Quyền và Nghĩa vụ an toàn vệ sinh viên (Nhóm 6) mới nhất 2023
27-05-2021
Theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, mỗi tổ sản xuất trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Lãnh đạo doanh nghiệp và công đoàn cơ sở (CĐCS) phải thống nhất với nhau về việc thành lập và duy trì hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Họ là người lao động (NLĐ) trực tiếp nhưng am hiểu chuyên môn, nắm vững kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, gương mẫu chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động, tự nguyện đảm nhận nhiệm vụ an toàn và phải được NLĐ trong tổ tín nhiệm bầu ra. Bài viết sau cập nhật thông tin mới nhất 2023 về quyền và nghĩa vụ của an toàn vệ sinh viên
An toàn vệ sinh viên là gì?
An toàn vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.
Mạng lưới an toàn vệ sinh viên là hình thức hoạt động về An toàn, vệ sinh lao động của người lao động. Mạng lưới An toàn vệ sinh viên do Công đoàn đề nghị, và giám đốc công ty ra quyết định.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA AN TOÀN VỆ SINH VIÊN
An toàn vệ sinh viên không đồng thời là tổ trưởng sản xuất. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên của cơ sở có một tổ trưởng để quản lý và triển khai kế hoạch công tác của mạng lưới; báo cáo kết quả hoạt động của mạng lưới với CĐCS và người sử dụng lao động hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; kiến nghị với người sử dụng lao động về chính sách, quyền lợi, quy chế hoạt động của an toàn vệ sinh viên. Kinh phí để thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh của cơ sở.
An toàn vệ sinh viên có các quyền sau đây
- Được người sử dụng lao động cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết, quy trình, quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Được dành một phần thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ của an toàn vệ sinh viên, được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
- Được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp hoạt động.
- Được cử đi học các khóa đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ công tác bảo hộ lao động.
Thời gian tham gia các hoạt động công tác bảo hộ lao động của an toàn vệ sinh viên được hưởng nguyên lương và các chế độ khác như tham gia công tác sản xuất. An toàn vệ sinh viên có quyền yêu cầu NLĐ trong tổ ngừng làm việc nếu thấy có nguy cơ gây sự cố, tai nạn lao động để thực hiện biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn.
An toàn vệ sinh viên có các nghĩa vụ sau
- Tuyên truyền, giáo dục, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ, kể cả tổ trưởng nâng cao nhận thức, ý thức tự bảo vệ mình và chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; bảo quản các thiết bị an toàn và phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Phát hiện những thiếu sót, vi phạm của mọi người trong tổ trong việc thực hiện nội quy an toàn, nguy cơ mất an toàn, gây sự cố của máy, thiết bị, vật tư, hóa chất.
- Hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với người mới đến làm việc ở tổ, tham gia xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.
- Kiến nghị các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng phương án phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ, loại trừ các yếu tố nguy hiểm, có hại và cải thiện điều kiện làm việc, khắc phục những sự cố, trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị, vật tư, hóa chất tại nơi làm việc.
- Báo cáo với công đoàn hoặc thanh tra lao động khi phát hiện vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt. P
- hối hợp với bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động chuyên trách và bộ phận y tế tại cơ sở trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Chịu sự quản lý và hướng dẫn của công đoàn, chấp hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên do người sử dụng lao động ban hành.
TIÊU CHUẨN, PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG VÀ NỘI DUNG CÔNG TÁC
Tiêu chuẩn
An toàn vệ sinh viên là NLĐ trực tiếp trong tổ sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, có kinh nghiệm nghề nghiệp, hiểu biết về công tác bảo hộ lao động, có sức khỏe, uy tín, nhiệt tình, gương mẫu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Phương pháp hoạt động
- Tạo mối quan hệ chặt chẽ với cán bộ và bộ phận chuyên trách làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.
- Tạo mối quan hệ tốt với NLĐ trong tổ, thực hiện thường xuyên và liên tục các nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng tốt mối quan hệ với chuyên môn và Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp.
- Tuyên truyền, vận động, thuyết phục NLĐ thực hiện công tác bảo hộ lao động, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của mọi người về công tác bảo hộ lao động.
- Phát hiện nhanh chóng, kịp thời những hiện tượng mất an toàn trong sản xuất, kiến nghị với người quản lý các biện pháp khắc phục sự cố, loại trừ nguy cơ gây tai nạn lao động.
- Đấu tranh với những hành vi vi phạm các quy trình, quy định về an toàn, vệ sinh lao động của NLĐ.
Nội dung công tác
- Kiểm tra, sắp xếp, bảo dưỡng trang thiết bị an toàn, dụng cụ thi công, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và để đúng nơi quy định. Kiểm tra sự sẵn sàng của hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
- Làm sạch môi trường xung quanh nơi làm việc.
- Phối hợp với chính quyền xây dựng chuyên đề an toàn để phổ biến, học tập hằng tuần.
- Phân công nhiệm vụ cho từng an toàn vệ sinh viên, lập kế hoạch công tác hằng tháng, sắp xếp thời gian, định hướng hoạt động của mạng lưới.
- Lập kế hoạch học tập, bồi dưỡng cho tổ sản xuất về pháp luật bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, công tác xanh - sạch - đẹp, các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong sản xuất và cách phòng tránh, cách sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn.
- Lưu trữ hồ sơ liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Lập báo cáo kết quả công tác mỗi tháng, mỗi quý và kế hoạch công tác tháng sau, quý sau, gồm tình hình thực hiện công tác trong tháng/quý, những việc làm được/chưa làm được, những đề xuất/kiến nghị, rút kinh nghiệm, tìm biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác.
- Tìm hiểu nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các kinh nghiệm đảm bảo an toàn, tìm hiểu các trang thiết bị mới để có biện pháp an toàn phù hợp.
NHỮNG KHÓ KHĂN GẶP PHẢI TRONG THỰC TẾ VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Khi phát hiện ra vi phạm, sai sót trong quá trình sản xuất, an toàn vệ sinh viên phải kiến nghị tổ dừng sản xuất để khắc phục nguy cơ tai nạn lao động hoặc sự cố sẽ ảnh hưởng đến năng suất, thành tích chung của tổ, ảnh hưởng đến thu nhập của NLĐ trong tổ và bị đồng nghiệp coi là người gây khó khăn, cản trở sản xuất. Do sức ép này mà không ít an toàn vệ sinh viên đã xin rút làm nhiệm vụ mà tổ tín nhiệm giao cho.
Vai trò, tầm quan trọng của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở nhiều đơn vị, cơ sở chưa được đánh giá cao, hoạt động chưa đi vào nề nếp. Bản thân nhiều an toàn vệ sinh viên chưa hiểu rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác, thiếu phương pháp hoạt động, mục tiêu công việc chưa cụ thể, hoạt động còn thụ động và chưa hiệu quả. Có nơi, cán bộ quản lý sau khi bị an toàn vệ sinh viên chỉ ra những sai sót, vi phạm trong công tác đảm bảo an toàn, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, đã có hành vi trù dập, bố trí an toàn vệ sinh viên làm công việc khó khăn, thu nhập thấp.
Để khắc phục hiện tượng trên, cần đưa vào nội quy đơn vị về việc cấm cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của an toàn vệ sinh viên. Công đoàn cần định kỳ tổ chức cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên được sinh hoạt, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp hoạt động, chế độ chính sách về bảo hộ lao động, các nguy cơ, sự cố, tai nạn để rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp phòng ngừa sự cố. Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với CĐCS xây dựng và duy trì sự hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên, huấn luyện nghiệp vụ công tác bảo hộ lao động cho NLĐ, cán bộ công đoàn và an toàn vệ sinh viên.
Người sử dụng lao động cần lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của an toàn vệ sinh viên để có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc. Cần có chế độ khuyến khích, hình thức khen thưởng, động viên phù hợp đối với đội ngũ an toàn vệ sinh viên để công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
4. Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10/01/2011 giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế.
Tác giả: TS. Nguyễn Đắc Diện
Giảng viên khoa Bảo hộ lao động, Trường Đại học Công đoàn
Thông tin khác
- » ĐÁNH GIÁ RỦI RO HÓA CHẤT TẠI NƠI LÀM VIỆC (26.05.2021)
- » Tình hình tai nạn lao động năm 2020 (19.05.2021)
- » CÁC BƯỚC ĐỂ GIỮ AN TOÀN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 (18.05.2021)
- » TĂNG CA, NHIỀU CÔNG NHÂN “BỎ QUÊN” SỨC KHỎE (17.05.2021)
- » PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN TRONG THÁO DỠ VÀ XỬ LÝ TẤM LỢP CÓ AMIĂNG* (15.05.2021)
- » Thao tác sơ cấp cứu khi gặp tai nạn lao động (14.05.2021)
- » Quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong công tác An Toàn Lao Động (11.05.2021)
- » 5 quy tắc làm việc căn bản với an toàn lao động (07.05.2021)