197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

TĂNG CA, NHIỀU CÔNG NHÂN “BỎ QUÊN” SỨC KHỎE

17-05-2021
Nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), do mải làm việc, tăng ca để có thêm thu nhập nên đã “bỏ quên” sức khỏe, không dành thời gian cho vận động, nghỉ ngơi hay vui chơi thể thao ngoài giờ làm việc.
 
TĂNG CA, CÔNG NHÂN VỀ NHÀ TRỌ CHỈ MONG ĐƯỢC NGỦ
 
Chị Bông quê ở Quế Phong (Nghệ An), làm công nhân một doanh nghiệp thuộc KCN Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Gia đình chị thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tháng nào chị cũng tằn tiện làm việc để có tiền trả nợ, gửi về cho gia đình sinh hoạt, chạy chữa bệnh cho bố cùng em trai.
 
Tên thật của chị Bông là Văn Thị Hồng. Chị chỉ cao khoảng 1m50, dáng người mảnh mai, nhỏ bé nhưng là một trong những nhân viên chăm chỉ nhất tại công ty. “Treo” bằng đại học, chị đến KCN Tiên Sơn làm công nhân nhưng lương không đủ trang trải cho những nhu cầu của mình. Bố chị mắc bệnh, phải nghỉ công việc phụ hồ. Mẹ làm ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao. Em trai học lớp 12 cũng mắc bệnh thiếu máu huyết tán - một loại bệnh khiến cơ thể không tự sản sinh ra máu. Mỗi tháng, cả bố và em trai Bông đều phải thuốc thang, điều trị rất tốn kém. Căn nhà cũ, nơi cả nhà chị ở đã xuống cấp, chưa có tiền sửa sang. Những gánh nặng kinh tế gia đình khiến Bông mải miết làm thêm, tăng ca, không có thời gian để tập môn thể dục chạy bộ mà chị yêu thích.
 
“Em còn lo trả nợ. Nhà em nợ ngân hàng tất cả hơn 60 triệu đồng. Nay đã trả được 20 triệu. Còn hơn 40 triệu đồng nữa. Em phải gửi tiền về cho mẹ và còn gom góp sửa nhà. Nếu tình hình sản xuất của công ty tốt lên, tăng ca nhiều hơn, thì em còn 2 - 3 năm nữa là trả nợ xong”, Bông tính toán.
 

Thu nhập thấp, lương không đảm bảo cuộc sống là lý do khiến nhiều công nhân phải tăng ca. Nguồn: TTXVN
 
Nhưng kế hoạch của Bông gặp khó khăn từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Cả năm nay, bình quân chị chỉ nhận được 4 - 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu công ty tăng ca thì bớt được tiền ăn, còn không thì phải tự bỏ tiền. Trừ tiền nhà trọ, điện nước và sinh hoạt, mỗi tháng chị cũng tằn tiện gửi về nhà 3 triệu đồng. Dù ốm, chị cũng không dám tiêu vào số tiền tích lũy ít ỏi mặc dù không khỏi lo lắng bản thân hay đau ốm vì tăng ca nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. “Người ta nói lúc trẻ bỏ sức để kiếm tiền, về già lại bỏ tiền mua sức khỏe. Điều này đặc biệt đúng với hoàn cảnh của em”, Bông cười như mếu.
 
Công ty chị Bông có 465 công nhân chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Chị kể, có rất nhiều bạn có bằng đại học cũng đi làm công nhân như mình. Hoàn cảnh của ai cũng vất vả, khó khăn riêng và đều là lao động chính. Hầu hết đều mải làm việc, “hy sinh” sức khỏe.
 
“Bộ phận em có một bạn tên là Trần Thị Bắc, bạn ấy là lao động chính trong gia đình khi mới 20 tuổi. Bạn ấy không dám ăn, không dám tiêu, chỉ lo tăng ca để kiếm tiền gửi về nhà. Bạn ấy cũng như em không có thời gian để rèn luyện sức khỏe, đi chơi. Từ nhà máy về, bạn ấy chỉ ăn và ngủ một mạch, rồi lại đi làm. Những trường hợp như Bắc nhiều lắm”, Bông kể.
 
Hơn một năm nay, từ quê lúa Thái Bình đến KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) làm công nhân, anh Trần Văn Hà (thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) chưa biết đến ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật. Vì vào những ngày này, các công nhân khác tranh thủ nghỉ ngơi, về quê thì anh luôn đăng ký tăng ca, làm thêm giờ.
 
“Mỗi lần có việc phải nghỉ, không làm thêm được, tôi rất tiếc vì đi làm thêm được tính gấp 200% lần tiền lương ngày làm việc bình thường. So với công sức trồng lúa, trồng hoa màu của bố mẹ dưới quê thì tôi kiếm tiền dễ dàng hơn rất nhiều”, anh Hà tâm sự.
 
Vốn là một chàng trai yêu thích bóng đá, cầu lông và bơi lội, từ ngày đi làm công nhân, anh chủ yếu dành thời gian để… ngủ rồi lại đi làm. Thi thoảng nhớ lại, anh có tập vài động tác đơn giản để kéo giãn xương khớp. Anh cho rằng, thời gian làm việc dài khiến cơ thể mệt mỏi. Anh chỉ còn công sức để… ngủ!
 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thu nhập của công nhân giảm sút, vì vậy tăng ca thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống là sự lựa chọn của nhiều công nhân. Nguồn: baohaiduong.vn
 
TƯƠNG LAI SẼ RA SAO?
Ngoài những nam, nữ công nhân đang độ tuổi thanh niên dành thời gian để tăng ca, kiếm tiền, quên vận động và rèn luyện thể dục thể thao thì còn có những công nhân làm cha, mẹ, phải chăm lo cho con cái. Họ cũng quên đi những giây phút chăm lo cho sức khỏe của bản thân mình.
 
Có những ngày đi làm ca đêm, anh Nguyễn Văn Dương (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) phải đến công ty từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Khi về nhà, anh cũng không còn thời gian để tập thể dục. Là người cha của hai con nhỏ, anh phải dành thời gian để cùng vợ chăm sóc gia đình.
 
“Vừa phải làm việc, vừa cùng vợ đưa đón, chăm sóc con nhỏ khiến tôi không có thời gian cho “đam mê” thể thao của mình là bóng đá. Tôi cũng mong ngày nào đó con lớn lên, cuộc sống dư dả hơn để có thể tập luyện những môn thể thao tôi yêu thích nhiều hơn, nhưng không biết đến bao giờ. Tương lai rồi sẽ về đâu?”, anh Nguyễn Văn Dương tư lự.
 

Tăng ca nhiều, thời gian làm việc dài khiến cơ thể mệt mỏi, nên hết giờ làm khi trở về khu trọ, công nhân chỉ còn công sức để… ngủ. Nguồn: news.mogi.vn
 
Cùng suy nghĩ với anh Dương, chị Lê Kim Chung (công nhân Công ty TNHH Phụ tùng Ô tô - Xe máy Việt Nam, KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) rất thích thú khi nói về việc cùng đồng nghiệp tập thể dục nâng cao sức khỏe.
 
Chị Chung chia sẻ, khi mới vào công ty làm việc, một nhóm công nhân đã thân thiết với nhau và cùng nhau chạy bộ vào buổi sáng. Việc rèn luyện như vậy giúp họ có được sức khỏe dẻo dai hơn, từ đó phục vụ công việc tốt hơn. Những giây phút cùng bạn bè chạy bộ là dịp để gắn kết nhau hơn. “Ai cũng có một đôi giày và cùng hẹn nhau vào lúc 5h30 để chạy bộ. Hình thức tập luyện giản đơn, không tốn kém nhưng thực sự có lợi cho sức khỏe”, chị Chung kể.
 
Công nhân mong muốn công ty có những bài tập thể dục phù hợp, trong thời gian ngắn để nâng cao sức khỏe. Thay vì cuộc sống của họ chỉ gói gọn trong môi trường nhà xưởng và nhà trọ, không ít người mong muốn có những hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cũng như thể dục thể thao để cải thiện sức khoẻ chính tại nơi làm việc.
 

Nhiều công nhân do mải làm việc, tăng ca nên đã “bỏ quên” sức khỏe. Ảnh: Hoài Thương
Bài viết: Bảo Hân

Messenger Zalo