Thêm phần việc đóng tàu được đề xuất bổ sung là nghề nặng nhọc, nguy hiểm
15-12-2022
Một số công việc được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung vào danh sách nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm liên quan tới người lao động làm việc trong ngành Hàng hải, đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu.
Theo dự thảo Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 51 nghề, công việc đã được đề xuất bổ sung.
Công nhân đóng tàu có tính chất công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ảnh: VIỆT HÙNG
Đối với lĩnh vực Vận tải, một số công việc được đề xuất bổ sung vào danh sách, chủ yếu liên quan tới ngành Hàng hải, đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu.
Cụ thể, công việc sửa chữa điện trong nhà máy đóng tàu cũng được đề xuất bổ sung vào danh sách với mô tả "có tư thế lao động gò bó, làm việc trong môi trường luôn tiềm ẩn nguy hiểm, cháy nổ; chịu tác động của nóng, ồn".
Một công việc khác là vận hành máy cắt CNC trong nhà máy đóng tàu. Công việc này được mô tả là trong môi trường nguy hiểm; chịu tác động của nóng, ồn, bụi.
“Công việc đóng tàu rất nặng nhọc, vất vả, độc hại. Dù là đóng mới hay sửa chữa, hoán cải, hoặc làm trong xưởng hay ngoài trời, công nhân đều phải chịu khói, bụi, tiếng ồn, nóng bức. Có công việc ngày đêm cheo leo trên giàn cao để mài, hàn vỏ tàu, hoàn thiện các chi tiết. Thậm chí, có thợ phải hàn trong các khe ngách nhỏ hẹp ở khoang tàu kín mít, chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, khói hàn ngột ngạt mùi dầu, mùi cháy khét của que hàn kim loại, tiếng đe búa đinh tai váng óc. Ngành đóng tàu đòi hỏi mức độ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cao hơn so với ngành nghề khác nhưng điều kiện làm việc lại rất vất vả. Trong khi đó, lương bình quân công nhân chỉ khoảng 10 triệu đồng/người/tháng” - anh Nguyễn Ngọc Hồng, 50 tuổi, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng cho biết.
Tại Điều 166 Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định, người lao động làm việc trong lĩnh vực Nghệ thuật, Thể dục - thể thao, Hàng hải, Hàng không được áp dụng một số chế độ phù hợp về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Chính phủ.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, các đối tượng được bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng một số quyền lợi như được giảm học phí trong đào tạo, ưu tiên về tuổi nghỉ hưu...
Theo Thông tư số 11/2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành có hiệu lực từ 1/3/2021, nhiều đối tượng thuyền viên của lĩnh vực hàng hải đã được bổ sung vào danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bởi môi trường làm việc chịu tác động sóng, gió.
Các đối tượng thuyền viên được bổ sung tại thông tư gồm: Sí quan thủy thủ, thuyền viên trên tàu vận tải; sĩ quan, thuyền viên tàu chở xăng, dầu trên biển; thuỷ thủ, thuyền viên, thợ máy tàu lai dắt; thuyền viên, kỹ thuật viên, thợ máy tàu vận tải thuỷ chở vật liệu nổ; sĩ quan, thuyền viên, kỹ thuật viên, thợ máy các tàu công trình....
So với quy định trước đây, danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Thông tư này đã được bổ sung thêm số lượng đáng kể các nghề, công việc nhưng vẫn được chia theo từng lĩnh vực cụ thể và phân loại theo điều kiện lao động loại IV, V, VI.
Tuy nhiên, Thông tư mới chỉ quy định chung tất cả các nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc độc hại nguy hiểm mà không chỉ rõ công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm thì tương ứng với điều kiện lao động nào.
Theo HÀ VY (Tạp chí điện tử lao động và công đoàn)
Thông tin khác
- » Bài 1: Định hướng phát triển bảo hiểm bắt buộc TNLĐ và BNN ở nước ta (14.12.2022)
- » TIẾN NHANH, TIẾN MẠNH, TIẾN LÊN...THÊM BƯỚC NỮA !!! (13.12.2022)
- » Bổ sung danh mục ngành nghề nguy hiểm độc hại có yêu cầu nghiêm ngặt (07.12.2022)
- » Quy định tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh (03.12.2022)
- » Giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động (02.12.2022)
- » Giải pháp để mạng lưới an toàn, vệ sinh viên hoạt động hiệu quả (02.12.2022)
- » Bảo vệ người lao động trong môi trường làm việc có tiếng ồn nguy hại (30.11.2022)
- » Kết hợp tốt hơn các thực hành an toàn điện trong cơ sở sản xuất (30.11.2022)