197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Sự cần thiết phải sửa đổi Luật An Toàn, Vệ Sinh Lao Động năm 2015

05-09-2022
Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, đã góp phần to lớn vào việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, qua 06 năm triển khai, Luật đã bộc lộ một số tồn tại cần bổ sung, sửa đổi.
 
Một số hạn chế của Luật An toàn vệ sinh lao động
Thực tiễn cho thấy, các quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 về chủ thể tham gia các hoạt động dịch vụ huấn luyện, kiểm định, quan trắc môi trường lao động... chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Quy định các chế độ bảo hiểm BHTN, BNN thấp, được tính theo mức lương cơ sở, không đủ trang trải, bù đắp các chi phí trong cuộc sống cho người bị TNLĐ, BNN.
 
 
Hội thảo đánh giá 05 năm thi hành Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 do Liên đoàn Lao động tỉnh Long An tổ chức, năm 2021. Ảnh: K.Q.
 
Luật chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập thương mại quốc tế, như các quy định về thừa nhận các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế của các quốc gia khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với các hàng rào kỹ thuật thương mại.
 
Chưa bình đẳng giữa các chủ thể mà Luật điều chỉnh như: hưởng các chế độ hỗ trợ hoạt động phòng ngừa theo nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng như chế độ hỗ trợ hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.
 
Một số quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động còn chưa khả thi khi áp dụng trong thực tế, chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn, dẫn đến vướng mắc trong triển khai thực hiện như: Quy định về cấp chứng chỉ y tế lao động; bảo hiểm TNLĐ, BNN tự nguyện; điều tra tai nạn khu vực không có hợp đồng lao động; giao trách nhiệm quy định điều tra TNLĐ những lĩnh vực đặc thù như tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt, bức xạ hạt nhân.
 
Một số quy định pháp luật cấp dưới còn chồng chéo, chưa đúng nguyên tắc một việc giao một cơ quan, được ban hành chưa đúng thẩm quyền như: giao chức năng thanh tra, kiểm tra cho các đơn vị sự nghiệp có thu, dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, cạnh tranh không lành mạnh, chưa đúng quy định tại Điều 89 của Luật an toàn vệ sinh lao động về cơ quan thanh tra an toàn vệ sinh lao động; phí bảo hiểm chồng phí; doanh nghiệp vẫn phải thực hiện văn bản ban hành chưa đúng thẩm quyền…
 
 
Chất lượng soạn thảo và ban hành một số văn bản chưa cao, chưa nghiên cứu kỹ thực tiễn nên khi ban hành không có tính khả thi hoặc chỉ mang tính hình thức làm ảnh hưởng đến việc bố trí nhân sự của doanh nghiệp như: quy định về lực lượng sơ cấp cứu bên cạnh bộ phận y tế doanh nghiệp, đào tạo cấp chứng chỉ y tế lao động; hoạt động hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN; các quy định về khám, giám định BNN; đo kiểm môi trường để thực hiện bồi dưỡng hiện vật.
 
Những nhiệm vụ trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung
Từ những vấn đề phát sinh khi triển khai, áp dụng Luật an toàn vệ sinh lao động trong thực tế, việc đánh giá thực hiện, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật an toàn vệ sinh lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 16/02/2022. Để thực hiện mục tiêu phòng ngừa TNLĐ và BNN, bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ… Chính phủ đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:
 
Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật an toàn vệ sinh lao động; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn vệ sinh lao động; tiêu chuẩn chẩn đoán, giám định BNN và hướng dẫn điều trị các BNN. Nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển đối tượng tham gia BHXH về TNLĐ, BNN, xây dựng bổ sung danh mục BNN trong tình hình mới (tiêu chuẩn chẩn đoán và giám định).
 
Xây dựng và hoàn thiện phương pháp xác định nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, gắn với các chỉ tiêu đánh giá điều kiện lao động trong xu thế hội nhập quốc tế. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho các hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động.
 
Tiếp tục kiện toàn cơ sở dữ liệu về an toàn vệ sinh lao động (ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều tra, thu thập số liệu thống kê), ưu tiên vào các dữ liệu về điều kiện lao động của người làm nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm; TNLĐ, BNN, môi trường lao động. Triển khai tin học hóa trong hoạt động quản lý, bảo đảm đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin trong công tác khai báo TNLĐ, triển khai chính sách hỗ trợ BHXH về TNLĐ, cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động.
 
 
Ngoài ra, tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH triển khai mẫu mô hình ứng dụng giải pháp kỹ thuật an toàn phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, có hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, hỗ trợ thí điểm các biện pháp kiểm định và phòng, chống TNLĐ khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cho ít nhất các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể.
 
Việc đánh giá thực hiện, rà soát sửa đổi Luật an toàn vệ sinh lao động là thật sự cần thiết trong tình hình hiện nay, với mục đích để nhìn nhận lại các mặt tích cực cũng như hạn chế của Luật, nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với các tình huống trong điều kiện thực tế mới phát sinh của xã hội và nền kinh tế. Đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp liên quan để Luật an toàn vệ sinh lao động thực sự là cơ sở, là nền tảng pháp lý vững chắc, đóng góp quan trọng vào công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, giảm thiểu TNLĐ, BNN.

Messenger Zalo