Ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tai nạn lao động
03-06-2022
Khai thác than khoáng sản là ngành sản xuất nặng nhọc, ấn chứa nhiều nguy cơ rủi ro tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng để ngành than phát triển bền vững trong thời gian qua, ngành Than đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Với mục tiêu giảm thiểu số vụ tai nạn lao động và sự cố, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo quyết liệt và triển khai các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ. Một trong các giải pháp nổi bật là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác và đào lò, tự động hóa và tin học hóa trong các dây chuyền sản xuất; kiện toàn bộ máy làm công tác an toàn; hướng dẫn kỹ năng khi đi lại làm việc, kiểm soát lẫn nhau trong hầm lò.
Theo TKV, việc đẩy mạnh đầu tư, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại vào sản xuất góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao mức độ an toàn, kiên quyết loại bỏ công nghệ có nguy cơ mất an toàn cao trong tất cả các loại hình sản xuất.
Điển hình trong việc tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động có thể kể đến Công ty Cổ phần Than Hà Lầm. Giám đốc Công ty Cổ phần Than Hà Lầm Vũ Ngọc Thắng cho biết, việc nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác lò chợ CGH đồng bộ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn cho người lao động do không phải nổ mìn tách phá gương lò so với công nghệ cũ. Tỷ lệ thu hồi than nóc cao sơn so với các loại công nghệ khai thác khác từ 5 - 10% do đó tiết kiệm tài nguyên, giảm tổn thất than trong quá trình khai thác. Năng suất lao động sản lượng khai thác cao gấp 3 - 5 lần so với các loại hình khai thác bằng công nghệ giá thủy lực liên kết xích ZH1800/16/24/ZL. Từ đó, tăng thu nhập cho người lao động, giảm tiêu hao gỗ chống góp phần bảo vệ môi trường.
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác và đào lò, các đơn vị trực thuộc TKV cũng đã đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Thông qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ về ATVSLĐ; thông tin tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân người lao động các biện pháp phòng ngừa, mối nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, loại bỏ nguy cơ mất an toàn trong sản xuất. Với những giải pháp tích cực, thời gian qua, ngành Than được đánh giá thực hiện có nền nếp công tác ATVSLĐ.
Để tiếp tục thực hiện đồng bộ công tác ATVSLĐ và mục tiêu của TKV trong năm 2022, mới đây, Tổng Giám đốc TKV và Đoàn Thanh niên Tập đoàn, Đoàn Thanh niên Than Quảng Ninh đã thống nhất ban hành Nghị quyết liên tịch triển khai công tác ATVSLĐ năm 2022.Theo đó, đối với chuyên môn: TKV kiện toàn Hội đồng ATVSLĐ, phân công nhiệm vụ, định kỳ (6 tháng, cả năm) kiểm điểm trách nhiệm từng thành viên. Xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, phòng cháy chữa cháy, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro sát với đặc thù của đơn vị....
Bên cạnh đó, thực hiện giải quyết đúng, đủ chế độ cho người lao động khi bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, mắc bệnh nghề nghiệp; thông tin, rút kinh nghiệm kịp thời các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong TKV; tiếp tục đầu tư áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong sản xuất và quản lý. Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong lĩnh vực an toàn lao động và cải thiện điều kiện làm việc.
Đồng thời tăng cường tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo quy định, gắn với công tác phòng chống dịch bệnh; khai báo, thống kê, điều tra các vụ tai nạn lao động xảy ra theo đúng quy định của Nhà nước và Luật ATVSLĐ; tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức và văn hóa ứng xử của cán bộ, công nhân lao động; xây dựng văn hóa an toàn.
Đối với tổ chức công đoàn: Tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc. Phối hợp giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Tuyền truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc; chấp hành nghiêm nội quy, kỷ luật lao động, rèn luyện tác phong công nghiệp, tự chủ an toàn. Phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn và người lao động.
Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác ATVSLĐ năm 2022, phát động phong trào thi đua, đảm nhận các công trình đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022; Tháng thi đua cao điểm thực hiện công tác ATVSLĐ - Tháng 7/2022. Đẩy mạnh phong trào sáng kiến, sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý; tổ chức triển khai, vận động người lao động hưởng ứng hoàn thành chỉ tiêu Chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.
PV
Thông tin khác
- » Tăng cường An toàn vệ sinh lao động, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững (03.06.2022)
- » Quyền lợi người tai nạn lao động được hưởng (02.06.2022)
- » Tai nạn lao động, phân loại và khai báo tai nạn lao động (02.06.2022)
- » Bảo đảm an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động (28.05.2022)
- » 4 việc mà người lao động phải thực hiện để đảm bảo an toàn nơi làm việc (24.05.2022)
- » 8 việc doanh nghiệp cần làm để đảm bảo an toàn nơi làm việc (24.05.2022)
- » Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động (24.05.2022)
- » Quyền và nghĩa vụ của người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động là gì? (23.05.2022)