu chuẩn về ecgônômi chiếu sáng.
Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động: Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân thích hợp cho NLĐ và giám sát việc thực hiện.
 
Các biện pháp tổ chức, hành chính
Tổ chức và quản lý lao động hợp lý: phân bổ công việc phù hợp; thời gian lao động - nghỉ ngơi hợp lý. Vị trí lao động đảm bảo, phù hợp với từng NLĐ.
Bố trí nơi nghỉ yên tĩnh, thích hợp. Chế độ lao động có xen kẽ thể dục nhằm tăng cường sức khỏe và tinh thần cho NLĐ. Phải công khai danh mục hóa chất được sử dụng trong sản xuất, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của NLĐ.
Tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện; thực hiện các văn bản qui định về chế độ, chính sách nhằm đảm bảo ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Quan trắc MTLĐ định kỳ theo quy định của pháp luật. Thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ khi làm việc trong MTLĐ có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định.
Công trình phúc lợi, cải thiện đời sống NLĐ: Xây dựng, cải tạo nhà tắm, nhà vệ sinh, phòng để quần áo, phòng vệ sinh kinh nguyệt cho lao động nữ, phòng ăn nghỉ giữa ca, bố trí bồn chứa, vòi nước sạch ở nơi sản xuất để sơ cứu tai nạn lao động do hóa chất có thể xảy ra.
 
Các biện pháp y tế
Doanh nghiệp NĐT phải tăng cường khám sức khỏe cho NLĐ để phát hiện sớm những bệnh do ảnh hưởng của hóa chất, sóng điện từ… và có biện pháp phòng ngừa cho họ.
Thực hiện các chế độ khám, chữa bệnh và cấp cứu kịp thời các tai nạn lao động, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động để đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Khám sức khỏe khi tuyển dụng theo tiêu chuẩn nghề và công việc; khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc; khám sức khỏe định kỳ; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
 
Tác Giả: TS. BS. NGUYỄN THU HÀ - Trưởng Khoa Tâm - Sinh lý lao động và Ecgônômi, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế (Tạp chí lao động công đoàn)
Tài liệu tham khảo
1. Cảnh báo về vệ sinh an toàn lao động ngành lắp ráp điện tử. https:// www.giaoduc.edu.vn/canh-bao-ve-ve-sinh-an-toan-lao-dong-nganhlap-rap-dien-tu.htm
2. Lắp ráp điện tử: Công việc nặng nhọc và nguy hiểm. https:// vnbusiness.vn/kinh-doanh-xanh/lap-rap-dien-tu-cong-viec-nang-nhocva-nguy-hiem-1003397.html
3. Lắp ráp điện tử gây hại sức khỏe: Đã có bằng chứng. https:// vnmedia.vn/dan-sinh/thuc-pham/201403/lap-rap-dien-tu-gay-hai-suckhoe-da-co-bang-chung-477406/
4. “Miền đất hứa” công nghiệp điện tử Việt Nam. https://vneconomy. vn/mien-dat-hua-cong-nghiep-dien-tu-viet-nam.htm
5. Tổng Cục thống kê. Công nghiệp điện tử Việt Nam điểm sáng trong sản xuất công nghiệp. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieuthong-ke/2021/04/cong-nghiep-dien-tu-viet-nam-diem-sang-trongsan-xuat-cong-nghiep/
6. Hazards in electronics work. https://oem.bmj.com/content/61/2/180
7. Kyoungho Lee , Joohee Han , Soo-Geun Kim. Increasing risk of diabetes mellitus according to liver function alterations in electronic workers. J Diabetes Investig. . 2014 Nov;5(6):671-6.
8. Mahmoud Mohammadyan et al. Health risk assessment of occupational exposure to styrene in Neyshabur electronic industries. Environ Sci Pollut Res Int. 2019 Apr;26(12):11920-11927

Messenger Zalo