Thực trạng việc làm, thu nhập của CNLĐ thời gian qua
Theo báo cáo về lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý I/2021 và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ 2020.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2021 là 57,4%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 48,6%; khu vực nông thôn là 64,5%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2021 là 2,60%, tăng 0,4% so với quý I/2021 và giảm 0,38% so với cùng kỳ 2020.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là 2,62%, tăng 0,2% so với quý I/2021 và giảm 0,23% so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17% so với quý 1/2021 và giảm 0,95% so với cùng kỳ 2020.
Thu nhập của NLĐ làm công ăn lương quý II đạt 6,8 triệu đồng/tháng, giảm 411 nghìn đồng so với quý 1/2021 và tăng 455 nghìn đồng so với cùng kỳ 2020. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương là 7,3 triệu đồng/tháng; lao động nữ là 6,2 triệu đồng/tháng.
Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH: “Tình hình dịch bệnh bùng phát rộng... thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, dự báo trên 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, khoảng 4 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN, KCX bị tác động trực diện, lao động làm việc trong tất cả các ngành, lĩnh vực đều bị tác động mạnh”.
Thứ nhất, ngày 01/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng được Chính phủ xác định hỗ trợ cho NLĐ và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho NLĐ. Các địa phương cần chủ động, tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ CNLĐ và doanh nghiẹp gặp khó khăn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho CNLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho CNLĐ. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho CNLĐ tại các KCN, KCX để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021.
Bảng 1: Số CNLĐ ngừng việc, nghỉ việc, mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động và số tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Trong đó LĐLĐ các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn ngoài chủ động thăm hỏi, động viên, chi hỗ trợ lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch, cần thực hiện tốt hỗ trợ 6 đối tượng với các mức hỗ trợ theo đúng qui định tại Điều 1 và hỗ trợ cán bộ công đoàn các cấp tham gia công tác chống dịch Covid-19 theo đúng Điều 2 của Quyết định 2606/QĐ-TLĐ.
Thứ ba, cần có các biện pháp kịp thời để giải ngân các chính sách hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp, an sinh xã hội cho CNLĐ. Các cấp, các ngành cần vào cuộc khẩn trương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi động sản xuất kinh doanh sau khi hết giãn cách xã hội.
Thứ tư, ảnh hưởng của dịch đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch; đặc biệt là đối với các ngành nghề như diệt may, giày da, du lịch, vận tải, cơ khí, điện tử… Do đó, song song với việc thực hiện các qui định trên của Chính phủ, các doanh nghiệp cần có chính sách tạo điều kiện đưa đón CNLĐ và gia đình họ (nếu có) từ các địa phương quay lại làm việc với tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Thực tế cho thấy, nhiều CNLĐ hiện không còn kinh phí để quay lại doanh nghiệp; mặt khác, họ còn có cả gia đình đi kèm. Vậy họ di chuyển bằng phương tiện gì để quay lại doanh nghiệp cũng cần phải tính đến để hỗ trợ CNLĐ vượt qua khó khăn này.
Thứ năm, các ban, ngành đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần có các giải pháp để hạn chế CNLĐ tại các KCN, doanh nghiệp di chuyển về quê tránh dịch. Việc này, ở mức độ nhất định là sự không tuân thủ qui định phòng, chống dịch, song cũng là hành động chính đáng của họ, giữa một bên là dịch đang làm cho họ không có việc làm, thu nhập, mặt khác đe dọa đến tính mạng của họ và gia đình họ. Song nếu CNLĐ về quê, khi hết giãn cách xã hội thì lực lượng lao động ở đâu để kịp thời sản xuất kinh doanh?
Thứ bảy, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, thực hiện các chính sách, giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, các hoạt động hỗ trợ tìm việc làm cho CNLĐ. Đề xuất với Chính phủ các giải pháp thúc đẩy hoạt động đào tạo, đào tạo lại NLĐ theo hướng giúp NLĐ nâng cao kỹ năng, thích ứng tốt hơn trong bối cảnh hậu Covid-19.Thứ sáu, hỗ trợ nhà cho CNLĐ. Rất nhiều CNLĐ đã trả nhà trọ cho chủ để về quê tránh dịch. Các cấp chính quyền địa phương, cùng với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp cần khảo sát nhanh nhu cầu thuê nhà ở của CNLĐ và tháo gỡ những khó khăn về nhà ở để CNLĐ yên tâm “an cư lạc nghiệp”. Đặc biệt, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho CNLĐ bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn: CNLĐ có thu nhập thấp đang thuê nhà, CNLĐ đang thuê nhà có nuôi con dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, CNLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp bị tạm ngừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng dịch Covid-19.
Tóm lại, giải quyết bài toán giải pháp đảm bảo việc làm và thu nhập cho CNLĐ sau khi hết giãn cách đòi hỏi vào cuộc của các cơ quan ban, ngành đoàn thể từ Trung ương đến địa phương; đồng thời đòi hỏi bản thân CNLĐ cần cố gắng và chia sẻ với doanh nghiệp, cộng đồng xã hội. Ngay từ bây giờ, các cơ quan ban, ngành đoàn thể, không những cần tính đến các phương án giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập cho CNLĐ, mà còn tính đến cả nguồn lao động để sản xuất kinh doanh góp phần giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
2. Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn về việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021.
3. Báo cáo về lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê tại cuộc họp báo ngày 06/7/2021.
Nguồn: https://cuocsongantoan.vn/tac-dong-cua-dich-covid-19-va-giai-phap-sau-khi-het-gian-cach-xa-hoi-71854.html