197/10 Hoàng Văn Thụ, P. 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
English Vietnamese

Xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp tại Việt Nam

04-05-2022
Văn hóa bao gồm tất cả những sản phẩm của con người và xã hội, nói như một danh nhân, đó là “thiên nhiên thứ hai” do con người sáng tạo ra. Việc xây dựng văn hóa trong sản xuất, nhất là văn hóa an toàn (VHAT) có tác dụng tích cực phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), góp phần phát triển bền vững.
 
Những đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp
Một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu mà các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển là giá trị theo đuổi; như sáng tạo các sản phẩm mới mang lại giá trị cho khách hàng; phấn đấu làm hài lòng khách hàng bằng chất lượng tốt và giá cả hợp lý; hợp tác cùng làm việc (đề cao sự hợp tác, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, quan hệ cộng đồng…).
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải thiết lập một loạt các tiêu chí có giá trị khác, như tạo dựng niềm tin (không có niềm tin vào thành công thì thật khó có sức mạnh trong hợp tác); thái độ ứng xử (phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội hiện đại, chia sẻ những khó khăn trong công việc, lãnh đạo biết lắng nghe, nhân viên tích cực…tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh trong doanh nghiệp); hành vi giao tiếp (để lại ấn tượng và quan trọng là nó thể hiện các hành động mang tính văn hóa của doanh nghiệp); quy định thống nhất về các hành vi giao tiếp trong nội bộ, với khách hàng, bạn hàng và với các cơ quan quản lý nhà nước; sự tham gia của ban lãnh đạo và nhân viên, dẫn dắt các hoạt động văn hóa của doanh nghiệp.
 
Công nhân Đội Hotline (Điện lực Đắk Nông) quán triệt quy định an toàn lao động trước khi tiếp cận lưới điện. Ảnh: Huy Hoàng.
 
Các quan điểm về VHAT, văn hóa phòng ngừa TNLĐ, BNN tại nơi làm việc
Theo Công ước 187 (5/12/2006) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì “An toàn và sức khỏe mang tính phòng ngừa” để chỉ văn hóa, trong đó quyền về môi trường làm việc an toàn và lành mạnh được tôn trọng ở mọi cấp. Người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ chủ động tham gia vào việc bảo đảm môi trường làm việc an toàn và lành mạnh thông qua một hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định, và ở đó nguyên tắc phòng ngừa được ưu tiên cao nhất”.
Trong thực tế, VHAT hay “văn hóa phòng ngừa” đã được sử dụng ở nhiều quốc gia khác nhau và được nhìn nhận như một “nền tảng” trong chiến lược tăng khả năng cạnh tranh, sự tin cậy và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
 
Cụ thể, Uỷ ban An toàn và Vệ sinh Vương quốc Anh (năm 1993) cho rằng VHAT tại nơi làm việc của một doanh nghiệp là sản phẩm của các nguyên tắc ứng xử, thái độ, sự nhận thức, năng lực và khuôn mẫu hành động; được định rõ và được cam kết thực hiện cùng với sự thành thạo trong việc quản lý về ATVSLĐ của doanh nghiệp.
 
Theo quan điểm của ILO thì VHAT tại nơi làm việc là văn hóa trong đó quyền có một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh của NLĐ được tất cả các cấp tôn trọng. Chính phủ, NSDLĐ và NLĐ đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh. Thông qua một hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định và nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu.
 
Thực hiện VHAT tại nơi làm việc ở Việt Nam

Nội dung phân cấp thực hiện VHAT tại nơi làm việc

Cấp quốc gia

Cần thể hiện rõ trong đường lối, chính sách và pháp luật về ATVSLĐ của nhà nước Việt Nam: Bộ luật Lao động và Luật ATVSLĐ quy định trách nhiệm của chính phủ, NSDLĐ, NLĐ và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về ATVSLĐ và các cơ chế đảm bảo việc thi hành pháp luật, hệ thống thanh tra lao động, vai trò của tổ chức Công đoàn…

Cấp 

Chính phủ

Từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật ATVSLĐ. Các chính sách, pháp luật ATVSLĐ nhằm đảm bảo các quyền được hưởng một môi trường làm việc an toàn, vệ sinh lao động của NLĐ, bắt buộc các cấp phải tôn trọng (thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ NLĐ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ...) là cơ sở để đảm bảo thực hiện “VHAT lao động tại nơi làm việc”.

Kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSLĐ. Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ được mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp, các làng nghề.

Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức được đẩy mạnh; tư vấn, phổ biến kiến thức, pháp luật ATVSLĐ cho các doanh nghiệp thay vì chỉ đơn thuần thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các hệ thống quản lý ATVSLĐ (ILO-OSH MS 2001, ISO 45001: 2018); giới thiệu và hướng dẫn phương pháp cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an toàn…

Cấp doanh nghiệp

Về phía NSDLĐ

Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; cải tạo nhà xưởng, môi trường làm việc; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ; đẩy mạnh công tác kiểm tra và tự kiểm tra.

Xây dựng các giải pháp phòng ngừa rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố xảy ra... chủ động hoặc theo yêu cầu của đối tác đã đưa vào áp dụng các hệ thống quản lý theo bộ tiêu chuẩn ISO 45001, SA 8000, OSHAS 18001...

Cam kết với NLĐ thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với NLĐ, về ATVSLĐ thông qua các TƯLĐTT; đảm bảo chế độ làm việc của NLĐ, các hoạt động phúc lợi xã hội; thực hiện quyền bình đẳng trong công việc và cư xử...

Về phía 

NLĐ

Ý thức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong công tác ATVSLĐ.

Tham gia, đóng góp xây dựng TƯLĐTT, nội quy lao động của doanh nghiệp.

Cùng với NSDLĐ xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ và trực tiếp tham gia các hoạt động: đánh giá rủi ro, cải thiện điều kiện lao động...

Nhận thức của NLĐ về ATVSLĐ được nâng cao, ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ được cải thiện; hiểu, tôn trọng và nghiêm túc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với công tác ATVSLĐ.

Để thực hiện VHAT tại doanh nghiệp có hiệu quả cao nhất, chúng ta nên ưu tiên tập trung hướng vào kiểm soát các khu vực có nguy cơ cao, những nơi làm việc/công việc có tỉ lệ tai nạn cao.

 

 

Việt Nam là một nền kinh tế năng động, sáng tạo. Trong những năm gần đây, ngoài việc đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư từ các quốc gia phát triển bên ngoài, Chính phủ Việt Nam cũng luôn ưu tiên tập trung đầu tư nguồn lực cho các doanh nghiệp trong nước phát triển nhằm cung cấp các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu đến các nước phát triển trên thế giới. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, chủ trương xây dựng VHAT tại nơi làm việc đối với các doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Thông qua hình thức hướng dẫn, khuyến khích, cùng với xây dựng các chế tài về pháp lý, các giải pháp và sự hỗ trợ khác nhằm giúp cho doanh nghiệp phát triển - mang lại khả năng cạnh tranh, uy tín và lợi ích cho cả quốc gia, doanh nghiệp và NLĐ. Đây cũng là chìa khóa để cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro, nhằm giảm thiểu TNLĐ, BNN một cách hiệu quả.

ThS. TRẦN XUÂN HIỂN - Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Nguồn: https://laodongcongdoan.vn/xay-dung-van-hoa-an-toan-trong-doanh-nghiep-tai-viet-nam-75793.html 

Messenger Zalo