197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng

11-03-2022
Thi công, xây dựng là một trong những ngành được ghi nhận là để xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) cao nhất. Để đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc trong lĩnh vực này, ngoài trách nhiệm của nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, còn có vai trò quan trọng của chủ đầu tư các công trình.
 
Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng

Hiện trường vụ sập tường nhà máy của Công ty AV Healthcare tại KCN Giang Điền (Trảng Bom, Đồng Nai). Ảnh: TGCC

Qua công tác điều tra các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trên địa bàn TP. HCM, Sở LĐ-TB-XH TP. HCM ghi nhận, tình hình TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực thi công xây dựng (gồm xây dựng công trình dân dụng, công trình công ích, công trình chuyên dụng khác…), chiếm tỷ lệ cao; cụ thể có 17/31 vụ TNLĐ chết người (chiếm tỷ lệ 54,81%).
 
Thực tế cho thấy, mức độ vi phạm về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của các đơn vị thi công xây dựng luôn ở mức cao, vì đa phần nguồn lao động của ngành xây dựng là thời vụ, ít được đào tạo nghề bài bản. Một số nhà thầu thi công xây dựng chưa thật sự quan tâm, hay chủ động thực hiện các quy định, đảm bảo an toàn thi công. Mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này còn thấp, chưa đủ sức răn đe với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
 
Qua tham gia đoàn điều tra kết luận TNLĐ cho thấy nguyên nhân thường xảy ra do lỗi thuộc về phía người sử dụng lao động như không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc trước khi bố trí cho công nhân làm việc; Không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ trước khi làm việc; Không xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng loại công việc, tổ chức lao động không hợp lý, không có phương tiện bảo vệ cá nhân, hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không tốt; Không thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thiết bị, máy móc trong quá trình sử dụng vận hành.
 
Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng

Hiện trường vụ sập tường nhà máy của Công ty AV Healthcare tại KCN Giang Điền (Trảng Bom, Đồng Nai). Ảnh: TGCC

Cảnh sát cứu nạn - cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ sập một công trình xây dựng ở TP Hồ Chí Minh - Ảnh: CAND
 
Đối với người được phân công phụ trách kiểm tra, giám sát an toàn lao động (ATLĐ) nhưng chưa tham gia khóa huấn luyện ATLĐ, không có giấy chứng nhận ATLĐ theo quy định của pháp luật. Đối với người lao động, đa số là công nhân lao động theo thời vụ, không được tham gia BHXH, chưa được tập huấn theo quy định, không nắm bắt nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, một số qua đào tạo nhưng chưa hiểu rõ về công tác ATVSLĐ nên việc phòng ngừa TNLĐ chưa được quan tâm.
 
Vì vậy, Sở LĐ–TB&XH TP. HCM đã tham mưu UBND TP chỉ đạo và huy động sự đồng thuận, chung tay của các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân trên địa bàn trong công tác ATVSLĐ; Thúc đẩy và đề cao vai trò bảo đảm quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các tổ chức xã hội khác trong việc thực hiện ATVSLĐ.
 
Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp; đặc biệt là cán bộ quản lý về lao động của các cơ quan quản lý nhà nước ở thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để họ kịp thời hướng dẫn người lao động trong các doanh nghiệp ở địa phương về công tác ATVSLĐ.
 
“Thời gian tới, TP. HCM tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề tiềm ẩn gây ra sự cố kỹ thuật, mất ATVSLĐ; tiềm ẩn xảy ra TNLĐ nghiệm trọng, đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng tiềm ẩn TNLĐ. Kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi, vi phạm quy định pháp luật về ATVSLĐ theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM nhấn mạnh.
 
Để chủ động phòng ngừa TNLĐ, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ thầu, người lao động, chủ đầu tư có vai trò rất quan trọng. Ông Nguyễn Quốc Việt – Trưởng phòng Việc làm, ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH TP. HCM) cho biết, ghi nhận của cơ quan chức năng đến nay, công trường Đại Quang Minh là một tổng thể công trình lớn với nhiều hạng mục, xây dựng trong khoảng thời gian rất dài nhưng công tác ATLĐ luôn được đảm bảo, để có kết quả đó, chủ đầu tư đóng vai trò quan trọng.
 
Công ty đặt con người, môi trường làm việc lên hàng đầu. Song song với việc thường xuyên huấn luyện về ATLĐ cho người lao động, tại các công trường, công ty luôn đặt các bảng thông tin an toàn - sức khỏe - môi trường nhằm xây dựng ý thức chấp hành nội quy về ATLĐ, đồng thời nhắc nhở người lao động phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ trước khi vào làm việc.
Đối với nhà thầu, ngoài những cam kết về mặt kinh tế, kỹ thuật xây dựng Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có những yêu cầu riêng về ATLĐ, cam kết đảm bảo an toàn cho công nhân thi công. Nhà thầu để xảy ra sai sót trong công tác bảo đảm ATLĐ sẽ bị xử nghiêm. Bộ phận giám sát ATLĐ của công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố nhằm triệt tiêu nguy cơ xảy ra TNLĐ.
 
Ông Nguyễn Đức Hải – Trưởng Bộ phận giám sát an toàn, sức khoẻ và môi trường miền Nam, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ, năm 2021, Hòa Bình đạt 46.535.899 giờ làm việc ATLĐ trong hơn 70 công trình trong toàn quốc đã minh chứng niềm tin đúng chỗ của các chủ đầu tư. Và công ty phát động chiến dịch thi đua Thực hiện công tác ATVSLĐ Quý IV năm 2021 với chủ đề “về đích đạt kỳ tích lần 3”. Chiến dịch này, thúc đẩy sự quan tâm của toàn bộ cán bộ, công nhân lao động, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ, nỗ lực không để xảy ra TNLĐ. Kết thúc chiến dịch, công ty đã thưởng 100 triệu đồng cho 4 công trường và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong suốt quá trình tham gia chiến dịch.
baodansinh.vn

Messenger Zalo