Yêu cầu về an toàn trong bảo quản hóa chất nguy hiểm
18-07-2022
Những ảnh hưởng của hóa chất đến sức khoẻ của người lao động là vấn đề được quan tâm nhiều những năm gần đây. Thực tế ở nước ta, hầu hết các thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất, sử dụng hóa chất đều lạc hậu, công nhân thường phải tiếp xúc trực tiếp hóa chất. Vì vậy, yêu cầu về an toàn trong bảo quản hóa chất nguy hiểm cần được đặt ra cấp bách.
Để đảm bảo sản xuất được an toàn, hạn chế những ảnh hưởng do hóa chất gây ra đối với sức khỏe người lao động, môi trường và tài sản, Quốc hội đã ban hành Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 ngày 21/11/2007. Tiếp theo đó, ngày 9/10/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2017/NĐ- CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất”. Ngày 21/12/2020 Bộ Công thương cũng ban hành Thông tư số 48/2020/TT-BCT về “Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm”.
Trong các văn bản quy định này đã xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động hóa chất cũng như người lao động trực tiếp tham gia vào công việc quản lý, sản xuất... sử dụng, bảo quản và thải bỏ hóa chất phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nhằm ngăn ngừa các tác động có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, môi trường và an ninh, quốc phòng.
Để thực hiện tốt công tác về an toàn trong bảo quản hóa chất, đơn vị sử dụng cần nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn, cụ thể như sau:
Yêu cầu về nhà xưởng, kho chứa
Nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải được kiểm tra định kỳ hằng năm về an toàn và biện pháp đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Biên bản kiểm tra phải được lưu giữ đến kỳ kiểm tra tiếp theo. Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được tải trọng, chịu được ăn mòn hóa chất, không trơn trượt. Nhà xưởng, kho chứa có hóa chất nguy hiểm phải có ít nhất 2 lối ra, vào. Các lối ra, vào, cửa thoát nạn, lối đi cho người đi bộ không bị cản trở.
Nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm phải lắp đặt thiết bị rửa mắt khẩn cấp và tắm khẩn cấp, đảm bảo khoảng cách từ khu vực có thao tác tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm đến thiết bị rửa mắt, tắm khẩn cấp trong phạm vi bán kính 10m, nhưng không gần hơn 2m. Kho chứa hóa chất nguy hiểm phải được bố trí, phân chia khu vực sắp xếp theo tính chất của từng loại, nhóm hóa chất.
Khi xếp hóa chất trong kho phải đảm bảo yêu cầu an toàn cho người lao động và hàng hóa như sau: Đối với hàng đóng bao phải xếp trên bục hoặc trên giá đỡ, cách tường ít nhất 0,5m, hóa chất có khả năng phản ứng với nước phải xếp trên bục cao tối thiểu 0,12m; các thiết bị chứa hóa chất không được xếp sát trần kho và không cao quá 2m nếu không có kệ chứa; lối đi chính trong kho rộng tối thiểu 1,5m.
Kho chứa hóa chất nguy hiểm phải được bố trí, phân chia khu vực sắp xếp theo tính chất của từng loại, nhóm hóa chất. Trong ành: Kho chứa hóa chất tại Công ty Cổ phần Cơ khí EURORACK (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Công ty cung cấp.
Xếp chồng các phương tiện chứa hóa chất phải đảm bảo khả năng chịu tải cho phép của pa-lết. Không xếp nhiều hơn ba (03) tầng đối vơi phương tiện chứa dung tích dưới 1.000 lít. Không xếp nhiều hơn hai (02) tầng đối với phương tiện chứa dung tích trên 1.000 lít.
Nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm dạng lỏng phải có hệ thống bờ, rãnh thu gom để đảm bảo hóa chất không thoát ra môi trường; hóa chất không tiếp xúc với các loại hóa chất có khả năng phản ứng trong trường hợp xảy ra sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất nguy hiểm khác.
Yêu cầu trong bảo quản hóa chất dễ cháy, nổ
Hóa chất dễ cháy, nổ không để cùng với ô xy, các chất có khả năng sinh ra ô xy, các hóa chất nguy hiểm có đặc tính không tương thích, các chất có yêu cầu về phương pháp chữa cháy khác nhau hoặc có khả năng tạo phản ứng nguy hiểm khi tiếp xúc hoặc cháy.
Cấm để thiết bị, đường ống chứa hóa chất dễ cháy, nổ gần nguồn phát nhiệt. Trường hợp có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, phải có biện pháp hạ nhiệt (sơn phản xạ hoặc tưới nước,...).
Hệ thống điện và hệ thống thông gió ở những nơi có hóa chất dễ cháy, nổ phải đảm bảo các yêu cầu sau: Dụng cụ điện, thiết bị điện, thiết bị chiếu sáng phải là loại an toàn cháy, nổ và có cấp phòng nổ tương ứng với môi trường hơi, khí dễ cháy, nổ; không được đặt dây cáp điện trong cùng một đường rãnh ngầm hoặc nơi có ống dẫn hơi, khí, chất lỏng dễ cháy, nổ; áptomat, ổ cắm điện phải đặt ở ngoài khu vực chứa các hóa chất dễ cháy, nổ; hệ thống thông gió của kho chứa hóa chất dễ cháy, nổ phải được thông thoáng tốt đảm bảo nồng độ hơi hóa chất nhỏ hơn 10% giá trị giới hạn nổ dưới bằng các biện pháp thông gió tự nhiên hay cưỡng bức.
Yêu cầu trong bảo quản hóa chất ăn mòn
Cơ sở có hóa chất ăn mòn phải có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế sự ăn mòn, bảo vệ công trình xây dựng. Nhà xưởng, kho chứa hóa chất ăn mòn ở dạng lỏng phải có hệ thống rãnh thu gom, hệ thống thu hồi xử lý hóa chất.
Thiết bị, đường ống chứa hóa chất ăn mòn phải được làm bằng vật liệu thích hợp, đảm bảo kín. Các vị trí van và cửa mở phải ở vị trí an toàn cho người thao tác đi lại. Trường hợp chứa trong thiết bị chịu áp lực, định kỳ phải kiểm tra theo quy định.
Diễn tập ứng cứu sự cố cháy, rò tràn hóa chất tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Công ty Nhôm Đắk Nông). Ảnh: KIM TIỆP.
Đường đi phía trên thiết bị có hóa chất ăn mòn phải có lan can bảo vệ, có tay vịn đảm bảo an toàn trong quá trình thao tác. Thành thiết bị, bể chứa phải cao hơn vị trí người thao tác ít nhất 1,2m, không được xây bục hoặc kê bất cứ vật gì làm giảm chiều cao nói trên.
Kho chứa hóa chất ăn mòn phải làm bằng các vật liệu không bị chất ăn mòn phá huỷ. Nền kho chứa phải bằng phẳng, xung quanh chỗ để phải có gờ cao ít nhất 0,1m hoặc rải một lớp cát dày 0,2 - 0,3m.
Không để các chất hữu cơ (như rơm, vỏ bào, mùn cưa, giấy), chất ô xy hóa, chất dễ cháy, nổ trong cùng một kho với hóa chất ăn mòn. Hóa chất ăn mòn vô cơ có tính axít, chất ăn mòn có tính kiềm và các chất ăn mòn khác phải bảo quản ở những khu vực hoặc kho chứa khác nhau; các khu vực chứa phải có lối đi rộng ít nhất là 1m.
Bao bì chứa hóa chất ăn mòn phải làm bằng vật liệu không bị hóa chất ăn mòn phá hủy, phải đảm bảo kín; hóa chất ăn mòn dạng lỏng không được nạp quá hệ số đầy theo quy định đối với mỗi loại hóa chất.
Các hóa chất không tương thích hoặc khi tiếp xúc với nhau tạo ra phản ứng nguy hiểm, không để cùng khu vực bảo quản hóa chất ăn mòn: Cách ly trong các khu vực riêng biệt, hoặc phân lập khu vực theo khoảng cách cách ly tối thiểu 5m đối với hóa chất ăn mòn thể lỏng hoặc 3m đối với hóa chất ăn mòn dạng rắn.
Đối với các hóa chất tạo phản ứng nguy hiểm khi tiếp xúc với nhau, áp dụng một trong các giải pháp sau: Cách ly trong các khu vực riêng biệt có tường, cửa chắn đảm bảo an toàn; phân lập khu vực theo khoảng cách an toàn tối thiểu 5m; lưu giữ trong cùng khu vực nhưng sử dụng riêng hệ thống khay thu gom tràn đổ hoặc thoát nước đảm bảo không có khả năng tiếp xúc kể cả trong trường hợp tràn đổ, rò rỉ, rơi vãi.
Tại nơi có hóa chất ăn mòn phải có tủ thuốc cấp cứu, vòi nước, thùng chứa hóa chất trung hòa: dung dịch natri cacbonat (NaHCO3) nồng độ 0,3%, dung dịch axit (CH3COOH) nồng độ 0,3% hoặc các dung dịch phù hợp khác để phục vụ ứng cứu sự cố hóa chất.
Với các hóa chất nguy hiểm cần tuân thủ đúng nội quy an toàn.
Yêu cầu trong bảo quản hóa chất độc
Nơi có hơi khí độc, bụi độc phải thông gió tự nhiên và kết hợp với các biện pháp thông gió cưỡng bức, đảm bảo nồng độ chất độc trong môi trường làm việc không vượt quá nồng độ giới hạn cho phép theo quy định pháp luật hiện hành.
Hóa chất độc phải bảo quản trong kho có tường và nền không thấm nước, không bị ảnh hưởng của lũ lụt, xa nơi đông dân cư, kho phải có khóa bảo đảm, chắc chắn. Khu vực chứa hóa chất độc phải có hệ thống bờ, rãnh thu gom; hệ thống thu gom có dung tích chứa tối thiểu bằng 110% tổng thể tích hàng hóa. Khu vực san chiết, đóng gói lại phương tiện chứa phải thông thoáng, đảm bảo vệ sinh an toàn hoặc có trang bị hệ thống hút hơi khí độc.
Công nghiệp hóa chất tại Việt Nam là ngành Công nghiệp non trẻ, mới chỉ sản xuất được một số ít loại hóa chất cơ bản như H2SO4, NaOH, Cl2, H3PO4... Hoá chất công nghiệp chưa cung cấp đủ thị trường nội địa, chỉ đủ cung cấp để sản xuất phân bón và một số hàng hóa đơn giản. Đa số các loại hóa chất đang sử dụng trong các doanh nghiệp tại nước ta hiện nay là nhập khẩu từ các nước phát triển. Trong số các loại hóa chất được sử dụng trên thị trường có khoảng 4.000 hóa chất độc hại, trong đó có 150 - 200 hóa chất là tác nhân gây nguy cơ ung thư. Do vậy, công tác quản lý trong vấn đề sử dụng và bảo quản các loại hóa chất là công việc hết sức quan trọng mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới quy định bắt buộc phải kiểm soát nghiêm ngặt (trong đó bao gồm cả Việt Nam).
ThS. TRẦN XUÂN HIỂN - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội
Thông tin khác
- » Quy định hồ sơ nhận hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (18.07.2022)
- » Quyền và nghĩa vụ trong công tác an toàn vệ sinh lao động (14.07.2022)
- » Cần bơm bê tông gãy đè trúng 4 công nhân (12.07.2022)
- » Đồ Bảo Hộ Lao Động (PPE) Bao Gồm Những Gì? (07.07.2022)
- » Đóng đinh giăng dây cốt pha, người phụ hồ bị đinh đâm vào mắt (04.07.2022)
- » Nghĩa vụ của an toàn, vệ sinh viên (01.07.2022)
- » Hoàn thiện Luật ATVSLĐ nhằm ngăn chặn và đẩy lùi Tai nạn lao động (28.06.2022)
- » Sập tường nhà trong lúc thi công xây dựng, một công nhân tử vong tai chỗ, một người bị thương nặng. (27.06.2022)